Hà Nội xây dựng Thành phố thông minh để phát triển xứng tầm

TS. Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội
Chia sẻ

(PNTĐ) - Việc triển khai chuyển đổi số của Thành phố bước đầu đạt một số kết quả. Chính quyền số từng bước được triển khai. Việc xây dựng hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh, bảo đảm các điều kiện phục vụ nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số (CĐS) khác. Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh trong công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là vấn đề quan trọng, được nhiều người quan tâm.

Kinh tế số, xã hội số của Thủ đô phát triển khá mạnh

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán chủ trương đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo… thực hiện CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số”, “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số…” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là khâu đột phá chiến lược; Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định “hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới”; Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định “Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động”.

Đến nay, việc triển khai CĐS của Thành phố bước đầu đạt một số kết quả. Chính quyền số từng bước được triển khai. Việc xây dựng hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh bảo đảm các điều kiện phục vụ nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động CĐS khác. Kinh tế số, xã hội số của Thủ đô phát triển khá mạnh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt; việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn Thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước.

Hà Nội xây dựng Thành phố thông minh để phát triển xứng tầm - ảnh 1
Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu tham quan triển lãm tại hội nghị “Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2023”. Ảnh: PV

Bên cạnh một số kết quả ban đầu, quá trình triển khai CĐS của Hà Nội còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Dữ liệu số chưa được hoàn thiện và khai thác hiệu quả, việc phân tích dữ liệu thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành chưa được triển khai; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong một số cơ quan của Thành phố còn hạn chế. Việc xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số, xã hội số còn hạn chế. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số nói riêng và CĐS nói chung. Năng lực CĐS của doanh nghiệp còn yếu; CĐS trong hầu hết các ngành, lĩnh vực còn chậm so với nhu cầu của xã hội và nhiệm vụ của Thành phố.

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do nhận thức của cấp ủy Đảng, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị về CĐS, xây dựng Thành phố thông minh còn nhiều hạn chế, bất cập và chưa thống nhất; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn bị động, chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của Thành phố, giữa Thành phố với các tỉnh, thành trên cả nước, giữa Thành phố với Trung ương còn chưa chặt chẽ, nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Để tận dụng các cơ hội trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khắc phục các tồn tại, hạn chế đồng thời là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, việc xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần tích hợp các nội dung về CĐS, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, bám sát đề cương định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt và các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành uỷ Hà Nội về CĐS, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể:

Về quan điểm chỉ đạo: Việc CĐS, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh phải bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp tình hình của Thủ đô, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số trong tương lai. CĐS, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị của Thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp về CĐS trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để CĐS, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh; tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành Thành phố thông minh.

 Bảo đảm thống nhất, đồng bộ từ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới đến áp dụng các quy định, quy chế, tiêu chuẩn trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu. Ưu tiên CĐS, xây dựng Thành phố thông minh đối với những ngành, lĩnh vực tạo thế và lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Dựa trên nền tảng dữ liệu số và công nghệ số, phát huy sức mạnh của toàn xã hội, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng văn hóa, con người, vị thế của Thủ đô.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, thực hiện CĐS phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS. Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành Thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan Nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Nội xây dựng Thành phố thông minh để phát triển xứng tầm - ảnh 2
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng (ngoài cùng bên phải) 
và đại diện các tỉnh, thành phố nhận giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023.
Ảnh: Thanh Hải

Tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh

Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp nhằm tạo nền móng CĐS, xây dựng Thành phố thông minh. Chuyển đổi nhận thức: Các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy Đảng trực tiếp chủ trì, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CĐS trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về CĐS, xây dựng Thành phố thông minh; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các hiệp hội ngành nghề Thành phố trong công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia CĐS; xây dựng Thành phố thông minh, tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành thành phố thông minh…

Hoàn thiện cơ chế, chính sách: Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp quy thuộc phạm vi, thẩm quyền gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với quy hoạch Thủ đô; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; khuyến khích áp dụng và có lộ trình từng bước áp dụng các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định, hướng dẫn liên quan đến quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thông minh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quản lý phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh, Thành phố thông minh; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ về truyền thông và trao đổi thông tin; chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho đô thị thông minh, áp dụng hiệu quả các giải pháp quản lý, mô hình thông tin công trình và các giải pháp công nghệ số trong phát triển đô thị như hệ thống bản đồ không gian số hoá, các giải pháp định vị, định danh.

 Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin: Hình thành trung tâm thông tin điều hành thông minh và trung tâm thông tin quy hoạch trên cơ sở tổ chức lại lực lượng CNTT hiện có, phát triển trung tâm dữ liệu chính, hướng tới tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung của Thành phố bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo nền tảng CĐS phục vụ quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và phát triển kinh tế số, xã hội số. Triển khai Đề án 06 của Chính phủ trên toàn thành phố một cách đồng bộ và hiệu quả. Thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 Phát triển nhân lực số: Tăng cường triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý về CĐS, về an ninh, an toàn thông tin mạng và tính riêng tư trên mạng cho người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước của Thành phố; đào tạo, tập huấn kiến thức về kinh tế số, kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho người dân và doanh nghiệp, ưu tiên triển khai đào tạo, tập huấn thông qua các nền tảng dạy và học trực tuyến. Đẩy mạnh triển khai Chương trình dạy và học về kỹ năng số và STEM/STEAM trong giáo dục tiểu học và phổ thông.

Hà Nội xây dựng Thành phố thông minh để phát triển xứng tầm - ảnh 3
Ảnh minh họa

Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số: Đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, hợp tác, học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức trong toàn xã hội phục vụ quá trình CĐS và xây dựng thành phố thông minh của Thủ đô.

Phát triển chính quyền số: Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước tại các cấp, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong và ngoài Thành phố theo quy định và yêu cầu, trong đó, tập trung ưu tiên duy trì, phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quan trọng như: Đất đai, dân cư, đăng ký doanh nghiệp, công chức - viên chức, tài chính, bảo hiểm, hộ tịch, thông tin quy hoạch, an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, y tế, hệ thống tác nghiệp quản lý đô thị tập trung (IOC); tiến tới cung cấp toàn bộ các thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Áp dụng định danh và xác thực danh tính điện tử qua việc triệt để khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai và doanh nghiệp, tạo nền tảng cốt lõi cho công tác quản trị xã hội. Trước hết tập trung triển khai Đề án 06 hiệu quả, vững chắc trong hoạt động khai thác dữ liệu vào quản lý điều hành của chính quyền.

Thử nghiệm triển khai hiệu quả một số dịch vụ đô thị thông minh tại một số quận, huyện của Thành phố, gắn liền phát triển dịch vụ đô thị thông minh với phát triển chính quyền số. Tăng cường hoạt động CĐS trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố, trong các hoạt động bảo đảm giữ gìn trật tự an toàn xã hội nhằm mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành CĐS.

Phát triển kinh tế số và xã hội số toàn diện trong tất cả các ngành

 Phát triển kinh tế số và xã hội số toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực và tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, như: Nông nghiệp và nông thôn theo hướng nông nghiệp số gắn liền với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Y tế số gắn kết thông suốt mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh từ thành phố tới cấp xã và với người dân. Cung cấp dịch vụ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử; đơn thuốc điện tử. Triển khai hiệu quả các nền tảng y tế của quốc gia. Hình thành Mạng y tế Hà Nội hỗ trợ người dân trong việc khám, chữa bệnh; chia sẻ kinh nghiệm phòng bệnh, chữa bệnh với sự tham gia chủ động của ngành y tế.

 Giáo dục và Đào tạo: Các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh triển khai áp dụng công nghệ số, tạo môi trường hình thành thế hệ công dân số và doanh nhân số cho tương lai.

Lao động, việc làm và an sinh xã hội: Phát triển theo hướng đẩy nhanh tiến trình thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Thương mại, công nghiệp: Phát triển theo hướng tinh gọn và tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng, góp phần hiện đại hóa chu trình kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Văn hóa: Số hóa 3D các công trình kiến trúc, di tích văn hóa, lịch sử tiêu biểu của Thủ đô, hình thành các bảo tàng số, kết nối, chia sẻ tài nguyên tri thức từ hệ thống tư liệu tại các bảo tàng trên cả nước, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử đồng thời là phương thức giới thiệu hình ảnh của Hà Nội…

Du lịch: Cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch theo thời gian thực, trên cơ sở xây dựng và khai thác các nguồn tài nguyên dữ liệu về văn hóa, lịch sử của Thủ đô để phát triển du lịch.

Tài chính, ngân hàng: Phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai có hiệu quả các Chiến lược, Chương trình, Đề án của Chính phủ về tài chính toàn diện, thanh toán không dùng tiền mặt.

 Các ngành, lĩnh vực khác: Tập trung phát triển kinh tế số và xã hội số trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng thiết lập môi trường phù hợp cho đổi mới sáng tạo, tăng cường sự chỉ đạo chiến lược và khai thác linh hoạt nguồn lực tài chính cho hoạt động hỗ trợ CĐS, hình thành hệ sinh thái kinh tế số, xã hội số ngành, lĩnh vực.

Phát triển doanh nghiệp số: Chính quyền tạo cơ chế phát triển các doanh nghiệp số, đẩy nhanh CĐS doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số, tạo hệ sinh thái doanh nghiệp số trong các ngành, lĩnh vực. Phát huy các nguồn vốn khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài trong phát triển các Khu CNTT tập trung.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phường Xuân La (Tây Hồ) đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”

Phường Xuân La (Tây Hồ) đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”

(PNTĐ) - Chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Xuân La (23/11/1964 – 23/11/2024), ngày 23/11, phường Xuân La (quận Tây Hồ) đã long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”. Đây là phường đầu tiên của quận Tây Hồ về đích “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”.