Hàng ngàn nhân khẩu phải sơ tán đã về nhà an toàn sau lũ
(PNTĐ) - Thống kê đến sáng nay (5/8), số hộ bị ảnh hưởng ngập lụt đã giảm chỉ còn khoảng 266 hộ, tập trung chủ yếu tại huyện Chương Mỹ. Hiện nay, hàng trăm hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu phải sơ tán để đảm bảo an toàn trong thời gian mưa lũ đã cơ bản trở về nhà..
Số liệu quan trắc cho thấy, hồi 7 giờ sáng nay (5/8), mực nước sông Bùi tại trạm thuỷ văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) đã xuống dưới báo động I. Mực nước sông Tích cũng đang xuống nhanh, dù hiện vẫn còn dao động ở mức báo động II.
Trong điều kiện thời tiết không có mưa như hai ngày qua, mực nước trên hệ thống sông Bùi, sông Tích được nhận định sẽ tiếp tục xuống nhanh. Cùng với đó, tình trạng ngập lụt tại các địa phương ven sông, nhất là tại hai huyện Chương Mỹ, Quốc Oai cũng giảm nhanh.
Tại đầu thôn Nhân Lý, nếu như cách đây một tuần vẫn ngập hơn một mét thì hiện có thể đi lại. Nước rút đến đâu, bà con bắt đầu lau rửa nhà đến đấy. Nhiều loại rác được gom vào bao tải, chất ở ven đường chờ xe đến chở đi.
Tại điểm trường mầm non xã Nam Phương Tiến, từ hai ngày nay, hàng chục thầy cô, bộ đội, cảnh sát và người dân địa phương dùng xe chuyên dụng, vòi rồng phun nước đẩy bùn đất ra khỏi phòng học, sân trường để sẵn sàng chuẩn bị cho năm học mới.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết, thiên tai, đề nghị các sở ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP Hà Nội.
Trong những ngày tới, bên cạnh tập trung khắc phục hậu quả, các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó chủ động, kịp thời với các sự cố thiên tai có thể xảy ra.
Huyện Chương Mỹ yêu cầu ở những vị trí nước rút, các xã tổ chức cho người dân trồng cây vụ đông sớm như dưa chuột, cà chua, rau. Các xã, thị trấn kiểm tra, đánh giá sự cố công trình giao thông, hạ tầng, nhà ở, đê điều, thủy lợi; kiểm soát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi. Các phòng, ban của huyện triển khai phương án bảo đảm đời sống người dân, không để tình trạng không có nước sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu.