Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) đã trở thành tổ chức uy tín, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển bền vững, hội nhập kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhằm tôn vinh chặng đường ba thập kỷ đầy tự hào và ghi nhận những đóng góp to lớn của Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, HANOISME tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (1995 - 2025) - phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng.

Đây không chỉ là sự kiện trọng đại đánh dấu một cột mốc lịch sử quan trọng mà còn là dịp để Hiệp hội tổng kết, nhìn lại chặng đường đã qua, đồng thời định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trên con đường hội nhập và phát triển bền vững.

Trong 30 năm qua, đã có hàng chục doanh nghiệp Hội viên của Hiệp hội đạt giải thưởng thương hiệu quốc gia, là giải thưởng cao nhất về sản phẩm của Việt Nam do Bộ Công thương chủ trì đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh năng lực cạnh tranh tiêu thụ trong và ngoài nước, nhất là kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng từ 10 – 20%.

Những thương hiệu tiêu biểu như: T&T, SHB, May 10, Tân Á Đại Thành, Misa, Sunhouse, Traphaco,…đã trở thành niềm tự hào không chỉ của Hiệp hội mà còn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tiếp nối hành trình khẳng định vị thế thương hiệu Việt trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội tổ chức Giải thưởng Mạc Đĩnh Chi – Thương hiệu số 1 nhằm tôn vinh 30 thương hiệu tiêu biểu.

Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội…Sự kiện nhằm vinh danh những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, trách nhiệm xã hội và chuyển đổi số.

Giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng đối với các thương hiệu tiên phong mà còn tạo động lực để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam vững mạnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Với ba chủ đề trọng tâm: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - đề cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, phát triển kinh doanh bền vững và nâng cao đạo đức doanh nghiệp; Chuyển đổi số và kinh tế xanh tuần hoàn - hướng tới một môi trường kinh doanh hiện đại, ứng dụng công nghệ và tối ưu hóa tài nguyên; và Hướng tới tương lai - 30 năm phát triển, định hướng chiến lược cho Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, Lễ kỷ niệm sẽ tạo ra cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và thắt chặt mối quan hệ giữa các doanh nghiệp.

Chương trình có sự hiện diện của lãnh đạo Trung ương, các đại biểu Lãnh đạo Thành phố, Sở ngành, hơn 30 Hiệp hội trên các tỉnh thành, địa bàn Thành phố, các đơn vị tài trợ, các đơn vị báo chí, truyền thông và đại diện của hơn 400 Doanh nghiệp Thủ đô.

Mở rộng quy mô với hơn 11.000 hội viên, 28 CLB quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội

Từ những ngày đầu thành lập với số lượng hội viên khiêm tốn, đến nay, Hiệp hội đã mở rộng quy mô với hơn 11.000 hội viên, 28 CLB quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội, 04 CLB tại thành phố Hồ Chí Minh, có 5 văn phòng đại diện tại: Mỹ, Nhật, Áo, Singapore và Cộng hòa Séc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.Với vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội đã tích cực tham gia đề xuất chính sách, tổ chức các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết và hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - ảnh 1
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội báo cáo tại Hội nghị thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí Thành phố tháng 5/2025.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh    nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) cho biết: Thành công này có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới, kinh tế tư nhân chỉ giữ vai trò thứ yếu, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực Nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì trong hai thập niên trở lại đây, nhất là khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (2020) và gần đây nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XIII (2023) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Khu vực kinh tế này đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) khẳng định: Ba thập kỷ qua là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng rất đáng tự hào. HANOISME không chỉ là ngôi nhà chung của các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn là đơn vị tiên phong trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Trong suốt quá trình phát triển, Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tư vấn chính sách, tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, kết nối giao thương, hỗ trợ tài chính và pháp lý, giúp doanh nghiệp thích ứng với sự thay đổi của thị trường và phát triển bền vững. Những đóng góp này đã khẳng định vai trò quan trọng của Hiệp hội trong hệ sinh thái doanh nghiệp, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và cả nước.

Khẳng định tinh thần dân tộc trong thời kỳ hội nhập

Với thông điệp xuyên suốt “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Lễ kỷ niệm lần này nhấn mạnh sức mạnh của tinh thần dân tộc và lòng tự tôn Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.

Trên mặt trận kinh tế thời bình, mỗi doanh nhân cũng là một “chiến sĩ” mang trong mình lòng yêu nước, khát vọng vươn lên khẳng định vị thế dân tộc. Chính tinh thần dân tộc đó đã trở thành động lực thôi thúc doanh nghiệp Việt không ngừng vươn xa, chinh phục những thị trường mới. Ngày nay, sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam – từ nông sản, thực phẩm đến công nghệ, công nghiệp – đã có mặt trên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mỗi thành tựu đạt được trên thị trường quốc tế đều góp phần khẳng định trí tuệ, bản lĩnh và niềm tự hào Việt Nam, đúng như tinh thần “hội nhập nhưng không hòa tan”.

Một điểm sáng trong chặng đường phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô là sự gắn kết giữa kinh doanh và văn hóa dân tộc. “Văn hóa còn thì dân tộc còn.” - Khẳng định của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn văn hóa dân tộc như nền tảng cho sự trường tồn và phát triển của đất nước, đồng thời là kim chỉ nam để doanh nghiệp xây dựng văn hóa kinh doanh vững mạnh.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - ảnh 2

Thành viên Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội giới thiệu sản phẩm tiêu biểu

 

Trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung luôn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa và coi đó là nền tảng tạo nên lợi thế cạnh tranh đặc thù. Nhiều doanh nghiệp đã và đang đổi mới sáng tạo dựa trên giá trị truyền thống: thiết kế những sản phẩm thời trang lấy cảm hứng từ hoạ tiết dân tộc; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, kết hợp tinh hoa làng nghề với xu hướng hiện đại; đưa ẩm thực Việt vươn ra thế giới nhưng vẫn giữ trọn hương vị truyền thống.

Thông qua mỗi sản phẩm, dịch vụ, doanh nhân Việt không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế mà còn góp phần quảng bá văn hóa, lan tỏa tinh thần Việt trong kinh doanh. Việc phát triển doanh nghiệp đồng thời tôn vinh các giá trị văn hóa cốt lõi chính là cách khẳng định rằng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam là linh hồn tạo nên sức sống bền bỉ cho thương hiệu Việt trên thị trường toàn cầu.

Doanh nghiệp xã hội - Kinh doanh gắn với trách nhiệm cộng đồng

Trong kỷ nguyên phát triển mới, ngày càng có nhiều doanh nghiệp xã hội xuất hiện, mang theo sứ mệnh không chỉ tìm kiếm lợi nhuận mà còn giải quyết các vấn đề của cộng đồng và môi trường. Những doanh nghiệp này đặt mục tiêu phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với đóng góp tích cực cho xã hội. Nhiều người trẻ khởi nghiệp với khát vọng dùng sáng kiến kinh doanh để tạo tác động tốt đẹp. Chẳng hạn, có những dự án tái chế rác thải nhựa thành sản phẩm hữu ích, những doanh nghiệp cung cấp nước sạch, hoặc các chương trình giáo dục miễn phí cho cộng đồng kém may mắn.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp tiêu biểu của Thủ đô như KOTO (Know One, Teach One) – nhà hàng đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn – đã chứng minh rằng kinh doanh có thể song hành cùng trách nhiệm xã hội một cách hiệu quả; những mô hình này không chỉ giúp cải thiện đời sống của nhiều người dân, mà còn truyền cảm hứng về lòng nhân ái và tinh thần tương thân tương ái – những giá trị quý báu của dân tộc – trong giới doanh nhân.

 Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn khuyến khích và đồng hành cùng các doanh nghiệp theo đuổi triết lý “phát triển kinh tế song song với trách nhiệm cộng đồng”, xem đó là hướng đi lâu dài để kiến tạo một nền kinh tế nhân văn và bền vững.

Tin cùng chuyên mục

 Tiến tới miễn viện phí cho người dân

Tiến tới miễn viện phí cho người dân

(PNTĐ) - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin về việc chú trọng phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho người dân.