Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Trợ giúp cho hơn 1,1 triệu người ứng phó thiên tai, thảm họa và đại dịch Covid-19

Chia sẻ

(PNTĐ) – Năm 2020, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã huy động được tổng giá trị hỗ trợ, ứng phó thiên tai, thảm hoạ và đại dịch Covid-19 đạt gần 800 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 1,1 triệu lượt người.

Quang cảnh hội nghịQuang cảnh hội nghị

Đó là kết quả được đưa ra ngày 27/4 tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa năm 2021 nhằm đánh giá kết quả hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm 2020, triển khai kế hoạch ứng phó thảm họa năm 2021.

Tham dự Hội nghị có đại diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đại diện các bộ, ngành liên quan; đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế, các đối tác quốc tế trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và Hội Chữ thập đỏ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước

Tại hội nghị, các đại biểu, tổ chức đánh giá, tổng kết, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những chương trình, mô hình hay, công tác điều phối, phối hợp trong phòng ngừa, ứng phó thảm họa, dịch bệnh năm 2020. Từ đó, chỉ đạo các cấp Hội rà soát, chuẩn bị các nguồn lực; vận động nguồn lực từ các đối tác trong và ngòai phong trào để có thể chủ động trong các hoạt động cả giai đoạn phòng ngừa và ứng phó.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ cứu trợ bà con bị lũ lụt miền Trung năm 2020.Trung ương Hội Chữ thập đỏ cứu trợ bà con bị lũ lụt miền Trung năm 2020.

Năm 2020, thiên tai xảy ra trên diện rộng với nhiều loại hình, đặc biệt mưa lũ miền Trung đã gây ra những thiệt hại hết sức nặng nề. Bên cạnh đó, đại dịch COVID -19 bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân.

Trước tình hình đó, Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã chỉ đạo toàn hệ thống triển khai các hoạt động một cách kịp thời, hiệu quả; huy động nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa và ứng phó thiên tai, thảm hoạ, đồng thời thực hiện hiệu quả các hoạt động truyền thông đối ngoại, tuyên truyền cho đông đảo tầng lớp nhân dân và các đối tác quốc tế, nhất là chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay của Việt Nam và của Hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh COVID-19.

Để kịp thời hỗ trợ người dân miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ trong giai đoạn khẩn cấp và phục hồi, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trợ giúp tiền và hàng hóa. Hiệp Hội cũng đã ra Lời kêu gọi quốc tế để hỗ trợ các tỉnh miền Trung Việt Nam bị thiệt hại do thiên tai với các lĩnh vực can thiệp: Nhà ở, sinh kế, nước sạch vệ sinh và chăm sóc sức khỏe. Tổng giá trị vận động nguồn lực thông qua 2 Lời kêu gọi là 358 tỷ đồng bao gồm tiền và hàng.

Hội đã đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ trang thiết bị (khẩu trang, quần áo phòng chống dịch, xà phòng, dung dịch sát khuẩn  phòng chống dịch…) tới người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân một số nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.


Trung ương Hội Chữ thập đỏ cứu trợ bà con bị lũ lụt miền Trung năm 2020.Trung ương Hội Chữ thập đỏ cứu trợ bà con bị lũ lụt miền Trung năm 2020.

Tổng giá trị hỗ trợ trong nước là 434 tỷ đồng, hỗ trợ quốc tế với trị giá hơn 4,6 tỷ đồng. Đặc biệt, gần 500 phiên chợ Nhân đạo trên khắp các tỉnh thành trên cả nước hỗ trợ hơn 120.000 phiếu mua hàng miễn phí, với kinh phí huy động trên 35,8 tỷ đồng, giúp người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 có thể tự lựa chọn những mặt hàng phù hợp với nhu cầu.

Tổng giá trị Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ, ứng phó thiên tai, thảm hoạ và đại dịch COVID – 19 năm 2020 đạt gần 800 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 1,1 triệu lượt người.

Nét mới trong công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa năm 2020 của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là chủ động trong công tác điều phối; triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương; đặc biệt việc ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo, đánh giá thiệt hại và nhu cầu của người dân, công tác truyền thông đối ngoại đã thu hút nguồn lực lớn trong nước và quốc tế.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ cứu trợ bà con bị lũ lụt miền Trung năm 2020.Trung ương Hội Chữ thập đỏ cứu trợ bà con bị lũ lụt miền Trung năm 2020.Trung ương Hội Chữ thập đỏ cứu trợ bà con bị lũ lụt miền Trung năm 2020. 

Để sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 năm 2021, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai và chỉ đạo toàn hệ thống chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực dự phòng, đa dạng hàng cứu trợ (thùng hàng gia đình, bộ dụng cụ sửa nhà, viên lọc nước, tấm bạt dựng nhà tạm...) để kịp hỗ trợ người dân trong tình huống khẩn cấp; phổ biến rộng rãi hướng dẫn quy trình chuẩn trong ứng phó thiên tai, thảm họa, quy trình cấp phát tiền mặt... đến các cấp Hội; ứng dụng công nghệ thông tin trong ứng phó khẩn cấp; triển khai mô hình đầu tư tài chính dựa trên dự báo (FbF) đối với nắng nóng và xây dựng mô hình tương tự với bão, lụt; xây dựng chuỗi cung ứng hậu cần đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả; triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông từ Trung ương tới địa phương.

Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện thắng lợi các văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phòng chống thiên tai, trong đó trọng tâm là Chỉ thị số 42 – CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Quyết định số 553/QĐ –TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của Hội và phát huy truyền thống “nhanh nhạy, kịp thời, chủ động, chuyên nghiệp và hiệu quả” trong công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện không có nghĩa 3 tháng điều chỉnh một lần

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện không có nghĩa 3 tháng điều chỉnh một lần

(PNTĐ) - Trả lời báo chí về nguy cơ thiếu điện trong năm nay khi chưa vào cao điểm mùa khô, tăng trưởng phụ tải điện đã vượt 11%, cao hơn so với kế hoạch, Thứ trưởng Bộ Công ThươngNguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Chính phủ và Thủ tướng đã rất quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp để triển khai, khắc phục tình trạng này và có đủ cơ sở tin tưởng năm nay không thiếu điện.