Hội LHPN Hà Nội: Đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi )
(PNTĐ) - Sáng ngày 20/7, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Bà Lê Kim Anh, Thành ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội chủ trì hội nghị.
Theo Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh: Luật Thủ đô được Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013. Qua qua 10 năm thi hành, Luật Thủ đô đã đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong luật đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thi hành không cao, dẫn đến khó đi vào cuộc sống. Việc thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ, giải pháp quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, bảo tồn và phát triển văn hóa, quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị; quản lý sử dụng đất, nhất là đất sử dụng cho các công trình công cộng phục vụ cộng đồng, dân cư; cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng, nhất là chính sách về thu chi ngân sách để thúc đẩy đầu tư phát triển; quản lý dân cư, bảo vệ Thủ đô bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội…
Luật Thủ đô sửa đổi nhằm thể chế hóa đầy đủ, chính xác nhất đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15- NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.
Tại hội nghị, bà Lê Kim Anh đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến vào hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 5 nội dung cụ thể như sau:
(1) Tổ chức chính quyền tại Thủ đô: Về mô hình tổ chức, chế độ công vụ, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội, cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.
(2) Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô: Về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; bảo vệ, phát triển văn hoá; phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số Thủ đô; y tế, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân và chính sách xã hội, an sinh xã hội của Thủ đô; quản lý, sử dụng đất đai; phát triển nhà ở; phát triển đô thị; đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển, quản lý hạ tầng giao thông; phát triển nông nghiệp, nông thôn; các biện pháp bảo vệ Thủ đô.
(3) Chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô: Về huy động sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; cơ chế thu hút đầu tư xã hội, cơ chế thực hiện đầu tư; thẩm quyền về đầu tư và thu hút nhà đầu tư chiến lược
(4) Liên kết, phát triển Vùng Thủ đô: vai trò và thẩm quyền của Thủ đô trong Vùng Thủ đô; chính sách ưu tiên đầu tư phát triển Vùng Thủ đô.
Các cơ quan, tổ chức và cá nhân quan tâm có thể đóng góp ý kiến trực tiếp hoặc gửi ý kiến góp ý bằng văn bản về Bộ phận Tư pháp phường (qua công chức Tư pháp - Hộ tịch) trước ngày 13/7/2023.
(5) Những nội dung cán bộ, hội viên, phụ nữ quan tâm, về lồng ghép giới trong Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp vào hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức thành phố Hà Nội đề nghị bổ sung hệ thống giáo dục công lập phổ thông phải đáp ứng được 75% nhu cầu của học sinh từ mầm non đến hết trung học có nhu cầu học; có chính sách hỗ trợ để tất cả học sinh trong mọi hoàn cảnh đều được tiếp cận giáo dục hiện đại như hiến định; tạo cơ sở vật chất để 100% các em không may mắn, khuyết tật đều được chăm sóc nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bảo đảm chất lượng phòng học, trang thiết bị như Luật giáo dục quy định, có giải pháp từ nay đến năm 2030 triệt tiêu sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nội và ngoại thành.
TS Nguyễn Ngọc Bích - Trưởng bộ môn Luật Hành chính, ĐH Luật Hà Nội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có tính vượt trội, so sánh với TP HCM chính quyền đô thị tại Hà Nội là họ thực hiện, còn tại Hà Nội thì đang thí điểm thực hiện chính quyền đô thị. Vì vậy, Hà Nội phải được trao quyền nhiều hơn các địa phương khác. Ở TPHCM và Đà Nẵng đã thí điểm bỏ HĐND quận, nhưng đối với TP Hà Nội vẫn đang là dự thảo một vấn đề cho tương lai, nên Hà Nội cần mạnh dạn bỏ HĐND quận, tăng tiết chế giám sát.
TS Nguyễn Ngọc Bích đề xuất trong dự thảo Luật cần có quy định của Thành phố liên quan tới việc hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có Hội LHPN vào các hoạt động của thành phố. Vì so với các địa phương khác, các địa phương của Hà Nội còn khá nhiều việc để đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ của mình.
Góp ý vào khoản 6 điểm c Điều 29 Dự thảo Luật Thủ Đô, Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, UBND thành phố Hà Nội ban hành: điểm c Quyết định thời gian cho thuê đối với quỹ đất công ích sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.”
Trong Dự thảo Luật Đất Đai sửa đổi điều 173 quy định “4. Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
Để thống nhất các quy định trong Luật Đất Đai văn bản chuyên ngành với quy định trong Luật Thủ Đô đề xuất sửa như sau: Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành thời gian cho thuê đối với quỹ đất công ích dựa trên đề xuất của UBND xã phường thị trấn theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phê duyệt.
Điều 30 khoản 3 điểm d Dự thảo Luật Thủ Đô như sau:Thành phố Hà Nội được bố trí quỹ đất tương đương 20% đất ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thay thế ở vị trí khác trên cơ sở đề xuất quỹ đất thay thế của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo nhấn mạnh: Với nhu cầu nhà ở xã hội của người dân đặc biệt là công nhân đang tăng cao. Sự kiện gần 1.500 người nộp hồ sơ bốc thăm suất mua 149 căn hộ nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) mới đây cho thấy thực trạng “khát” căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền với đa số người dân. Cần quy định rõ ràng trong dự thảo Luật thủ đô để có cơ chế, chính sách trong xây dựng nhà ở xã hội cho người dân.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo đề xuất sửa như sau: “Thành phố Hà Nội được bố trí quỹ đất tương đương 20% đất ở trong các dự án để dành cho việc xây dựng nhà ở xã hội”.
Chị Trần Thị Minh Xuân – Chủ tịch Hội LHPN Quận Đống Đa cho rằng, Điều 6: Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định: "HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên".
Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.
Để thực hiện được chức năng đại diện, trước đây, tại các phường đều có đại biểu HĐND cấp phường là người trực tiếp sinh sống, làm việc tại địa phương, gần gũi, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân để thay mặt Nhân dân kiến nghị UBND và cấp có thẩm quyền xem xét, giải trình, giải quyết các vấn đề cư tri quan tâm; những hạn chế bất cập về cơ chế chính sách.
Từ tháng 7/ 2021, HĐND không được tổ chức ở các phường; vậy cử tri kiến nghị theo kênh nào? Dự thảo Luật Thủ đô cần bổ sung thêm chức năng của HĐND quận: Thông qua một số vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương, VD thu các loai quỹ do nhân dân đóng góp;Tăng số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND cấp Quận đảm bảo mỗi địa phương (cấp phường) có 1 đại biểu sinh sống tại địa phương.
Dự thảo Luật Thủ đô cần bổ sung thêm chức năng của HĐND quận: Thông qua một số vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương, VD thu các loai quỹ do nhân dân đóng góp; tăng số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND cấp Quận đảm bảo mỗi địa phương (cấp phường) có 1 đại biểu sinh sống tại địa phương.
Hội nghị đã có 8 ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện lãnh đạo Hội LHPN quận, huyện. Các ý kiến đều sâu sắc, tâm huyết. Hội LHPN Thành phố sẽ chỉ đạo các cấp hội tổng hợp các ý kiến góp ý từ các hội viên đến người dân để gửi ban soạn thảo và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Qua đó, kỳ vọng sẽ có cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội phát triển trong tương lai.