Hội LHPN Hà Nội: Nhận Bằng khen của UBND Thành phố vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc
(PNTĐ) - Trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã chủ động, tích cực tham mưu Thành phố ban hành nhiều đề án, kế hoạch, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS); triển khai hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức mọi mặt cho phụ nữ DTTS. Ghi nhận thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024 trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 14 tập thể, trong đó có Hội LHPN Hà Nội.
Tích cực tham gia nâng cao nhận thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Thành ủy, UBND Thành phố, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến vấn đề bình đẳng giới và công tác dân tộc; chính sách hỗ trợ phụ nữ vùng DTTS... tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong đó chú ý địa bàn xa trung tâm, vùng DTTS và phụ nữ vùng DTTS, gắn việc triển khai thực hiện Dự án 8 với phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”, 02 Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, “Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch” và 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội theo Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp.
Các cấp Hội tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ DTTS tiếp tục thực hiện phong trào thi đua Xây dựng ngượi phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, trọng tâm vận động phụ nữ DTTS học tập nâng cao trình độ mọi mặt, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và hoạt động Hội phụ nữ góp phần xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện.
Hội LHPN Thành phố đã triển khai khảo sát kiến thức và nhu cầu tiếp cận pháp luật của phụ nữ DTTS trên địa bàn thành phố; tổ chức 215 lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật lưu động cho 22.300 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên, hội viên nòng cốt, cán bộ, hội viên phụ nữ các huyện, cơ sở có đồng bào DTTS; Nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, di cư tự do, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Phối hợp thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho phụ nữ DTTS.
Hội LHPN 5 huyện vùng đồng bào DTTS và miền núi (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ): đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về giới, bình đẳng giới gắn với tuyên truyền thực hiện chính sách dân tộc, phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp tuyên truyền, phổ biến kiến thức giới, kỷ năng lồng ghép giới vào chương trình, kế hoạch của địa phương, ngành cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở; Tổ chức 52 buổi tập huấn, hội thảo, chuyên đề, tọa đàm về bình đẳng giới, công tác phụ nữ, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, trách nhiệm người công dân, rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” và Cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp";
Góp phần xóa bỏ định kiến, tập tục văn hóa có hại
Thực hiện các nội dung/chỉ tiêu của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và 5 huyện tiến hành thành lập 14 tổ/nhóm truyền thông tại và 14 xã DTTS trên địa bàn Thành phố với tổng số 140 thành viên; các tổ truyền thông tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức giới, bình đẳng giới, kiến thức pháp luật, xóa bỏ các tập tục văn hóa lạc hậu, chăm sóc sức khỏe… cho đồng bào DTTS;
Hội LHPN Hà Nội tổ chức các cuộc thi trực tuyến, tuyên truyền trực tiếp kết hợp trực tuyến, livestream trên fanpage Hội LHPN thành phố Hà Nội; tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và các quy định về bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; quy định pháp luật về hôn nhân gia đình; nâng cao nhận thức về tảo hôn và hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống; kiến thức, kĩ năng phòng tránh xâm hại cho 6.720 cán bộ, hội viên phụ nữ, học sinh và nhân dân…
Hệ thống thông tin cơ sở chủ động thực hiện tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, thông tin nội bộ tại khu dân cư… thông tin các chính sách, chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng chống đối nước và hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới… Thông tin rộng rãi hiệu quả các mô hình phòng, ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em như mô hình “Làng quê an toàn”, “Tổ dân phố an toàn”; vận động người dân cùng chung tay xây dựng một cộng đồng an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn Thành phố… 5 huyện và 14 xã DTTS tích cực đăng tải các tin bài liên quan đến tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, nhiều hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới của Thành phố…
Để giúp phụ nữ DTTS thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức về kinh tế tập thể hợp tác xã, 04 lớp tập huấn cung cấp các kiến thức về nội dung nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ... giúp phụ nữ DTTS nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ trong việc phát triển kinh tế.
Các cấp Hội tiến hành rà soát, đánh giá nhu cầu các mô hình sinh kế để làm căn cứ xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ các mô hình sinh kế do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ nhằm tăng cơ hội tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo thu nhập cho phụ nữ DTTS, đồng thời hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS.
Hàng năm, Hội Phụ nữ cơ sở tiến hành rà soát số lượng phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ là chủ hộ, đề ra các biện pháp giúp đỡ cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ và điều kiện của Hội.