Hội LHPN Hà Nội: Truyền thông phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường tại huyện Thanh Oai

Hoàng Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 24/9, tại trường THCS Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hội LHPN Hà Nội tổ chức truyền thông "Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn, thân thiện" năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ, trẻ em, gia đình, cộng đồng về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, xây dựng trường học không bạo lực.

Tham dự chương trình có bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, ông Vũ Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai; bà Nguyễn Thúy Mai, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Oai; cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hường, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Cao Viên, cùng đại điện các các phòng ban ngành huyện, các thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh.

Hội LHPN Hà Nội: Truyền thông phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường tại huyện Thanh Oai - ảnh 1
Các đại biểu và học sinh tham dự chương trình sáng 24/9.
Hội LHPN Hà Nội: Truyền thông phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường tại huyện Thanh Oai - ảnh 2
Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội  và cô Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hường, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Cao Viên cùng các em học sinh tham quan gian trưng bày giới thiệu tranh vẽ tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường.

Phát biểu tại chương trình, bà Lê Thị Thiên Hương cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 32/KH-BTV ngày 07/02/2024 của Hội LHPN thành phố Hà Nội về “Triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2026” năm 2024, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội tổ chức Chương trình truyền thông “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường – Xây dựng trường học an toàn, thân thiện” nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, xây dựng trường học không bạo lực, xây dựng môi trường Thủ đô bình đẳng, an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em.

Hội LHPN Hà Nội: Truyền thông phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường tại huyện Thanh Oai - ảnh 3
Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội phát biểu tại chương trình truyền thông.

Trong những năm gần đây, tình hình bạo lực học đường đã trở thành một vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Đây là một vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ nổi cộm như hiện nay. Tình trạng bạo lực học đường đã và đang diễn ra ở tất cả các bậc học khác nhau, không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh....

Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, khoảng 220 nghìn vụ ly hôn hàng năm có đến 70-80% là có lý do liên quan đến xung đột, bạo lực gia đình. Số học sinh có bối cảnh bạo lực gia đình liên quan đến bạo lực học đường có tỷ lệ rất lớn (đây là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến bạo lực học đường mà quý phụ huynh học sinh cần quan tâm, lưu ý).

Hậu quả của bạo lực học đường đôi khi lại không chỉ dừng lại ở sự cãi vã, xô xát thông thường mà đã có những án mạng thương tâm, gây rúng động dư luận, khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng, bất an.

Hội LHPN Hà Nội: Truyền thông phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường tại huyện Thanh Oai - ảnh 4
Chương trình truyền thông “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường – xây dựng trường học an toàn, thân thiện” hôm nay là một điểm nhấn trong các hoạt động của Hội LHPN Hà Nội nhằm thực hiện Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2026”.

Để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn, thân thiện, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đề nghị các cấp Hội phụ nữ, các nhà trường, gia đình và các em học sinh quan tâm một số nội dung sau:

 Đối với các cấp Hội Phụ nữ: Triển khai thực hiện hiệu quả và tuyên truyền sâu rộng Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 3/6/2021 về thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 19/4/2021 thực hiện Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 25/4/2022 triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quyết định số 3101/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 phê duyệt Đề án Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026 nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân về việc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện trên địa bàn. 

Gắn hoạt động phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch”, trong đó chú trọng tiêu chí có ngôi nhà an toàn, gia đình không có bạo lực, gắn với việc thực hiện Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2026” và các đề án liên quan đến công tác tuyên truyền pháp luật, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ, hạnh phúc... 

Các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục tăng cường các hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường. Chủ động tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách về trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường; tích cực phối hợp, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; kiến nghị các cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý có tính chất răn đe các vụ việc nghiêm trọng...

Đối với các gia đình: Các bậc cha mẹ hãy quan tâm hơn nữa đến con cái, thường xuyên gần gũi chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các con, gương mẫu, là tấm gương tốt cho con em học tập; có thái độ phê phán và lên án những hành vi bạo lực...

Đối với nhà trường: Cần thường xuyên trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình các cháu để nắm tình hình về biểu hiện của các cháu như học hành sa sút, chán học, có hành vi bạo lực.... để kịp thời trao đổi với gia đình có biện pháp quản lý và giáo dục.

Cùng với dạy học các bộ môn khác, nhà trường cần chú trọng giáo dục cho các cháu biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ nhau, định hướng nhận thức đúng đắn để các cháu có những lời nói hay, hành động đẹp.

Nhà trường chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, ban ngành chức năng liên quan giải quyết kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và bạo lực học đường của học sinh khi có những vụ việc xảy ra.

Đối với các em học sinh: Có tinh thần học tập tốt, tôn trọng thầy cô giáo và những người lớn tuổi, nâng cao ý thức kỷ luật, trách nhiệm về việc chấp hành pháp luật, đoàn kết bạn bè, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong học tập, tích cực tham gia sinh hoạt tập thể, các phong trào và các hoạt động bổ ích của nhà trường và xã hội tạo sự gần gũi, tình cảm yêu thương của bạn bè và thầy cô giáo.

Hội LHPN Hà Nội: Truyền thông phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường tại huyện Thanh Oai - ảnh 5
Ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai phát biểu tại chương trình.

Phát biểu tại chương trình, ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thanh Oai cho biết: Bạo lực học đường là một vấn nạn xã hội, một vấn đề quan trọng và cấp bách đáng lưu tâm đã và đang tồn tại một số nhà trường. Để xây dựng một trường học an toàn, trước hết, chúng ta cần tạo ra một môi trường không chỉ bảo đảm sự an toàn vật chất mà còn đảm bảo an toàn tinh thần cho các em học sinh.

Điều này có thể được thực hiện thông qua việc cung cấp và duy trì hệ thống cơ sở vật chất tốt như các phòng học, phòng bộ môn, sân chơi bãi tập, các công trình phụ trợ, các yếu tố tác động trực tiếp như cây xanh, điện, nước, ánh sáng, các thiết bị an ninh, phòng cháy chữa cháy..., đặc biệt là môi trường học tập phi vật chất như nền nếp, phong trào học tập, phong trào thi đua, văn hóa ứng xử nơi công cộng, văn hóa học đường, trường học hạnh phúc…

Nhiều năm qua, ngành GD&ĐT đã phối hợp với Hội LHPN huyện tổ chức nhiều hoạt động như: sự kiện truyền thông "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", "xây dựng không gian an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái”, ngày hội "Đồng hành cùng con", ngày hội "Bình đẳng giới", tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em, phòng ngừa bạo lực học đường, kỹ năng sống,.... cho học sinh.

"Thay mặt lãnh đạo Phòng GD&ĐT và ngành GD&ĐT huyện Thanh Oai, tôi xin cam kết cán bộ giáo viên nhà trường và học sinh các nhà trường sẽ phối kết hợp cùng các bậc phụ huynh học sinh, các cấp chính quyền và các đoàn thể xã hội để thực hiện một cách hiệu quả các biện pháp nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực học đường", ông  Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai khẳng định.

Hội LHPN Hà Nội: Truyền thông phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường tại huyện Thanh Oai - ảnh 6
Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội tặng quà cho các em học sinh nhà trường.

Tại chương trình đã diễn ra các hoạt động tuyên truyền trực tiếp qua phần trao đổi của báo cáo viên, tuyên truyền qua hình thức sân khấu hóa bằng biểu diễn tiểu phẩm (tiểu phẩm được các em học sinh tại trường THCS Cao Viên tham gia tuyên truyền).

Hội LHPN Hà Nội: Truyền thông phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường tại huyện Thanh Oai - ảnh 7
Trung tá Ngụy Duy Phương, Trưởng công an xã Tân Ước báo cáo viên tại chương trình tuyên truyền về phòng ngừa ứng phó với bạo lực học đường.

Nhà trường cũng đã tuyên truyền bằng hình thức qua các góc truyền thông trưng bày giới thiệu các bức tranh vẽ về hoạt động phòng chống bạo lực học đường do chính các em học sinh thể hiện nhằm giúp cho các bậc phụ huynh, các em học sinh và cộng đồng hiểu hơn về vấn đề phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường. 

Hội LHPN Hà Nội: Truyền thông phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường tại huyện Thanh Oai - ảnh 8
Tiểu phẩm truyền thông tuyên truyền phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường do các em học sinh biểu diễn.
Hội LHPN Hà Nội: Truyền thông phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường tại huyện Thanh Oai - ảnh 9
Các em học sinh hào hứng tham gia chương trình do Hội LHPN Hà Nội tổ chức dịp này.
Hội LHPN Hà Nội: Truyền thông phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường tại huyện Thanh Oai - ảnh 10
Các đại biểu thăm gian trưng bày hoạt động trải nghiệm sáng tạo của các em học sinh. Trong những năm qua nhà trường đã tổ chức các hoạt động giáo dục STEM giúp phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tăng cường cung ứng hàng hóa, cam kết bình ổn giá phục vụ người dân

Tăng cường cung ứng hàng hóa, cam kết bình ổn giá phục vụ người dân

(PNTĐ) - Để đồng hành cùng người dân sau bão lũ và cung ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, hệ thống siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WiN đã chủ động nguồn hàng dự trữ và phương án cung ứng kịp thời, cam kết không tăng giá và triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại và giảm giá sâu.
Những người “truyền lửa” tại tọa đàm “Tiếp nối truyền thống-Vững bước tương lai”

Những người “truyền lửa” tại tọa đàm “Tiếp nối truyền thống-Vững bước tương lai”

(PNTĐ) - Sáng ngày 25/9, báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức chương trình tọa đàm, giao lưu gặp mặt nhân chứng lịch sử “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai”. Đây là hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), đồng thời là dịp để các thế hệ hôm nay bày tỏ lòng tri ân đối với sự hy sinh của thế hệ cha anh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Hơn 1.300 học sinh Trường THCS Bùi Quang Mại được tuyên truyền ATGT

Hơn 1.300 học sinh Trường THCS Bùi Quang Mại được tuyên truyền ATGT

(PNTĐ) - Thực hiện Tuần lễ an toàn giao thông tại Khu công nghiệp Thăng Long và trên địa bàn các xã giáp ranh năm 2024, ngày 24/9, Công an huyện Đông Anh phối hợp với Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long và Trường THCS Bùi Quang Mại tổ chức chương trình tuyên truyền ATGT cho hơn 1.300 học sinh và giáo viên nhà trường.