Huyện Đan Phượng hoàn thành xây dựng 15/15 xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023

Chia sẻ

Sáng 5/1, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại huyện Đan Phượng thời gian vừa qua.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn cho biết, năm 2021, Huyện ủy Đan Phượng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội và nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác.

Tổng giá trị sản xuất của huyện Đan Phượng đạt 15.232 tỷ đồng, đạt 97,6% kế hoạch và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tích cực. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện chiếm 46,76%; thương mại - dịch vụ chiếm 46,5%; nông nghiệp còn 6,83%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt 864,5 tỷ đồng, đạt 111,4% dự toán...

Về công tác xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu hoàn thành xây dựng 15/15 xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023, xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trước khi phát triển lên quận, ngay từ đầu năm 2021, huyện Đan Phượng đã chỉ đạo, rà soát toàn bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và tiêu chí các phường để xây dựng lộ trình, giải pháp thực hiện đối với từng xã, thị trấn. Trong đó, huyện chọn xã Đan Phượng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô và 4 xã (Song Phượng, Liên Hà, Tân Hội, Thọ Xuân) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 1 xã so với tiêu chí thành phố giao.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ tại huyện Đan PhượngPhó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ tại huyện Đan Phượng.

Kết quả, cả 5 xã trên đều có sự thay đổi rõ rệt về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; được đoàn thẩm định của thành phố chấm điểm, đủ điều kiện trình công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với 10 xã còn lại, chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đều được nâng cao, đến nay cơ bản đạt 3 tiêu chí về văn hóa, y tế, giáo dục và hộ nghèo.

Tại buổi làm việc, huyện Đan Phượng kiến nghị với thành phố 7 nội dung, liên quan đến quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nguồn thu cho ngân sách huyện... Đáng chú ý, huyện kiến nghị bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Phương Đình (quy mô 50ha), Cụm công nghiệp Hồng Hà (74ha); sớm triển khai đầu tư 2 bệnh viện chuyên khoa cấp thành phố (Bệnh viện Răng Hàm Mặt và Bệnh viện Tai Mũi Họng); nghiên cứu triển khai 3 trạm xử lý nước thải với công suất 5.000m3/ngày - đêm để xử lý nước thải cho cụm các xã phía Tây đường vành đai 4...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Đan Phượng phát triển lên quận vào năm 2025, huyện cần xác định mục tiêu, lộ trình để đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023, đồng thời tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của người dân. Huyện cũng cần rà soát lại toàn bộ các tiêu chí, tiếp tục củng cố 6 tiêu chí chưa đạt, nhất là công tác quy hoạch, từ đó giải quyết tất cả bài toán về đầu tư, thu hút nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại huyện Đan Phượng thời gian vừa qua. Nổi bật, cùng với việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã không còn hộ nghèo. Huyện cũng đã thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 74 sản phẩm.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị huyện Đan Phượng tập trung đầu tư phát triển các chuỗi sản xuất chất lượng cao để có thêm các sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa Đan Phượng sớm về đích xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo đúng mục tiêu, kỳ vọng của thành phố. Trong quá trình thực hiện, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân sinh như: Y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường, đầu tư hoàn thiện các trường học đạt chuẩn, xây dựng đô thị văn minh.

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.