Huyện Mê Linh đi trước, đón đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sáng 15/5, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với huyện Mê Linh tổ chức “Phát động chương trình khám, quản lý sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện Mê Linh năm 2023”. Trong đợt này, huyện Mê Linh tổ chức khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hơn 180.000 người dân (chiếm khoảng 75% dân số toàn huyện).

Dự lễ phát động có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Lan Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; cùng lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố…

Huyện Mê Linh đi trước, đón đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân - ảnh 1
Nhân viên y tế thực hiện đo huyết áp cho người dân. Ảnh: Phạm Hùng.

Theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, chương trình khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân huyện Mê Linh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và thiết thực trong công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân. Hoạt động này được triển khai từ ngày 24-4 đến hết tháng 5-2023, với sự tham gia của hơn 400 y, bác sĩ đến từ 15 bệnh viện trung ương và thành phố Hà Nội. Ngoài ra, huyện Mê Linh còn huy động gần 1.000 đoàn viên, thanh niên, hội viên các đoàn thể, giáo viên, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ.

Huyện Mê Linh đi trước, đón đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân - ảnh 2
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm phát biểu tại chương trình. Ảnh: Phạm Hùng.

Chia sẻ về ý nghĩa của lễ phát động cũng như triển khai khám và quản lý sức khỏe toàn dân, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho hay: Trong đợt này, huyện Mê Linh tổ chức khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hơn 180 nghìn người dân (chiếm khoảng 75% dân số toàn huyện). Trong đó, có 5 đối tượng được khám và tư vấn, quản lý sức khỏe, gồm: Trẻ em dưới 5 tuổi; học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; người cao tuổi, hưu trí; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước và người dân lao động tự do.

Danh mục khám sức khỏe chính mà người dân được hưởng hưởng gồm: Đo huyết áp, nhịp thở, thị lực; khám nội tổng quát (tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần); khám cận lâm sàng đối với các trường hợp cần thiết có chỉ định; siêu âm ổ bụng tổng quát theo chỉ định của bác sĩ... Đặc biệt, từ kết quả khám sàng lọc, nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh nan y, huyện sẽ chỉ đạo cơ sở y tế quan tâm kiểm tra, tư vấn cho người bệnh; Trường hợp cần chuyển tuyến thì giúp đỡ bệnh nhân liên hệ với các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên để điều trị kịp thời.

Huyện Mê Linh đi trước, đón đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân - ảnh 3
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tặng quà cho người dân. Ảnh: Phạm Hùng.

Nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý sức khỏe Nhân dân, ngay sau khi khám xong, người dân được hướng dẫn cài app (ứng dụng) trên điện thoại thông minh để có thể tra cứu ngay kết quả và theo dõi thông tin sức khỏe của bản thân. Hồ sơ sức khỏe này sẽ được sử dụng cho những lần khám bệnh sau và theo người dân trọn đời. Huyện Mê Linh sẽ tiến hành đồng bộ hóa những dữ liệu này vào hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua đó làm cơ sở để kiểm soát, sàng lọc, tư vấn, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn được tốt hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Khám, quản lý sức khỏe toàn dân là hoạt động thiết thực theo tinh thần thích ứng với tình hình mới. Có thể nói, huyện Mê Linh đã đi trước, đón đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân. Sau lần khám này, đề nghị huyện Mê Linh tiếp tục nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là các đối tượng người già, trẻ em, các đối tượng yếu thế, tiến tới 100% người dân trên địa bàn được khám sức khỏe ít nhất 1 lần/năm.

Huyện Mê Linh đi trước, đón đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân - ảnh 4
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động. Ảnh: Phạm Hùng.

Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho hay: “Đây là hoạt động hết sức thiết thực, ý nghĩa trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn huyện; kịp thời phát hiện, tư vấn, phân luồng điều trị các trường hợp mắc bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho nhân dân; giảm tải công tác khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến trên”.

Trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND và các cấp, ngành của thành phố đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững, tiến bộ, công bằng xã hội, thể hiện truyền thống nhân ái, cao đẹp của dân tộc ta. 

Huyện Mê Linh đi trước, đón đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân - ảnh 5
Đông đảo người dân tới tham gia khám sức khỏe tổng quát. Ảnh: Phạm Hùng.

Để chương trình khám, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện Mê Linh đạt hiệu quả cao, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, huyện Mê Linh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch công tác khám, quản lý, chăm sóc sức khỏe Nhân dân bảo đảm thiết thực, ý nghĩa; thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Quá trình thực hiện, huyện đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình 08 Thành ủy, Sở Y tế kết quả thực hiện. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ xem xét nhân rộng mô hình này tới các địa phương khác của Hà Nội.

Sau 20 ngày triển khai chương trình, huyện Mê Linh đã tổ chức khám, thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho 41.352 người tại các xã, thị trấn. Riêng trong ngày 15-5, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Mê Linh, các y, bác sĩ khám cho khoảng 500 người. Dự kiến đến ngày 31-5, huyện sẽ hoàn thành khám sức khỏe và thiết lập hồ sơ sức khỏe cho hơn 180.000 người dân trong đợt này. Đặc biệt, toàn bộ nguồn kinh phí hơn 20 tỷ đồng được huyện kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục

 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(PNTĐ) -Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

(PNTĐ) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, thực hiện cuộc Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 diễn ra từ ngày 1/4 đến 30/4, Thành phố có 2.441 địa bàn điều tra, với 58.440 hộ điều tra phiếu ngắn, 14.790 hộ điều tra phiếu dài tại 557 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.