Khai mạc Hội Gióng đền Phù Đổng và kỷ niệm 15 năm UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

VÂN NGA - NGUYỄN SƠN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tối 4/5, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng - xã Phù Đổng, UBND huyện Gia Lâm long trọng tổ chức Lễ khai mạc Hội Gióng đền Phù Đổng năm 2025 và kỷ niệm 15 năm UNESCO ghi danh Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2010-2025).

Đây là một trong các hoạt động của huyện Gia Lâm nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), hướng tới kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025); 77 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 -11/6/2025); 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2025). 

Khai mạc Hội Gióng đền Phù Đổng và kỷ niệm 15 năm UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại  - ảnh 1
Các đại biểu dự chương trình (ảnh Nguyễn Sơn)

Dự buổi lễ có Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch Nông Quốc Thành; ông Jonathan Baker - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cùng đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Gia Lâm, xã Phù Đổng.

Khai mạc Hội Gióng đền Phù Đổng và kỷ niệm 15 năm UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại  - ảnh 2
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học phát biểu (ảnh Nguyễn Sơn)

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết: Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt là thời Hùng Vương thứ 6, có một cậu bé được sinh ra ở làng Gióng - xã Phù Đổng, để giúp dân chống giặc ngoại xâm, cậu bé đã trở thành tráng sĩ oai phong, nhổ tre đánh giặc ngoại xâm bảo vệ non sông. Đánh tan quân giặc, Gióng lên núi Sóc Sơn quay đầu về lạy mẹ rồi cả người và ngựa từ từ bay lên trời. Để ghi nhớ công ơn, triều đình đã phong Ngài là “Phù Đổng Thiên Vương”, mẹ Gióng là “Thánh Mẫu bảo vương”, cho lập đền thờ tại quê nhà.

Hội Gióng tại Phù Đổng được tổ chức nhằm tưởng nhớ công đức Phù Đổng Thiên vương Thánh Gióng, là một diễn trường lịch sử - văn hoá, diễn lại sự tích Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân, được các nhà nghiên cứu đánh giá là: “Một trong những lễ hội kỳ thú nhất và cổ nhất, được người dân biết đến nhiều nhất, có tính đại chúng nhất”. Hội Gióng diễn ra từ xa xưa nhưng bắt đầu từ thế kỷ XI, đời vua Lý Thái Tổ được áp dụng những quy tắc chặt chẽ cho đến ngày nay.

Nét độc đáo của lễ hội Gióng chính bởi tính cộng đồng và do cộng đồng lưu giữ, thực hành, lưu giữ, bảo vệ. Nghi thức chính của Hội Gióng được tập trung tổ chức tại các địa điểm thuộc Khu di tích Đền Phù Đổng - đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013.

Khai mạc Hội Gióng đền Phù Đổng và kỷ niệm 15 năm UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại  - ảnh 3
Khai mạc Hội Gióng đền Phù Đổng và kỷ niệm 15 năm UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại  - ảnh 4
Các tiết mục biểu diễn tại chương trình (ảnh Nguyễn Sơn)

Sau 15 năm được UNESCO được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, “Nghi thức Hội Gióng ở Đền Phù Đổng” được duy trì tổ chức quy mô hội lệ hằng năm và quy mô hội chính 5 năm/kỳ.

Được sự quan tâm của trung ương, thành phố, sự ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, huyện Gia Lâm đã đầu tư tu bổ, tôn tạo không gian văn hóa của di sản Hội Gióng, các địa điểm thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Phù Đổng được tôn tạo khang trang với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng.

Huyện Gia Lâm cũng đã ghi hình nhằm tư liệu hóa diễn trình Hội Gióng; cập nhật thông tin giới thiệu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng, Hội Gióng trên App Gia Lâm bằng tiếng Việt và tiếng Anh; bảng giới thiệu về các địa điểm di tích quốc gia đặc biệt và lễ hội có gắn mã QR Code để tại những nơi dễ nhận diện cho người dân và khách du lịch; phát hành 1.500 cuốn “Gia Lâm - Di vật, hiện vật tiêu biểu trong di tích lịch sử, văn hóa”, 5.000 cuốn “Đền Phù Đổng, di sản- di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đặc biệt”, “Hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”…

Thực hiện chỉ đạo của trung ương, thành phố, huyện Gia Lâm, xã Phù Đổng đang trong giai đoạn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Theo Nghị quyết đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, toàn bộ các xã khu vực bắc Đuống và thị trấn Yên Viên của huyện sẽ sáp nhập hình thành đơn vị hành chính mới với tên gọi là xã Phù Đổng- một trong những tên gọi đã đi vào lịch sử của vùng đất cổ Gia Lâm, gắn liền với tên vị Thánh bất tử “Phù Đổng Thiên Vương” và di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng. 

Xã Phù Đổng mới với tiềm năng thế mạnh nguồn tài nguyên di sản văn hóa, làng nghề cây cảnh, hoa giấy, sẽ tạo ra không gian phát triển mới, sẵn sàng với tâm thế bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trở thành một điểm du lịch văn hóa thu hút đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Khai mạc Hội Gióng đền Phù Đổng và kỷ niệm 15 năm UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại  - ảnh 5
Các tiết mục biểu diễn tại chương trình (ảnh Nguyễn Sơn)

Ông Jonathan Baker, đại diện UNESCO tại Việt Nam chúc mừng và đánh giá cao Chính phủ Việt Nam, chính quyền địa phương đã luôn luôn cam kết bảo vệ và phát huy truyền thống trong tổ chức lễ hội Gióng.

Đây là lễ tôn vinh di sản phi vật thể vô cùng sống động, nhằm truyền tải kiến thức, bản sắc văn hoá và khơi dậy niềm tự hào sâu sắc. Đồng thời mong muốn địa phương tiếp tục bảo vệ, phát huy di sản, nỗ lực trao truyền và lan toả vẻ đẹp, ý nghĩa của di sản với cộng đồng quốc tế.

Khai mạc Hội Gióng đền Phù Đổng và kỷ niệm 15 năm UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại  - ảnh 6
Khai mạc Hội Gióng đền Phù Đổng và kỷ niệm 15 năm UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại  - ảnh 7
Các tập thể, cá nhân được khen thưởng (ảnh Nguyễn Sơn)

Dịp này, UBND huyện Gia Lâm đã khen thưởng 5 tập thể, 16 cá nhân của xã Phù Đổng do đã có đóng góp trong 15 năm bảo tồn và phát huy giá trị Hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV

(PNTĐ) - 9h sáng nay, ngày 5/5, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV chính thức khai mạc trọng thể. Kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững.
Sáng nay (5/5) khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Sáng nay (5/5) khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

(PNTĐ) - Sáng nay (5/5), Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Kỳ họp này có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.