Khởi công Dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 7/10, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và UBND TP Hà Nội tổ chức khởi công Dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội. Dự buổi lễ có Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn.

Khởi công Dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội - ảnh 1
Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường thông tin về Dự án. (ảnh T.Luyện)

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường thông tin, quy mô Dự án gồm 3 hợp phần. Cụ thể, hợp phần 1 là cải tạo tiếp cận nhà ga. Trong đó bao gồm bán kính 100-500m của các nhà ga dọc theo tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Nhổn- Ga Hà Nội); xây dựng các điểm trung chuyển tại Ga số 8 (Cầu Giấy) và Ga số 9 (Ngọc Khánh). Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận các nhà ga của tuyến Đường sắt đô thị số 3 như: cải tạo vỉa hè, lòng đường, cây xanh, chiếu sáng, tổ chức giao thông, các bãi đỗ phương tiện giao thông cá nhân cho hành khách sử dụng đường sắt đô thị. Ngoài ra, ở hợp phần này còn bao gồm các công trình dịch vụ và tiện ích phục vụ nhu cầu của hành khách sử dụng đường sắt đô thị và các công trình phụ trợ khác.

Xây dựng mở rộng đường Cầu Giấy cho người đi bộ; di chuyển, bảo vệ các công trình tiện ích (điện, nước, thông tin, chiếu sáng, camera...) phục vụ mở rộng Cầu Giấy. Cải tạo, chỉnh trang, thảm lại mặt đường bằng bê tông nhựa, sơn kẻ, tổ chức giao thông khu vực các Nhà ga số 8,9,10,11,12; cào bóc, xử lý móng, mặt đường tại các vị trí hư hỏng; sơn kẻ, tổ chức giao thông đoạn từ Ga 6 đến Ga 8 (đoạn Xuân Thủy - Cầu Giấy).

Cải tạo đồng bộ hè, đường, tổ chức giao thông đoạn từ Nhổn - Xuân Thủy (từ Ga số 1 đến Ga số 6), với quy mô chủ yếu là cào bóc mặt đường, xử lý các vị trí hư hỏng, thảm lại toàn bộ mặt đường; sơn kẻ, tổ chức giao thông; lát và hoàn thiện vỉa hè, bó vỉa, đan rãnh...

Hợp phần 2 của Dự án sẽ chú trọng đến các giải pháp giao thông công cộng. Trong đó, thí điểm sử dụng loại xe buýt có lượng phát thải thấp và công nghệ mới (xe điện); Sử dụng Hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên xe buýt và Hệ thống thông tin kiểm soát vận hành; Cải thiện trạm dừng xe buýt giữa các Ga Metro.

Đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ bảo dưỡng, hạ tầng dịch vụ, hệ thống trạm sạc (Depot) tại khu vực Trạm trung chuyển đa phương thức, điểm đỗ xe công cộng và điểm đầu cuối xe buýt tại phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm).

Hợp phần 3 sẽ chú trọng nghiên cứu các chính sách và quy định khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, hạn chế phát thải.

Địa điểm Dự án sẽ thuộc 6 quận là: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2025 với tổng mức đầu tư 54,75 triệu USD. Trong đó, vốn vay từ Quỹ Công nghệ sạch CTF, ngân hàng ADB: 48,95 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 5,8 triệu USD.

Khởi công Dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội - ảnh 2
 Phó chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi lễ
(ảnh T.Luyện)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, Dự án nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Đây cũng là một trong những định hướng lớn, trọng tâm được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố; trong đó, việc phát triển phương thức giao thông vận tải khối lượng lớn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông khung của Thành phố theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố.

Dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội là Dự án thuộc Chương trình số 03 của Thành ủy, được đầu tư bằng nguồn vốn thành phố và nguồn vốn ODA của Quỹ CTF (quỹ Môi trường) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý, nhằm mục tiêu tăng cường hiệu quả cho Tuyến đường sắt đô thị số 3 khi đưa vào khai thác sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận các ga. Đồng thời, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức, thân thiện môi trường, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; khuyến khích hành khách chuyển từ sử dụng các phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, hướng tới tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại. 

Khởi công Dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội - ảnh 3
Các đồng chí lãnh đạo Thành phố khởi công Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho Dự án Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội. (ảnh T.Luyện)

Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai thực hiện quản lý dự án đúng các quy định của Nhà nước và Nhà tài trợ; tuân thủ các quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật, thi công công trình theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; kịp thời giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong thi công dự án; đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của việc thi công đến đời sống của người dân trong khu vực, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng đảm bảo phát huy hiệu quả Dự án.

Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để cân đối, ưu tiên bố trí vốn kịp thời cho Dự án theo tiến độ thực hiện.

Công an TP Hà Nội phối hợp với Sở Giao thông vận tải và UBND các Quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm thực hiện tốt việc hướng dẫn Ban Quản lý dự án tổ chức giao thông để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện trong quá trình thi công công trình, đảm bảo không ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực dự án. UBND các quận có liên quan đến giải phóng mặt bằng của dự án, khẩn trương thực hiện và bàn giao ngay mặt bằng dự án, để dự án có thể triển khai thi công ngay.

Các nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đảm bảo thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư; tổ chức thi công, giám sát xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, phấn đấu vượt tiến độ và tuyệt đối an toàn trong lao động.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

(PNTĐ) - Tối 28/3, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Dương Xá, huyện Gia Lâm long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm năm 2024, chào mừng kỷ niệm 980 năm Ngày sinh Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (07/3/1044 - 07/3/2024)
 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(PNTĐ) -Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.