Quốc hội thảo luận tình hình phát triển kinh tế-xã hội

Không nên say sưa với thành công mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ thách thức

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phát biểu tại phiên thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, chúng ta không nên say sưa với thành công mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ thách thức đang đặt ra phía trước để có giải pháp kịp thời.

Không nên say sưa với thành công mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ thách thức - ảnh 1
ĐB Hoàng Văn Cường

Theo ĐB, dự báo năm 2023, kinh tế thế giới phải đối mặt với nguy cơ đầy thách thức vào vòng xoáy lạm phát và suy thoái. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra sẽ trầm trọng hơn vì nó sẽ chịu tác động, ảnh hưởng đồng thời của thảm họa chiến tranh và dịch bệnh.

Trước đây, khủng hoảng kinh tế thế giới thường bắt đầu từ khủng hoảng tài chính ở một trung tâm sau đó lan ra thế giới và chuyển thành khủng hoảng kinh tế, thì nguy cơ lần này lại bắt nguồn từ chính đứt gãy các chuỗi sản xuất làm khủng hoảng từ kinh tế đồng thời với khủng hoảng tài chính và diễn ra đồng loạt ở nhiều trung tâm lớn trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, vậy làm thế nào để chúng ta vượt qua được vòng xoáy khủng hoảng của thế giới là một bài toán vô cùng khó, cần phải tìm ra lời giải.

Trước bối cảnh đó, ĐB cho rằng, chúng ta không nên say sưa với thành công mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ thách thức đang đặt ra phía trước, do vậy tôi đồng tình với Chính phủ khi đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức khoảng 6,5% trên nền tăng trưởng 8% của năm 2022, là mục tiêu khá cao nhưng vừa đủ để phấn đấu. ĐB đồng tình với 12 giải pháp của Chính phủ đề ra và sau đây tôi xin đề xuất thêm một số giải pháp.

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất, chúng ta lại có sẵn thị trường nội địa sẽ cán mốc 100 triệu dân vào năm 2023, đây là bệ đỡ vô cùng quan trọng cho các doanh nghiệp, ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới thu hẹp. Do vậy, ngay từ bây giờ cần phải tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng. Nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra, thị trường sẽ bị suy giảm, thu hẹp nhưng không bị đóng cửa tuyệt đối như là thị trường tư liệu sản xuất. Do vậy, phải khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Không nên say sưa với thành công mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ thách thức - ảnh 2
Các đại biểu trong phiên thảo luận

Thứ hai, sau 2 năm đại dịch, nợ của các doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn. Rất may, nợ công của Việt Nam lại vẫn duy trì ở mức khá thấp, khoảng 43% - 44%, với trần nợ công là 60%. Sang năm 2023, thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa kết thúc, các doanh nghiệp vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong 2 năm qua. Cộng vào đó là thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả. Trong bối cảnh kinh tế nếu rơi vào khủng hoảng thị trường thu hẹp, nghĩa vụ tài chính nặng nề như trên sẽ đẩy nhanh doanh nghiệp đi đến bên bờ vực phá sản. Do vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Chính sách tài khóa ngược để hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp lựa chọn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Đồng tình với mục tiêu thu ngân sách năm 2023 không nên đặt quá cao so với thực hiện của năm 2022 để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa, song, ĐB băn khoăn với chỉ tiêu kế hoạch bội chi cân đối ngân sách năm 2023 chúng ta chỉ đặt ra ở mức 2,89%, thấp hơn ở mức 3,75% của năm 2022. Đây là điều khó khả thi và cũng là yếu tố làm hạn hẹp chính sách tài khóa. Kiểm soát bội chi thấp là mục tiêu dài hạn, nhưng trong bối cảnh cần sử dụng chính sách tài khóa ngược thì việc chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển là giải pháp cần phải tính đến.

Thứ ba, chúng ta đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn để tăng đầu tư công năm 2023 hơn 38% so với năm 2022. Trong bối cảnh giải ngân đầu tư công khó và khủng hoảng kinh tế thì đầu tư thường phải hướng vào khu vực sản xuất cuối cùng. Do vậy, ĐB đề nghị cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang và hạn chế khởi công mới. Dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là công nghiệp đường sắt, hậu cần vận tải biển, công nghiệp thông tin phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia.

Cuối cùng, ĐB đề nghị cần phải nhấn mạnh và nhất quán quan điểm là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế để giúp cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư yên tâm đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.