Không thể chậm trễ hơn, triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng trong tuần này

Chia sẻ

Sáng nay (ngày 14/7), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh Xã hội và các ban ngành chủ trì hội nghịHội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội. (Ảnh: Mạnh Dũng)

Người lao động chịu tác động nặng nề của dịch bệnh

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết: Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng Tư đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động (LĐ) trong quý II/2021, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… So với quý I/2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu LĐ rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm LĐ ở độ tuổi từ 25-54 với 75% LĐ bị ảnh hưởng. 

LĐ khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều so với hơn khu vực nông thôn. Đợt dịch này đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung khoảng 4 triệu người LĐ, có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa, thể thao bị ảnh hưởng nặng nề, mất đi đà phục hồi của năm 2020 và sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn.

Đợt dịch Covid -19 lần này đã tác động đến các nhà máy, xí nghiệp lớnĐợt dịch Covid -19 lần này đã tác động đến các nhà máy, xí nghiệp lớn (Ảnh: N.D)

Trước thực trạng trên, để kịp thời hỗ trợ người LĐ và người sử dụng LĐ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người LĐ và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được ban hành với số tiền hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã quán triệt sâu rộng nội dung các chính sách này đến người dân, phân cấp và khuyến khích các địa phương linh hoạt và sáng tạo khi triển khai.

Làm rõ thêm vấn đề này, lãnh đạo ngành Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố lớn cho biết đã và đang triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: TP đã triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội lần thứ nhất năm 2021 với kinh phí 886 tỷ đồng cho 6 nhóm đối tượng, trong đó, hơn 226.000 LĐ tự do được hỗ trợ với số tiền 1,5 triệu đồng/người (tương ứng với 30 ngày giãn cách xã hội). Dự kiến, ngàymai (15/7), TP Hồ Chí Minh hoàn thành chi kinh phí hỗ trợ cho LĐ tự do; các nhóm đối tượng khác phấn đấu hoàn thành trong tháng 7.  Ngoài ra, một số nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trong khoảng thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được khoanh vùng để đề xuất hỗ trợ theo nội dung Nghị quyết số 68/NQ-CP. Ngoài ra, các tỉnh thành phố khác ở phía Nam như Vũng Tàu, Đồng Nai… bắt đầu chi trả hỗ trợ từ ngày 15/7.

Tại TP Đà Nẵng đã bố trí kinh phí 92 tỷ đồng để hỗ trợ khoảng 90.000 người bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19; trong đó, có các đối tượng LĐ tự do được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người như nhân viên, bảo mẫu nhóm trẻ; thuyền viên phục vụ tàu du lịch, người làm công việc cắt tóc, dọn vệ sinh, giúp việc gia đình, bán vé số…

Tại Hà Nội, theo bà Bạch Liên Hương - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội: , Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện trình thành phố xem xét, ban hành; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị của người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ…

 Không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn

Giải đáp những vấn đề được lãnh đạo các Sở Lao động Thương binh Xã hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: quy trình, thủ tục hành chính hỗ trợ người LĐ và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã được quy định rõ ràng tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Bộ không ban hành thêm bất cứ hướng dẫn nào. Các địa phương cần nghiên cứu rõ các nội dung để triển khai và khuyến khích các địa phương cắt giảm thêm thủ tục để người LĐ dễ dàng tiếp cận. 

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương cần triển khai gói hỗ trợ trong tuần nàyBộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh- Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương cần triển khai gói hỗ trợ trong tuần này (Ảnh: Mạnh Dũng)

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người LĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người LĐ. Bên cạnh đó, rà soát, nắm chắc tình hình LĐ, việc làm, nhu cầu sử dụng LĐ của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng LĐ, khắc phục tình trạng thiếu hụt LĐ tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm đời sống người LĐ; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người LĐ…  Khuyến khích thanh niên và LĐ trẻ, đặc biệt là những người hiện không có việc làm, không tham gia học tập, tích cực học tập nâng cao trình độ, chuẩn bị các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động.

“Tôi đề nghị các địa phương phải khẩn trương triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định số 23 của Chính phủ trong tuần này, không thể chậm trễ hơn nữa. Các địa phương rà soát kiểm tra tình hình, đơn vị nào chậm trễ là có lỗi với dân, để xảy ra trục lợi là có tội với dân. Chúng ta không chỉ làm bằng trách nhiệm mà cần cả bằng tấm lòng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành để tham mưu, đề xuất và có giải pháp quan tâm đảm bảo sức khỏe người LĐ, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung; đề xuất ưu tiên tiêm vắc-xin cho các LĐ tuyến đầu, LĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất…

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Tối 5/5, cầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra tại 5 điểm cầu

Tối 5/5, cầu truyền hình đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra tại 5 điểm cầu

(PNTĐ) - Tối ngày 5/5, tại TP Điện Biên Phủ, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng", kết nối trực tiếp với 4 điểm cầu Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TPHCM. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc dự sự kiện tại điểm cầu TPHCM. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Thủ đô Hà Nội) là 1 trong 5 điểm cầu truyền hình trực tiếp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (10/10/1954 - 10/10/2024).
Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở

Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở

(PNTĐ) - Chiều 4/5, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Tham gia tiếp xúc cử tri còn có các đại biểu Quốc hội: Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.