Kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 26/10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận về dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu quan tâm đến nội dung về việc nâng cao khả năng giữ, tích trữ, dẫn nước, chuyển nước, khai thác, sử dụng bền vững và nâng cao giá trị của tài nguyên nước, vấn đề phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt...

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông - ảnh 1
Quang cảnh kỳ họp

Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Quốc hội nghe Tờ trình và thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông - ảnh 2
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ cặn kẽ để trình Quôc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã rà soát 48 luật liên quan trong đó có vấn đề liên quan đến Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản…và sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm về quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản không đặt trong quy hoạch tổng thể tài nguyên nước, ông Lê Quang Huy lý giải: Quy hoạch tài nguyên nước có 3 loại quy hoạch đã quy định rõ trong Luật là quy hoạch tài nguyên nước nói chung; tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh và bảo vệ, khai thác, sử dụng các nguồn nước liên quốc gia. Trong đó, quy hoạch của tổng thể điều tra gắn rất chặt đối với các điều về điều tra cơ bản, còn các quy hoạch liên quan đến tài nguyên nước gắn với mục đích điều hòa, phân phối. 

Về liên quan đến kịch bản nguồn nước, nguồn nước của chúng ta có đặc trưng biến đổi theo không gian, thời gian các mùa trong một năm là khác nhau, các vùng khác nhau và phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước ở nước ngoài đến khoảng 60% - 70%. Chính vì thế, trong thời gian vừa qua, trong đó có biến đổi khí hậu thì việc điều hòa, phân phối sử dụng các nguồn nước này để tối ưu hóa được nguồn lực là hết sức quan trọng. Do đó, việc dựa vào chiến lược quy hoạch nói chung thì việc có kịch bản về nguồn nước là hết sức quan trọng.

Về vấn đề cấp giấy phép, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thời đề nghị Quốc hội cho phép có những vấn đề có thể đưa vào trong các thông tư, nghị định.

Về dòng chảy tối thiểu, ông Lê Quang Huy cho biết đây không phải là quy định mới là đã có trong Luật từ năm 2012; Quốc hội khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 62 về về quản lý nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các công trình thủy điện cũng đã có quy định về vấn đề này. Dự thảo Luật lần này tiếp thu theo hướng bám sát được các tình hình thực tiễn, từng vị trí cụ thể, có sự kết hợp của giữa các bộ, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương với địa phương để có ứng xử linh hoạt và phù hợp.

Nâng cao khả năng giữ và tích trữ nước trong thời gian tới

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến nội dung về việc nâng cao khả năng giữ, tích trữ, dẫn nước, chuyển nước, khai thác, sử dụng bền vững và nâng cao giá trị của tài nguyên nước…

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông - ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Việt Nam là quốc gia mưa nhiều, sông suối dày đặc, địa hình nghiêng, sông lớn chủ yếu từ bên ngoài đổ về… Do vậy, việc giữ, tích trữ, sử dụng bền vững tài nguyên nước là rất quan trọng.

Từ tinh thần đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát các quy định để đảm bảo nội dung này được đưa vào quy định về các Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước; đảm bảo ưu tiên đầu tư tìm kiến, thăm dò, nâng cao khả năng giữ và tích trữ nước trong thời gian tới.

Phục hồi các dòng sông đang ô nhiễm, cạn kiệt

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông - ảnh 4
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, hiện nay nhiều dòng sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất, tạo cảnh quan sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho người dân đang bị ô nhiễm, nguy cơ bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng và trở thành các dòng sông chết. Do vậy, vấn đề phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm, cạn kiệt là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này...

Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm hướng tới việc bảo vệ các nguồn nước, đặc biệt là chú trọng việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt.

Đại biểu bày tỏ thống nhất với tên gọi tại Chương III dự thảo Luật, trong đó cũng bổ sung các quy định về chức năng nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa; đặc biệt cũng có sửa đổi, bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước.

Tuy nhiên, việc phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân.

Trước tiên phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông; nghiêm cấm các hoạt động xả rác thải và các chất thải xuống dòng sông.

Đồng thời, quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo, đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình như cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn để tiếp nước, khơi thông dòng chảy, tạo cho các dòng sông có các dòng chảy thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ứ đọng để trả lại cho các con sông khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm.

Trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông - ảnh 5
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu

Quan tâm đến vấn đề nước sinh hoạt, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, công tình cấp nước sinh hoạt phải có phương án bảo vệ bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia. Đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung cụ thể của của dự thảo Luật về phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh bày tỏ nhất trí cao với quy định về bổ sung trách nhiệm theo dõi bảo vệ của Bộ Công an đối với các công trình cấp nước có quy mô lớn, nguồn nước khai thác là các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia.

Để làm rõ trách nhiệm và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị làm rõ  giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp hay giao hẳn nhiệm vụ này cho Bộ Công an phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này. 

Đại biểu Lý Tiết Hạnh nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan sẽ được giao trách nhiệm bảo vệ, xây dựng tổ chức thực hiện phương án bảo vệ rõ hơn trong quy định của Điều 26 dự thảo Luật. 

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 45 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt phải thông báo, cảnh báo về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; phải kiểm soát, theo dõi, giám sát và thực hiện quan trắc, giám sát tự động liên tục, định kỳ chất lượng nguồn nước;…

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông - ảnh 6
Các đại biểu tham gia kỳ họp

Dự thảo Luật quy định chặt và cũng rất rộng, đại biểu cho biết, hiện nay các nội dung này thực hiện theo quy định của Thông tư 17 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, qua giám sát cuả Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa qua ho thấy có nhiều khó khăn hạn chế trong tổ chức thực hiện, cần rà soát quy định trách nhiệm chặt chẽ hơn nữa trong các điều luật liên quan, đồng thời, cần giao cho Chính phủ các quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ, biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác.

 

Tin cùng chuyên mục

Chọn những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm để kịp thời tháo gỡ

Chọn những vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm để kịp thời tháo gỡ

(PNTĐ) - Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khoá XVI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng đề nghị HĐND Thành phố chọn các lĩnh vực được Thành uỷ tập trung chỉ đạo, những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri, dư luận quan tâm để làm nội dung giám sát, chất vấn, giải trình nhằm cùng UBND Thành phố kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.
Doanh nghiệp hàng đầu Bộ Xây dựng sử dụng tiêu chuẩn cách đây gần 40 năm, đã hết hiệu lực

Doanh nghiệp hàng đầu Bộ Xây dựng sử dụng tiêu chuẩn cách đây gần 40 năm

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) – doanh nghiệp hàng đầu trực thuộc Bộ Xây dựng sử dụng tiêu chuẩn cách đây gần 40 năm, đã hết hiệu lực tại khu Thanh Lâm – Đại Thịnh 2, HUD Sơn Tây, Đông Tăng Long, TP HCM, Đồng Văn, tỉnh Hà Nam… trong bối cảnh dư luận dậy sóng vì các vấn đề xây dựng gây mất an toàn phòng cháy làm chết hàng chục người thời gian gần đây.
Hà Nội năm thứ 2 liên tiếp nhận danh hiệu Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày

Hà Nội năm thứ 2 liên tiếp nhận danh hiệu Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày

(PNTĐ) - Chiều 4/12, Sở Du lịch Hà Nội thông tin, ngày 1/12/2023 tại thành phố Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất), Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) đã vinh danh Hà Nội là Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023.