Kỳ cuối: Gỡ khó cho nhà ở công nhân
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, những người lao động (LĐ) rời các thành phố về quê gây thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sản xuất đã khiến vấn đề an cư cho công nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Vì thế, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, Chính phủ đã dành 2 gói hỗ trợ ưu đãi cho công nhân thuê/mua nhà ở xã hội và doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở công nhân.
Hỗ trợ tài chính cho nguồn cầu và cơ chế phát triển nguồn cung
Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Một trong những khó khăn phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trong thời gian qua là thiếu nguồn vốn. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội được phân bổ 2.163 tỷ trên tổng số nhu cầu là 9.000 tỷ (chiếm 27%), còn các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp và công nhân vay lại không có đồng vốn nào.
Vì vậy, dự án về NƠXH, nhà ở công nhân bị đình lại hoặc giãn hoãn, ảnh hưởng đến nguồn cung. Trong hơn 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19, các khu nhà ở cho người LĐ tại khu công nghiệp (KCN) chịu ảnh hưởng lớn nhất do tập trung đông công nhân. Việc đầu tư phát triển NƠXH đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người LĐ là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế. Vì vậy, trong Nghị quyết 11 của Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, có 2 gói hỗ trợ cho 2 nhóm đối tượng. Một là gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân (công nhân LĐ) qua Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 4,8%/năm để thuê và mua nhà. Hai là gói hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp đầu tư và triển khai nhà ở công nhân với mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm.
Với nguồn vốn hướng sự ưu tiên đến cả nguồn cung và nguồn cầu trong năm 2022-2023 được kỳ vọng sẽ sớm giải quyết sự thiếu hụt lớn về nhà ở công nhân, góp phần mang lại cuộc sống tốt hơn cho người LĐ, giúp họ gắn bó hơn với công việc, tạo sự ổn định về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xây nhà ở công nhân, được các chuyên gia đánh giá là yếu tố quyết định khả năng tiếp cận nhà ở với các công nhân, bởi sự hỗ trợ này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các chủ đầu tư, từ đó thiết lập mức giá cho thuê hay bán thấp. Thực tế, từ đầu năm đến nay, 7 dự án NƠXH đã được triển khai xây dựng tại nhiều tỉnh, thành trọng điểm và nhiều dự án tiếp tục triển khai trong quý II-III/2022, trong đó, có 2 dự án NƠXH tại Hà Nội.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho biết: Qua kết quả điều tra khảo sát, tổng nhu cầu NƠXH tại Hà Nội sau năm 2020 là khoảng 6,8 triệu mét vuông sàn. Tuy nhiên, theo Kế hoạch phát triển nhà ở từ năm 2021-2025 thì Hà Nội chỉ phát triển được 1,25 triệu mét vuông sàn, thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Trong đó, nguyên nhân chính là do quỹ đất để phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân còn hạn chế.
Nghị quyết 188 năm 2013 của Chính phủ yêu cầu các dự án nhà ở thương mại dành 20% quỹ đất để phát triển NƠXH; riêng tại Hà Nội, tỷ lệ này theo Nghị quyết 06 của HĐND TP là 25% các dự án nhà ở khi quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ trên hầu như không đạt được do các dự án được lựa chọn chủ đầu tư từ trước giai đoạn này, chỉ những dự án bị thu hồi giao cho chủ đầu tư khác thì mới phải bố trí tiếp NƠXH nên dự án bố trí diện tích để xây dựng NƠXH là không nhiều. Trước thực tế này, UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện các dự án NƠXH tập trung. Đến nay, chỉ riêng 5 khu NƠXH tập trung của TP Hà Nội dự kiến là 270ha sẽ cung cấp 2,5 triệu mét vuông sàn. UBND TP đã chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ nghiên cứu tiếp các khu NƠXH tập trung khác.
“Chúng tôi chỉ cần khoảng 5-6 khu nữa là cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu NƠXH và TP Hà Nội đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai chủ trương trên đảm bảo đầy đủ. Ngoài ra, với nhu cầu NOXH cho công nhân là lớn, TP Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý KCN và chế xuất phối hợp với Sở Xây dựng, Cục thống kê đánh giá lại nhu cầu thực tế về nhà ở của công nhân, từ đó xây dựng kế hoạch quy hoạch phát triển khu nhà ở công nhân nói riêng” - ông Luyện Văn Phương cho biết thêm.
Công trình NƠXH CT-08 khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh II, huyện Mê Linh được xây dựng đồng bộ từ sân vườn, bãi đỗ xe, khu sân chơi, tiểu cảnh, khu vui chơi, thể dục thể thao... có giá bán 8,5 triệu đồng/m2
Tháo gỡ bất cập từ cơ chế ưu đãi và thủ tục
Đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời của gói hỗ trợ tín dụng phát triển NƠXH trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, song theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp xây dựng, chính sách tín dụng chỉ là một giải pháp, để có đòn bẩy lâu dài cho phát triển nhà ở cho công nhân cần nhận diện bất cập trong cơ chế, chính sách để kịp thời sửa đổi, bổ sung để tạo sự hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay đều mong muốn và sẵn sàng tham gia chương trình phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân bởi đây là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Thế nhưng, để thu hút doanh nghiệp tham gia cần giải quyết các bất cập về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối. Các doanh nghiệp mong muốn quy trình thủ tục cần được xử lý nhanh gọn hơn, doanh nghiệp tiếp cận ưu đãi đất đai một cách dễ dàng, nguồn vốn ổn định.
Là đơn vị xây dựng các dự án NƠXH cho thuê mua, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc công ty TNHH xây dựng thương mại Lê Thành bày tỏ, lợi nhuận định mức của NƠXH tối đa là 10% (với nhà bán) và 15% (với nhà cho thuê). Trong khi đó, từ khi bắt đầu làm thủ tục xin dự án đến khi hoàn thành dự án mất 5 năm và trải qua quy trình 5 bước như nhà ở thương mại. Như vậy, tính ra mỗi năm DN chỉ đạt mức lợi nhuận là 2%, thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm. Theo ông Lê Hữu Nghĩa, đây là một trong những lý do nhiều doanh nghiệp “ngại” tham gia phát triển NƠXH.
“Chủ đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân quan tâm nhất đến chính sách pháp lý; ưu đãi của nhà nước để giảm giá thành; nhu cầu của công nhân, quy trình, thủ tục mua NƠXH. Các địa phương hiện đã tạo điều kiện cho DN nhưng do quy định của Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Thuế có liên quan vênh nhau nên doanh nghiệp mất nhiều thời gian để ho àn thiện thủ tục đầu tư ban đầu cũng như chưa thụ hưởng chính sách ưu đãi về thuế, hạ tầng… và ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảm giá thành NƠXH” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa lấy dẫn chứng về việc giảm thuế. Theo quy định của Luật Nhà ở và các nghị định hướng dẫn, DN làm NƠXH được hưởng ưu đãi giảm 70% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng trong Luật Thuế lại không có quy định này nên khi quyết toán thuế, công ty chẳng những không được hưởng ưu đãi mà còn bị phạt.
Trước những bất cập, tồn tại được doanh nghiệp đề cập, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hà Quang Hưng cho biết: “Chúng tôi đã nắm bắt được và trong thời gian tới sẽ phải sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật, từ Luật Nhà ở, Luật Thuế, Luật Đầu tư. Cùng với đó, trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương trong việc điều chỉnh quy hoạch để chủ đầu tư hưởng ưu đãi hệ số sử dụng đất 1,5 lần hay xác định đúng đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách”.
Về các giải pháp thúc đẩy thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, ông Hà Quang Hưng thông tin thêm: Bộ Xây dựng đã thành lập tổ công tác liên ngành làm việc với một số địa phương trọng điểm để hướng dẫn tháo gỡ một số vướng mắc.
Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương rà soát các quy hoạch, chỉ rõ vị trí, địa điểm, diện tích để đầu tư xây dựng NƠXH độc lập; rà soát, thanh kiểm tra việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị để có quỹ đất sạch xây dựng NƠXH, trường hợp chủ đầu tư nào đã dành 20% quỹ đất nhưng không có nhu cầu hoặc để quá lâu thì chính quyền địa phương có thể xem xét thu hồi để chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư theo quy định; rà soát quỹ đất trong dự án đầu tư hạ tầng KCN… Hiện nay Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư sửa đổi Nghị định 82 năm 2018 của Chính phủ về quản lý và phát triển KCN, trong đó đề xuất phải dành tỷ lệ đất nhất định trong diện tích đất dịch vụ thương mại của KCN để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.
Trước những bất cập, tồn tại được doanh nghiệp đề cập, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hà Quang Hưng cho biết: “Chúng tôi đã nắm bắt được và trong thời gian tới sẽ phải sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật, từ Luật Nhà ở, Luật Thuế, Luật Đầu tư. Cùng với đó, trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương trong việc điều chỉnh quy hoạch để chủ đầu tư hưởng ưu đãi hệ số sử dụng đất 1,5 lần hay xác định đúng đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách”.
Bài và ảnh: HẠNH LÊ