Ký hiệp định bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam - Hàn Quốc
Vào 9h10 sáng 14/12 tại Seounl (Hàn Quốc), tức 7h20 sáng giờ Việt Nam, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc Kwon Deok Cheol đã Ký hiệp định song phương về Bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Lễ ký kết được thực hiện dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội.
Hiệp định đầu tiên của Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Trong bối cảnh Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, hợp tác giữa hai nước đang ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động - việc làm. Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc đến làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng và đều có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp của cả hai nước; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ cũng được bảo vệ bởi luật pháp của hai nước, trong đó có quyền và nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, để bảo vệ quyền lợi của người lao động và thực hiện pháp luật của hai nước về BHXH, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành đàm phán Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là Hiệp định).
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc Kwon Deok Cheol đã Ký hiệp định song phương về Bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Phần lớn các quốc gia đều có pháp luật quy định người lao động bắt buộc phải tham gia các chế độ BHXH, trong đó quan trọng nhất là bảo hiểm hưu trí. Trong bối cảnh trao đổi thương mại và đầu tư trên thế giới ngày càng phát triển, dòng lưu chuyển lao động giữa các nước cũng ngày càng tăng. Người lao động khi đến một quốc gia khác làm việc thì về nguyên tắc sẽ phải tham gia đóng BHXH ở quốc gia đó. Khi về hưu thì người lao động được quyền hưởng lương hưu, trên cơ sở các khoản BHXH mà họ đã đóng trước đó ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Trong trường hợp giữa các quốc gia không có Hiệp định song phương hay đa phương về BHXH thì việc thụ hưởng lương hưu khi người lao động về hưu sẽ rất khó khăn. Có trường hợp không thực hiện được do không có sự liên thông, kết nối hay công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống bảo hiểm. Bởi vậy, để bảo vệ quyền lợi BHXH của người lao động, chính phủ nhiều nước cố gắng thúc đẩy để ký kết hiệp định về BHXH với quốc gia nơi có nhiều công dân nước mình đến làm việc.
Trong những năm qua, số người lao động là công dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc chiếm tỷ lệ lớn trong số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cùng với sự mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc, số người lao động Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc cũng có xu hướng gia tăng. Bởi vậy, việc ký kết Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc là một nhu cầu cấp thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển lao động giữa hai nước và để bảo vệ quyền lợi về BHXH cho lao động hai nước.
Cũng giống như phần lớn các hiệp định song phương và đa phương về BHXH trên thế giới, Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc có hai mục đích chính. Thứ nhất, tránh cho người lao động phải đống phí BHXH hai lần. Theo đó, nếu không có Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội thì người lao động Việt Nam khi làm việc tại Hàn Quốc và người lao động Hàn Quốc khi làm việc tại Việt Nam sẽ phải đóng BHXH tại cả Việt Nam và Hàn Quốc. Trong trường hợp hai nước có Hiệp định song phương về BHXH thì người lao động là công dân Việt Nam và Hàn Quốc sẽ chỉ có nghĩa vụ đóng BHXH tại một nước.
Hai bộ trưởng trao văn bản sau khi ký.
Thứ hai, thời gian đóng BHXH sẽ được hai bên cộng nhận lẫn nhau. Thời gian tham gia đóng BHXH của người lao động là công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc sẽ được tính là tổng thời gian mà người lao động đó đã tham gia đóng BHXH ở Việt Nam và Hàn Quốc. Tổng thời gian này sẽ là căn cứ để Quỹ BHXH Việt Nam và Quỹ Hưu trí quốc gia Hàn Quốc xét người lao động hưởng chế độ lương hưu.
Mức hưởng chế độ mà Quỹ BHXH của mỗi nước chi trả cho người lao động khi về hưu sẽ căn cứ vào thời gian và mức đóng mà người lao động đã đóng vào quỹ đó. Công thức tính được quy định theo luật pháp của mỗi nước.
Hiệp định nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động
Hiệp định cũng là điều ước quốc tế để thực hiện chủ trương của Đảng được nêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Về mặt luật pháp, Hiệp định là điều ước quốc tế để đảm bảo thực hiện khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: "Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam… tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.” và điểm g khoản 1 Điều 6 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, quy định: “Người lao động không phải đóng BHXH hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về BHXH hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần”.
Hiệp định đã được hai bên thống nhất gồm 5 Phần với 24 Điều, trong đó một số quy định chính như: Phạm vi áp dụng là liên quan tới chế độ hưu trí và tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 của Việt Nam và Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc (Điều 2); Đối tượng là người lao động Việt Nam và người lao động Hàn Quốc có thời gian làm việc tại hai nước và đang chịu sự điều chỉnh của pháp luật về BHXH của hai nước (Điều 3); Hiệp định quy định nguyên tắc đối xử bình đẳng, cụ thể là công dân của một bên khi làm việc trên lãnh thổ của bên kia thì được đối xử bình đẳng như công dân của nước sở tại trong việc xác định các điều kiện đóng, hưởng, chi trả các chế độ BHXH (Điều 4)...
Một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định là quy định cách tính thời gian làm căn cứ để xác định chế độ hưu trí đối với người lao động là tính tổng thời gian mà người lao động đã tham gia đóng BHXH ở cả hai nước (cộng dồn) và cách tính các chế độ bảo hiểm là căn cứ theo luật pháp của mỗi nước (Điều 10)...
Khi Hiệp định có hiệu lực, quyền lợi về BHXH của người lao động Việt Nam khi đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc (cũng như người lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam) sẽ được bảo đảm bởi luật pháp của cả hai nước và thời gian để làm căn cứ xét hưởng chế độ hưu trí đối với người lao động Việt Nam có thời gian làm việc tại Hàn Quốc sẽ được bình đẳng như những người lao động Việt Nam khác. Về mức hưởng thì người lao động sẽ được hưởng đầy đủ, bình đẳng căn cứ theo cách tính mức thụ hưởng theo quy định của luật pháp mỗi nước theo nguyên tắc đóng - hưởng. Theo Hiệp định, việc đóng và hưởng được thực hiện theo nguyên tắc là người lao động đóng BHXH ở đâu thì hưởng ở đó và mức hưởng được xác định bởi thời gian và mức mà người lao động đã đóng vào quỹ BHXH tại nước đóng. Bởi vậy, việc thực hiện Hiệp định sẽ không có tác động đến vấn đề thu - chi tài chính của quỹ BHXH của bên nào.
Hiệp định đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động trong việc tiếp cận cơ hội việc làm.
P.V