Hội đồng nhân dân các cấp thành phố Hà Nội:

Lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành cùng người dân

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Năm 2023, nhiều “điểm nghẽn” được tháo gỡ mang lại quyền lợi chính đáng cho người dân được ghi nhận là thành quả từ việc lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành cùng người dân của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp thành phố Hà Nội. Từ đó góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Chất lượng giải quyết các kiến nghị ngày một nâng cao

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND thành phố Hà Nội đã chuyển UBND thành phố 1.927 kiến nghị để xem xét, trả lời, giải quyết theo thẩm quyền. UBND Thành phố trả lời 100%, giải quyết xong 80% (1.535/1.927 kiến nghị), 20% kiến nghị đang giải quyết (392/1.927 kiến nghị).

Thường trực HĐND Thành phố nhận định: Việc tiếp nhận trả lời và giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian qua đã được UBND Thành phố quan tâm, nắm bắt và kịp thời giải quyết, xác định rõ trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật; nghiêm túc trong việc xem xét, trả lời, 100% các kiến nghị của cử tri được trả lời đúng thời hạn; nội dung trả lời rõ ràng, cơ bản giải đáp được những kiến nghị mà cử tri quan tâm, chất lượng giải quyết các kiến nghị ngày một nâng cao.

 Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên đánh giá, UBND Thành phố đã luôn có ý thức, trách nhiệm trả lời kịp thời đối với những kiến nghị của cử tri trước và sau mỗi kỳ họp của HĐND Thành phố. Việc trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri của UBND Thành phố, các sở, ban, ngành tiếp tục được coi trọng, các cơ quan đơn vị đã xác định rõ trách nhiệm của mình trước cử tri. Ngay sau khi nhận được phản ánh, ý kiến, kiến nghị của cử tri HĐND Thành phố, UBND Thành phố đã khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung giải quyết và báo cáo tổng hợp trả lời kiến nghị cử tri với HĐND Thành phố, để thông tin trả lời tới cử tri theo quy định.

Các nội dung cử tri kiến nghị về nhiều lĩnh vực như công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án, trật tự xây dựng, giao thông, đô thị, bảo vệ môi trường, y tế, cải cách hành chính... Với những nội dung còn vướng mắc, kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đã được UBND Thành phố tập trung chỉ đạo giải quyết, rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế chính sách, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, điều hành; thực hiện quyết liệt việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính.

Lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành cùng người dân - ảnh 1
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn và đoàn công tác khảo sát tại khu vực nút giao giữa đường Vành đai 4 và trục Tây Thăng Long. Ảnh: Thịnh An

“Giữ lửa” cho hoạt động của cơ quan dân cử

Đánh giá của Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội về việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, cùng với sự lan toả trong đổi mới hoạt động của Quốc hội, hoạt động giám sát của HĐND Thành phố Hà Nội đã tiếp tục được cải tiến, đổi mới, ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu. Về chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát tại kỳ họp, giám sát chuyên đề ngày càng được nâng cao, đạt được những kết quả nhất định. Nội dung giám sát được lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được cử tri, nhân dân quan tâm. Thông qua hoạt động giám sát đã đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các quy định pháp luật, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và từ đó đề xuất thúc đẩy đầu tư, các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Thành phố.

Hoạt động giám sát của HĐND được tăng cường và có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan dân cử từ thành phố đến cơ sở. Nội dung giám sát tiếp tục có nhiều đổi mới, được thực hiện bài bản, thiết thực, hiệu quả. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND, giải trình của Thường trực HĐND có nhiều đổi mới, sôi nổi, tâm huyết và chất lượng.

Để có được những kết quả đó, theo Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên, ngay từ khi xây dựng chương trình giám sát, HĐND các cấp đã chú trọng lựa chọn giám sát có trọng tâm, trọng điểm, vấn đề bức xúc mà đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm. Từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể, hợp lý, tránh sự chồng chéo về nội dung, địa điểm giám sát giữa các cấp.

Đối với hoạt động giám sát của Thường trực HĐND Thành phố ngoài việc thực hiện theo nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND Thành phố còn bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, có sự kết nối, liên thông với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, góp phần hiệu quả tốt hơn.

Từ nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND các cấp Thành phố đã tiếp tục duy trì, tăng cường hoạt động giám sát với 1.978 cuộc giám sát của HĐND và Thường trực HĐND. Trong đó, riêng Thường trực HĐND Thành phố đã tổ chức 14 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề, trong đó có những nội dung được cử tri hết sức quan tâm như: Tình hình thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn; tình hình, tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…

Với phương châm hành động giám sát đến cùng, hướng về cơ sở, hoạt động giám sát, khảo sát trực tiếp chú trọng vào các đối tượng tác động trực tiếp, trao đổi kỹ giữa các bên có liên quan để có cái nhìn chân thực, khách quan nhất; tổ chức buổi giám sát linh hoạt theo nhóm các đơn vị tương đồng về nội dung, chức năng, nhiệm vụ... Đối tượng giám sát được tăng lên do đổi mới cách làm, Thường trực HĐND Thành phố kết hợp giữa làm việc trực tiếp tại đơn vị giám sát và mời các đơn vị về làm việc tại trụ sở của HĐND Thành phố để mở rộng được thành phần, đối tượng giám sát. Qua giám sát, nhiều vấn đề đã được phát hiện và giải quyết kịp thời.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ Thành phố và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, HĐND Thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công tác quản lý Nhà nước và tình hình thực tiễn của Thủ đô.

Trong đó, HĐND Thành phố sẽ chủ động tham gia cùng các cơ quan Thành phố phối hợp Bộ Tư pháp; các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (dự kiến diễn ra tháng 5/2024); tập trung phối hợp và hoàn thiện Điều chỉnh Quy hoạch chung, Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; chương trình 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích; Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô và các nhiệm vụ trọng tâm; phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 đề ra, đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng

Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024), chiều 10/5, tại UBND huyện Đông Anh (Hà Nội), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng".
Hơn 1 triệu thí sinh đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Hơn 1 triệu thí sinh đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(PNTĐ) - Từ ngày 2/5 đến 17h00 ngày 10/5/2024, cổng đăng ký trực tuyến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 mở phục vụ cho thí sinh đăng ký dự thi chính thức. Kết thúc thời gian đăng ký theo quy định đã có 1.067.391 thí sinh đăng ký dự thi trên hệ thống đăng ký thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.