Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng: Rực rỡ “Sắc hoa trên miền di sản“

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 17/11, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm), UBND huyện Gia Lâm khai mạc Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng. Đây là 1 trong chuỗi 80 hoạt động văn hóa, không gian sáng tạo trưng bày, triển lãm trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.

Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng: Rực rỡ “Sắc hoa trên miền di sản“ - ảnh 1
Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng năm 2023 diễn ra từ ngày 17 đến 19/11 

Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng năm 2023 với chủ đề: “Sắc hoa trên miền di sản”, diễn ra từ ngày 17 đến 19/11 với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trưng bày, trình diễn nghệ thuật tạo hình, ghép cây hoa giấy độc đáo, đẹp mắt, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng: Rực rỡ “Sắc hoa trên miền di sản“ - ảnh 2
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học phát biểu khai mạc lễ hội

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết: Năm 2019, Hà Nội đã được UNESCO ghi danh vào mạng lưới các thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế sáng tạo thế giới. Những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách tạo “khung” để phát triển công nghiệp văn hoá, xây dựng thành phố sáng tạo; đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động nhằm hiện thực hoá các cam kết với UNESCO.

Trong đó, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là hoạt động thường niên (được tổ chức bắt đầu từ năm 2021) của thành phố, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế.

Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng: Rực rỡ “Sắc hoa trên miền di sản“ - ảnh 3
Các đại biểu tham quan tại lễ hội

Năm 2023, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội có chủ đề “Dòng chảy”, tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo, nhằm hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô. Tuyến trải nghiệm của lễ hội nhấn mạnh vào sự kết nối hai bên bờ sông qua cầu Long Biên lịch sử, đồng thời làm nổi bật các giá trị văn hóa lịch sử tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Huyện Gia Lâm nằm ở vị trí của ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với bề dày truyền thống văn hóa lịch sử; là nơi giao thoa của hai dòng văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc; quê hương của Đức Thánh Gióng và Đức Thánh Chử Đồng Tử - là 2 trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Gia Lâm hiện đang sở hữu kho tàng văn hóa truyền thống đồ sộ với 320 di tích lịch sử văn hóa, hàng trăm lễ hội truyền thống, trong đó 163 di tích đã được xếp hạng các cấp.

Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng: Rực rỡ “Sắc hoa trên miền di sản“ - ảnh 4
 Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học trao chứng nhận OCOP cho các hộ trồng hoa giấy

Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng - nơi diễn ra hội Gióng hằng năm, một trong những lễ hội kỳ thú, độc đáo nhất Việt Nam, cùng với hội Gióng ở Sóc Sơn đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân Phù Đổng nói riêng và huyện Gia Lâm nói chung.

Với truyền thống cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, những năm qua, nhân dân Phù Đổng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ trồng lúa, chăn nuôi sang trồng cây cảnh hoa giấy, đem lại giá trị kinh tế cao.

Nhờ đó đã tạo nên thương hiệu “Cây cảnh hoa giấy Phù Đổng”. Xã Phù Đổng hiện có khoảng 250 hộ trồng hoa giấy, các hộ đã nhanh nhạy lai tạo, uốn ghép thành nhiều kiểu dáng đổ, trực, hoành, huyền, các thế cây độc đáo và ý nghĩa như "phụ tử nghinh phong", "ngũ phúc", "mẫu tử", "phụ tử", "huynh đệ"… đáp ứng nhu cầu chơi hoa của thị trường. Đáng chú ý,  Phù Đổng có sản phẩm hoa giấy bonsai, hoa giấy ngũ sắc đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng: Rực rỡ “Sắc hoa trên miền di sản“ - ảnh 5
Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng thu hút nhiều người dân và du khách

Đặc biệt, người dân Phù Đổng còn có bí quyết làm cây hoa giấy nở với 5 - 7 loại màu khác nhau như: Đỏ, hồng, trắng, cam, tím… nở quanh năm, bông to, sắc thắm.

Đến làng hoa giấy Phù Đổng, du khách còn được tham gia trải nghiệm thực tế vào quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cắt tỉa các loại hoa, cây cảnh để cảm nhận được sự tỉ mỉ, công phu, khéo léo và kiên trì của người dân Phù Đổng trong thiết kế, sáng tạo những tác phẩm mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Tháng 11/2020, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định công nhận "Làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng".

Lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng: Rực rỡ “Sắc hoa trên miền di sản“ - ảnh 6
UBND huyện Gia Lâm trao quyết định công nhận thành lập Hội làng nghề cây cảnh Hoa giấy Phù Đổng, xã Phù Đổng

Làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Để làng nghề đi vào hoạt động hiệu quả, phát huy sức mạnh đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo của nhân dân để xây dựng thương hiệu cây cảnh hoa giấy Phù Đổng ngày càng phát triển, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Quyết định thành lập Ban vận động Hội làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng.

Tại lễ hội, UBND huyện Gia Lâm trao quyết định công nhận thành lập Hội làng nghề cây cảnh Hoa giấy Phù Đổng, xã Phù Đổng với 18 thành viên; phân hạng và cấp Giấy chứng nhận đối với 30 sản phẩm đạt 3 sao trở lên của 11 chủ thể tham gia Chương trình OCOP huyện Gia Lâm 2023

 

Tin cùng chuyên mục

Cần bổ sung để môi trường là điểm nhấn trong phát triển bền vững Thủ đô

Cần bổ sung để môi trường là điểm nhấn trong phát triển bền vững Thủ đô

(PNTĐ) - Nhiều năm qua, Hà Nội luôn quan tâm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và công tác bảo vệ môi trường. Để nâng cao chất lượng môi trường theo hướng bền vững, các chuyên gia cho rằng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung một số vấn đề để môi trường thực sự là điểm nhấn trong phát triển bền vững Thủ đô
 Đại hội của “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”

Đại hội của “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”

(PNTĐ) - Sáng 2/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam trang trọng tiến hành phiên trọng thể. Với tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là Đại hội chuyển hướng mạnh mẽ về nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công đoàn, đột phá trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, tiếp tục bồi đắp các giá trị văn hóa của tổ chức Công đoàn để hướng tới 100 năm Công đoàn Việt Nam.