Liệu Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong có trở thành “ngọn gió lớn” trong ngành xây dựng?
(PNTĐ) - Tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong gần đây có những bước tiến đáng chú ý khi góp mặt ở hàng loạt dự án từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng trên cả nước…
Doanh nghiệp “máu mặt” trong ngành xây dựng
Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong (Công ty Đại Phong) thành lập từ năm 2004, địa chỉ tại Khu A, Thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, do ông Trần Quang Đại làm người đại diện pháp luật.
Theo thông tin về đăng ký doanh nghiệp, giai đoạn trước 2017, Công ty Đại Phong có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Đến tháng 3/2017, doanh nghiệp nâng vốn điều lệ lên 350 tỷ đồng. Tháng 9 cùng năm, doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 700 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông góp vốn. Trước tháng 3/2017, doanh nghiệp có 3 cổ đông sáng lập gồm: Ông Trần Quang Đại sở hữu 82,5% vốn điều lệ. Ông Trần Quang Vấn nắm giữ 7,5% vốn điều lệ và ông Trần Quang Nguyện giữ 7,5% vốn điều lệ.
Tháng 3/2017, đi đôi với việc tăng vốn điều lệ thì tỷ lệ sở hữu của cổ đông sáng lập cũng có sự thay đổi. Ông Trần Quang Đại nâng tỷ lệ sở hữu lên 93,2% vốn điều lệ, ông Trần Văn Vấn giữ 3,2% vốn điều lệ và Trần Văn Nguyện giữ 3,4% vốn điều lệ.
Đến tháng 9/2017, tỷ lệ sở hữu của cổ đông sáng lập tiếp tục thay đổi. Ông Trần Quang Đại giảm sở hữu còn 60,9%, các ông Trân Văn Vấn và Trần Văn Nguyện mỗi người sở hữu 1,7% vốn điều lệ.
Giai đoạn từ 2017 đến nay, Công ty Đại Phong chưa có sự điều chỉnh nào về tỷ lệ sở hữu, vốn điều lệ cũng như ngành nghề kinh doanh.
Trên lĩnh vực xây dựng, Công ty Đại Phong vươn lên là doanh nghiệp “máu mặt” khi xuất hiện ở hàng loạt dự án trọng điểm tại nhiều địa phương trong cả nước.
Theo một thống kê tham khảo, Công ty Đại Phong từng góp mặt tại khoảng 68 dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước với tổng giá trị đạt gần 20.000 tỷ đồng trong vai trò liên danh hoặc độc lập.
Đáng chú ý, tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán dựa trên các gói công bố giá dự toán hoặc giá gói thầu lên đến trên 98%. Đây là tỷ lệ đáng mơ ước so với một số doanh nghiệp cùng ngành xây dựng.
Về quy mô hoạt động, Công ty Đại Phong góp mặt ở nhiều dự án trong khắp cả nước như Hà Nội, TP HCM, Nam Định, Hà Nam, Bình Dương, Gia Lai, Quảng Nam, An Giang…
Các dự án nghìn tỷ có sự góp mặt của Công ty Đại Phong như: Dự án thành phần 1, xây dựng đường vành đai 3, đoạn qua TP HCM tháng 6/2023 với giá trị hơn 2.255 tỷ đồng. Dự án xây lắp công trình đoạn từ Km 31 + 280 đến Km 43 + 500, tháng 9/2023 do BQLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh An Giang mời thầu có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Dự án Thi công xây dựng + thiết bị tuyến 1 và nút giao Liêm Sơn - giai đoạn 1, triển khai tháng 7/2023 tại tỉnh Hà Nam có giá trị hơn 1.900 tỷ đồng.
Hay như Dự án thành phần 5, xây dựng đường vành đai 3, đoạn qua tỉnh Bình Dương, triển khai tháng 12/2023 cũng có giá trị hơn 1.800 tỷ đồng. Dự án này, Công ty Đại Phong đứng đầu liên danh.
Có thể thấy, giai đoạn 2021 - 2023 là năm thịnh vượng đối với Công ty Đại Phong khi doanh nghiệp liên tiếp trúng các dự án sử dụng ngân sách nhà nước với tổng giá trị từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.
“Công thức” kinh doanh của Công ty Đại Phong
Đem các hợp đồng kinh tế đi vay ngân hàng dường như trở thành “công thức” giúp Công ty Đại Phong “quay” dòng tiền để thực hiện các dự án xây lắp.
Ví dụ: Ngày 4/7/2024, Công ty Đại Phong trúng Dự án Đầu tư hạ tầng khu quy hoạch xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng với giá hơn 17,1 tỷ đồng. 12 ngày sau – tức 16/7/2024, Công ty Đại Phong dùng hợp đồng kinh tế tại dự án này đi thế chấp ngân hàng.
Theo nội dung Hợp đồng số 229632.24.775.3405254.BD giữa MBBank chi nhánh Nam Định với Công ty Đại Phong. Tài sản thế chấp là: “Quyền đòi nợ, bao gồm nhưng không giới hạn toàn bộ các khoản nợ, khoản phải thu, khoản được nhận thanh toán, hoàn trả, tiền lãi, tiền phạt, bồi thường thiệt hại, thụ hưởng bảo hiểm, bảo lãnh và các quyền lợi khác (nếu có) của Bên thế chấp phát sinh từ việc thực hiện Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 02/2024/HĐXL thời điểm có hiệu lực ngày 08/7/2024 và các Phụ lục kèm theo (nếu có) giữa bên thế chấp và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bàu Bàng”.
Trước đó, hồi tháng 5/2024, Công ty Đại Phong cũng phát sinh hợp đồng tín dụng số 05/2024/HĐBĐ/NHCT382-KHDN/DAI PHONG-02 với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Bắc Nam Định. Theo đó, tài sản đảm bảo là: “(i) Các khoản phài thu. Phát sinh từ Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 81/2023/HĐXD ngày 30/08/2023 có hiệu lực từ ngày 30/08/2023 cho gói thầu 44:“Thi công xây lắp công trình đoạn từ Km31+280 đến Km43+500 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công)” thuộc dự án “Dự án thành phần 1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1”.
Các bên tham gia xác lập hợp đồng: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang và Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong. Dự án tại An Giang do Công ty Đại Phong thực hiện với vai trò đứng đầu liên danh.
Hay như hồi tháng 9/2021, Công ty Đại Phong trúng lớn tại Dự án xây dựng đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng thuộc tuyến đường Tạo Lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương với vai trò đứng đầu liên danh. Khoảng 1 tháng sau, Công ty Đại Phong đem hợp đồng xây dựng thế chấp tại MBBank Chi nhánh Nam Định.
Theo nội dung hợp đồng tín dụng số 57983.21.775.3405254.BÐ giữa Công ty Đại Phong với MBBank Chi nhánh Nam Định, tài sản đảm bảo là: “Khoản phải thu,quyền đòi nợ, sản lượng dở dang hình thành từ quá trình thực hiện Hợp đồng thi công xây dựng công trình số: 04/2021/HĐXD ngày 25/10/2021 về việc thực hiện gói thầu: Thi công xây dựng giai đoạn 1 thuộc công trình: Xây dựng đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng thuộc tuyến đường Tạo Lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo – Bàu Bàng giữa Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Giáo và Liên danh Đại Phong – Thuận An – Tự Lập.
Tại dự án này, Công ty Thuận An cũng là doanh nghiệp xây dựng được nhiều người biết đến thời gian gần đây…
Ngoài “công thức” dùng các hợp đồng xây dựng đi thế chấp ngân hàng, Công ty Đại Phong còn thế chấp nhiều loại máy móc, thiết bị phục vụ công tác xây dựng…