Lớp bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn trao đổi kinh nghiệm thực tế tại huyện Đông Anh
(PNTĐ) - Sáng 1/11, Đoàn công tác Hội LHPN thành phố Hà Nội do đồng chí Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn đã có chuyến thực tế, trao đổi kinh nghiệm tại huyện Đông Anh. Đây là chuyến thực tế của lớp bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn.
Trước khi làm việc với địa phương, thăm mô hình kinh tế, Đoàn đã dâng hương, tham quan tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Theo lịch sử, thành Cổ Loa xuất hiện vào năm 2008 trước Công nguyên, sau khi thống nhất hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt, lập nên nhà nước Âu Lạc, An Dương Vương đã quyết định chọn vùng đất này để lập kinh đô, xây thành Cổ Loa (thành Ốc, Tư Long thành, Loa thành) với vai trò là quân thành, đô thành và thị thành.
Hiện nay, di tích có phạm vi quy hoạch bảo tồn là 830 ha. Khu vực Cổ Loa hiện có khoảng 60 di tích (trong đó có 7 di tích cấp quốc gia), bao gồm các loại hình: Di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, cách mạng, di chỉ khảo cổ học. Trong lòng đất của Cổ Loa chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và khảo cổ học vô cùng đặc biệt và phong phú, điều đó cho thấy sự phát triển liên tục của nền văn minh sông Hồng.
Di tích Cổ Loa là 1 trong 10 di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh trong cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ngày 27/9/2012.
Trên mảnh đất cố đô Cổ Loa, Đoàn đại biểu đã thành kính dâng hương, tưởng niệm, tri ân công lao to lớn dựng nước, giữ nước của Đức An Dương Vương - người có công lập nên Nhà nước Âu Lạc.
Tại thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, Đoàn đã tới tham quan mô hình xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu.
Đoàn thăm mô hình phát triển kinh tế tại Công ty cổ phần giống gia cầm Ngọc Mừng. Chăn nuôi gà bằng công nghệ mới, hiện đại, trang trại của nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 Hoàng Mạnh Ngọc ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh đã trở thành tấm gương sáng. Từ những năm 2000, khi chăn nuôi gà ở huyện Đông Anh còn phát triển nhỏ lẻ, manh mún, vợ chồng anh đã bàn với vợ quyết định chuyển hướng sang đầu tư vào lĩnh vực này nhưng là với hướng đi khác. Đó là sản xuất con giống chứ không phải nuôi gà thịt như nhiều hộ vẫn đang làm.
Thăm mô hình kinh tế, Đoàn công tác khâm phục bởi sự dám nghĩ, dám làm, ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi của vợ chồng anh Ngọc.
Sau khi tham quan các di tích lịch sử, mô hình kinh tế, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với xã Liên Hà, huyện Đông Anh.
Đồng chí Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Hội LHPN Thủ đô Hà Nội và Hội phụ nữ Thủ đô Viêng Chăn giai đoạn 2022-2025, trong đó có nội dung giúp nhau bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội; vào các năm 2018, năm 2022, Hội Phụ nữ Hà Nội được sự phối hợp, hỗ trợ của Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức 2 đợt đào tạo, bồi dưỡng cho 30 cán bộ Hội phụ nữ Thủ đô Viêng chăn.
Năm nay, được sự nhất trí của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội; trên cơ sở trao đổi thống nhất giữa Hội phụ nữ 2 Thủ đô, Hội LHPN thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội tiếp tục tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác vận động phụ nữ cho 20 cán bộ Hội LHPN thủ đô Viêng Chăn, nước CHDCND Lào tại Học viện phụ nữ Việt Nam. Thành phần tham gia lớp tập huấn có các chị là lãnh đạo Hội LHPN Thành phố, các huyện, các sở thuộc Thủ đô Viêng Chăn.
“Trong khuôn khổ Chương trình đào tạo, cùng với việc được trang bị những vấn đề lý luận, kiến thức về công tác phụ nữ; học viên của lớp tập huấn sẽ được đi thực tế tham quan, trao đổi kinh nghiệm thực tế tại một số địa phương, trong đó có địa bàn huyện Đông Anh. Đây là dịp để chúng ta có thể giao lưu, trao đổi chia sẻ, học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác Hội, thắt chặt hơn nữa tình cảm đặc biệt, đoàn kết gắn bó thủy chung son sắt giữa phụ nữ hai nước, hai Thủ đô”, đồng chí Lê Thị Thiên Hương nhấn mạnh.
Đồng chí Vilayphone Keophoxay - Phó Chủ tịch Hội phụ nữ Thủ đô Viêng chăn cho rằng, năm 2022 Hội LHPN đã giúp đỡ đào tạo cho cán bộ phụ nữ Lào, trong đó có cán bộ Hội LHPN Viêng Chăn. Đợt này, Hội LHPN Hà Nội đã giúp đỡ đào tạo cho 3 lãnh đạo Hội LHPN Thủ đô và các đồng chí cán bộ hội viên phụ nữ cấp huyện.
Tại lớp học, học viên đã được nghe chủ đề về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, phòng chống bạo lực trên thế giới. Đặc biệt, ngày hôm nay, được đi thăm đi tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng của huyện Đông Anh. Đồng chí cảm ơn ban lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội, huyện Đông Anh và xã Liên Hà để đoàn có chuyến thực tế hữu ích. Chúc cho mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Tại chương trình, đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Đông Anh bày tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp đoàn về thăm các di tích lịch sử và các mô hình kinh tế, quê hương Đông Anh. Đồng chí chia sẻ thêm, huyện Đông Anh hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2016, là 1 trong 7 huyện hoàn thành xây dựng NTM sớm nhất toàn quốc.
Năm 2024 Đông Anh hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao cấp huyện. Hiện nay huyện có 23 xã, 1 thị trấn, cơ bản các xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao và nhiều xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong quá trình phát triển, huyện đánh giá cao vai trò của tổ chức Hội phụ nữ, đặc biệt về vấn đề bảo vệ môi trường, sáng - xanh - sạch - đẹp. Đồng chí rất vui mừng ngày càng có nhiều cán bộ nữ của huyện được trưởng thành. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay số lượng cán bộ nữ chủ chốt đã tăng 30%. Đồng thời chúc đoàn Hội LHPN Viêng Chăn gặt hái được nhiều kết quả trong đợt học tập và thực tế tại Hà Nội.