Luật Đất đai (sửa đổi) coi trọng quyền và lợi ích của Nhân dân trong lĩnh vực đất đai

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đến ngày 28/2/2023, đã có 19 Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện tổ chức hội nghị với 175 ý kiến góp ý trực tiếp và 152 ý kiến góp ý bằng văn bản; 521 Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã tổ chức hội nghị với hơn 2.000 ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chiều 28/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố chủ trì hội nghị. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết: Luật Đất đai hiện hành được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 29/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung.

Luật Đất đai (sửa đổi) coi trọng quyền và lợi ích của Nhân dân trong lĩnh vực đất đai - ảnh 1
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Sau gần 10 năm tổ chức thi hành, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai…Tuy nhiên, đến nay, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững…

 Những vấn đề nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 Góp ý tại Hội nghị, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, đất đai là tài nguyên đặc biệt của Quốc hội, là nguồn lực to lớn trong phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội và tác động lớn trong đời sống Nhân dân. Hội nghị lấy ý kiến của MTTQ thành phố lần này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là tập hợp ý kiến mà còn là chọn lọc và đề cập đồng bộ các nội dung mà Trung ương đã xác định trong Nghị quyết 18-NQ/TW để nâng cao chất lượng của Luật xứng tầm với Luật đất đai trong hệ thống Luật hiện hành.

 Còn theo TS Lê Văn Hoạt, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, có nội dung khá toàn diện, bao quát, có nhiều điểm mới có tính chất đột phá. Ví dụ, những điểm mới trong xác định giá đất, cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, đảm bảo công khai, minh bạch. Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang… Tuy nhiên, đồng chí cho rằng cần rà soát kỹ hơn, cụ thể hơn, đảm bảo sự thống nhất hơn giữa giữa các nội dung trong bản thân Luật này và các Luật khác có liên quan để đảm bảo tính khả thi của Luật. Đây là vấn đề rất rộng, rất phức tạp và rất quan trọng, có phạm vi và mức độ ảnh hưởng rất lớn nên cần được rà soát thật kỹ, xem xét một cách cẩn trọng.

Luật Đất đai (sửa đổi) coi trọng quyền và lợi ích của Nhân dân trong lĩnh vực đất đai - ảnh 2
TS Bùi Thị An - Phó Chủ nhiệm hội đồng tư vấn về Kinh tế, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội nêu ý kiến 

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định Dự thảo, Luật Đất đai nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia. Do đó, bà Bích Hảo đề nghị, việc quy định đất phải có định kỳ, có thời gian rà soát cụ thể. Việc điều chỉnh quy hoạch phải thống nhất, tối thiểu là 5 năm; đồng thời, cần có những quy định chặt chẽ hơn về việc điều chỉnh quy hoạch để hạn chế tình trạng tự do, tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch mà nhiều đô thị, trong đó, có Hà Nội đã phải trả giá.

Bên cạnh đó, cần công bố công khai các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau khi phê duyệt; tuyên truyền đến Nhân dân và lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân. Do vậy, để đảm bảo chặt chẽ và thận trọng nên quy định có một khoảng thời gian kể từ khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt mới được tiến hành ra quyết định thu hồi đất.

 Còn bà Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cũng đồng tình đây là một bộ Luật khó, phức tạp nhưng vô cùng quan trọng, có lẽ chỉ sau Hiến pháp vì liên quan đến mọi người dân và cũng có đến 90% các bức xúc, khiếu kiện, tranh chấp của người dân trong thời gian qua có nguồn gốc từ đất đai. Chính vì vậy, Quốc hội có chủ trương lấy ý kiến rộng rãi của người dân là rất đúng, cần thiết để khắc phục  những khiếm khuyết, bất cập của Luật Đất đai 2013, bởi theo bà, khi làm chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của đa số người dân. Muốn lấy được nhiều ý kiến người dân thì phải có phương pháp thu thập, lắng nghe ý kiến nhân dân, kể cả những người nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh để nắm bắt bắt được các yêu cầu cụ thể.

 Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết đã có 20 ý kiến bằng văn bản gửi tới Hội nghị và 9 ý kiến phát biểu trực tiếp. Qua đó cho thấy Luật Đất đai (sửa đổi) đã rất coi trọng quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân trong lĩnh vực đất đai. Luật có phạm vi rộng, quan trọng, bao quát các lĩnh vực. Các đại biểu cũng ghi nhận những điểm mới trong Luật Đất đai (sửa đổi).

Trân trọng cảm ơn những ý kiến của các đại biểu, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm đối với công việc lớn của đất nước, đồng chí cho biết những ý kiến tâm huyết, khoa học của các đại biểu sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổng hợp, chắt lọc để gửi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan soạn thảo, đảm bảo tiến độ thời gian và chất lượng.

Tin cùng chuyên mục

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.