Luật Thủ đô (sửa đổi) khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Thủ đô hiện hành

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo dự kiến, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2023 với mục tiêu khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Thủ đô hiện hành; tăng tính chủ động, tự chủ và xây dựng hệ thống chính trị của Hà Nội thực sự tinh gọn, hiệu quả. Sau đó, sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Thủ đô, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã tiến hành đồng thời tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ cao hơn trước, bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia. Đặc biệt là phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật Thủ đô có nhiều quy định mang tính đột phá để tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển Vùng Thủ đô.

Theo Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến: Chúng ta hướng tới sửa đổi Luật Thủ đô lần này vì 2 lí do. Thứ nhất, vào năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 3 nghị quyết về phát triển Thủ đô và liên quan đến phát triển Thủ đô. Đó là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Nghị quyết 15 xác định mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại và trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới; phấn đấu phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Vào ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TƯ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Nghị quyết 06 đã xác định là xây dựng, tổ chức thực hiện đầy đủ, đồng bộ các thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành Thủ đô thông minh, hiện đại, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa trong liên kết vùng, đô thị trong cả nước.

Ngày 23/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Nghị quyết 30 cũng xác định là phải hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá, xây dựng thể chế để liên kết vùng đủ mạnh, đảm bảo hiệu quả điều phối và liên kết phát triển vùng.

Lý do thứ hai, đó là trong 10 năm thực hiện Luật Thủ đô năm 2012, chúng ta đã thu được rất nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế, văn hóa, giáo dục, trật tự đô thị, trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh... Tuy nhiên, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp quy định đề ra trong luật còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý quy hoạch chung, quản lý quy hoạch chuyên ngành, rồi quản lý không gian, nhất là không gian ngầm, quản lý công trình kiến trúc cổ, bảo toàn phát triển văn hóa, rồi quy hoạch, xây dựng nhà ở, vấn đề về quản lý dân số, quản lý sử dụng đất, rồi chính sách an sinh xã hội... vẫn còn những tồn tại khi triển khai thực hiện các chính sách này.

Chính vì hai lý do đó mà chúng ta phải sửa đổi Luật Thủ đô để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô theo Nghị quyết 15, Nghị quyết 06 và Nghị quyết 30 nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô năm 2012. Mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, đó là phải xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội, đột phá, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển

 Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự thảo Luật lần này đã được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc đánh giá các kết quả thực hiện Luật Thủ đô năm 2012 và đã xác định rõ bối cảnh, vị trí, vai trò, yêu cầu phát triển thủ đô trong tình hình mới. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung, xem xét, cập nhật tính đồng bộ, tính phù hợp với các luật như đất đai, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa.

Dự thảo Luật sửa đổi có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển của đất nước nói chung và thủ đô trong thời gian tới nói riêng. Dự thảo Luật Thủ đô lần này đã cụ thể hóa khá đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều điểm mới thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…

Góp ý về vấn đề khoa học, công nghệ của thủ đô, chủ yếu tập trung vào Điều 25 của dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị khuyến khích và tạo thuận lợi hơn cho các nhà khoa học thì cần sửa đổi, bổ sung và khoán các gói sản phẩm trung gian của đề tài. Sửa đổi Khoản 4, Điều 25 theo hướng giao UBND TP. Hà Nội xây dựng một chương trình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng trọng tâm, trọng điểm có tính liên ngành, liên tục, giải quyết triệt để một số vấn đề hay lĩnh vực quan trọng nào đó mà thành phố cần gắn với sản phẩm cuối cùng mang thương hiệu của Thành phố.

Đồng thời nên bổ sung Điều 25 quy định thành phố có quỹ hỗ trợ kinh phí sáng tạo, có chế độ lượng thưởng đặc biệt cho chuyên gia các lĩnh vực khoa học công nghệ quan trọng của thành phố, giao các trường đại học trên địa bàn Hà Nội tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo, nuôi dưỡng đội ngũ chuyên gia cho thành phố.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phường Xuân La (Tây Hồ) đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”

Phường Xuân La (Tây Hồ) đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”

(PNTĐ) - Chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Xuân La (23/11/1964 – 23/11/2024), ngày 23/11, phường Xuân La (quận Tây Hồ) đã long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”. Đây là phường đầu tiên của quận Tây Hồ về đích “Phường đạt chuẩn Đô thị văn minh”.