Lương hưu - Nguồn thu nhập ổn định cho người lao động khi về già
(PNTĐ) Quá trình tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động (NLĐ) là khoản tích lũy quý giá khi còn trẻ để về già có lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí (được thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh (KCB). NLĐ sẽ được hưởng lương hưu cao hơn khi đóng BHXH với mức cao và tích lũy thời gian đóng dài. Chưa kể, lương hưu còn luôn được Nhà nước quan tâm, điều chỉnh phù hợp để đảm bảo cuộc sống cho người nghỉ hưu.
Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2022, cả nước đã giải quyết gần 763 nghìn người hưởng lương hưu, trong đó, có khoảng 420 nghìn người đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (chiếm 55,2% số người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí).
Hiện nay, ngành BHXH Việt Nam đang thực hiện chi trả lương hưu cho khoảng 2,7 triệu người, phần lớn có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhiều trường hợp được hưởng mức lương hưu cao do trong quá trình tham gia BHXH có mức tiền lương và thu nhập làm căn cứ đóng BHXH cao.
Hiện người đang được hưởng lương hưu cao nhất cả nước là hơn 120 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức hưởng lương hưu tỉ lệ thuận với mức đóng, thời gian đóng BHXH, có nghĩa là mức đóng càng cao, thời gian đóng càng dài thì lương hưu cũng sẽ càng cao.
Ngoài lương hưu hằng tháng, NLĐ còn được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do quỹ BHYT chi trả với mức hưởng 95%.

Bên cạnh đó, mức hưởng lương hưu còn định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Từ năm 2016 đến năm 2022, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. Gần đây nhất, dù kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 01/01/2022.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách pháp luật BHXH, BHYT cũng ngày càng được hoàn thiện, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia nói chung và người nghỉ hưu nói riêng. Hiện nay, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như: Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện…
Như vậy, có thể khẳng định, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm và kịp thời ban hành các chính sách phù hợp nhằm đảm bảo cuộc sống cho người hưởng lương hưu. Do đó, NLĐ hoàn toàn yên tâm tham gia, tích lũy thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện được hưởng chế độ hưu trí - “điểm tựa” an sinh vững chắc cho NLĐ khi về già.