Mô hình kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của phụ nữ qua hệ thống tổ chức Hội LHPN Hà Nội
Theo đánh giá tác động vào thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện nay, phụ nữ chiếm trên 78,5% trong lực lượng tiêu dùng xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực tiêu dùng huyện, thị xã với mạng lưới gần 6.000 chi hội phụ nữ ở các khu dân cư, tập hợp gần 900.000 hội viên phụ nữ. Đây là lực lượng người tiêu dùng vô cùng lớn và chính là cơ hội tiềm năng cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh đặc biệt là phụ nữ mới khởi nghiệp.
Xác định được nhu cầu và cơ hội kết nối, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đã báo cáo với Hội LHPN Hà Nội và triển khai thực hiện mô hình Kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của phụ nữ qua hệ thống tổ chức Hội. Mục đích của mô hình là tạo mạng lưới kết nối tiêu dùng trong lực lượng cán bộ, hội viên, nhằm giúp cho phụ nữ và người tiêu dùng nói chung tiếp cận sản phẩm an toàn, đồng thời hỗ trợ cho phụ nữ sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng. Xây dựng mạng lưới kết nối tiêu thụ sản phẩm tới hội viên phụ nữ và người tiêu dùng thông qua hệ thống Hội LHPN từ thành phố tới các khu dân cư, các tổ chức, đơn vị đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực tế và hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, doanh nhân nữ Thủ đô đưa sản phẩm, dịch vụ tới tận tay người tiêu dùng, hạt nhân là phụ nữ.
Nguyên tắc chia sẻ cung ứng sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ, có sự thẩm định của cơ quan chức năng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng; giảm bớt các khâu trung gian đảm bảo người sản xuất không bị ép giá, người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm với giá ưu đãi thấp hơn giá thị trường, hỗ trợ một phần cho chi phí vận chuyển, giao dịch của người trực tiếp điều phối hàng hóa theo cơ chế thị trường. Đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống tổ chức của Hội LHPN gắn với vận động phụ nữ và cộng đồng đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và phát triển các dịch vụ trải nghiệm thực tế tôn vinh sản phẩm, dịch vụ hàng Việt Nam.
Qua hơn 3 năm thực hiện, Hội LHPN Hà Nội đã thành lập văn phòng tư vấn, điểm kết nối tiêu thụ sản phẩm tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, kết nối với Doanh nghiệp do nữ làm chủ xây dựng 135 điểm tiêu thụ thực phẩm an toàn tại gia đình hội viên ở các khu dân cư. Phối hợp các Sở, ngành tổ chức 54 hội chợ, phiên chợ thực tế tại các địa bàn dân cư. Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ
nữ Hà Nội đã chủ động phối hợp các chuyên gia công nghệ triển khai các hình thức kết nối quacông nghệ thông tin, tổ chức hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp Livestream quảng bá sản phẩm qua các kênh truyền thông Fanpage, trang thông tin điện tử của Hội LHPN Hà Nội, Báo Phụ nữ Thủ đô và Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội. Các hoạt động đã tạo cơ hội hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh do nữ làm chủ đổi mới phương thức bán hàng, tìm cơ hội mới để duy trì và đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, toàn thành phố có 21 nhóm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống Hội với 152 thành viên. Mạng lưới kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống tổ chức Hội đã phát huy hiệu quả, với các hình thức năng động, giao hàng tới tận khu dân cư, từng gia đình hội viên, hạn chế các điểm tụ tập đông người đã hỗ trợ tiêu thụ 1.530 tấn nông sản, thực phẩm của nông dân các vùng miền đến vụ thu hoạch bị tồn đọng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và đảm bảo an toàn phòng dịch mang lại lợi ích kinh tế nhiều tỷ đồng, hỗ trợ nông dân giảm bớt khó khăn.
Mô hình Kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của phụ nữ qua hệ thống tổ chức Hội LHPN Hà Nội đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ khởi nghiệp và khẳng định sức mạnh đoàn kết của hệ thống tổ chức mang lại những giá trị kinh tế thiết thực và thể hiện tính nhân văn trong hỗ trợ cộng đồng, mô hình đang tiếp tục nhân rộng tại các tỉnh, thành trên địa bàn cả nước.
TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN PHỤ NỮ
HỘI LHPN HÀ NỘI