Một tháng triển khai Nghị quyết 68: Tháo gỡ kịp thời khó khăn, nhiều địa phương có cách làm sáng tạo
Sau 1 tháng triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Bộ LĐTB&XH đã nhận diện một số khó khăn, vướng mắc và có giải pháp cụ thể để giải quyết. Bộ cũng đang đôn đốc các địa phương để hoàn thiện việc chi trả hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động trong tháng 8.
Tăng giải quyết trực tuyến, xác định nhóm đối tượng tuyên truyền
- Sau 1 tháng triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, 12 chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động đã đạt được những kết quả nổi bật gì? Chính sách hỗ trợ nào đang triển khai hiệu quả nhất, chính sách nào gặp khó khăn nhất, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh trả lời phỏng vấn.
- Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Ngay sau khi Nghị quyết 68 và Quyết định 23 được ban hành, Bộ đã tổ chức họp trực tuyến triển khai đến tất cả các địa phương trên toàn quốc. Sau 1 tháng triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã đạt được kết quả bước đầu: 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai.
Về tiến độ chi trả, 12 chính sách được chia làm 3 nhóm, trong đó: Chính sách về bảo hiểm đã hỗ trợ cho hơn 12 triệu lao động với số tiền khoảng 4.400 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ tiền mặt đã hỗ trợ cho hơn 1 triệu lao động với số tiền là trên 1.300 tỷ đồng; Chính sách cho vay trả lương và phục hồi sản xuất đã hỗ trợ cho hơn 42.000 lao động với số tiền là trên 170 tỷ đồng.
Tổng số lao động đã được hỗ trợ đến thời điểm hiện tại là trên 13 triệu lượt người với tổng số tiền là gần 6.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của chúng tôi, chính sách đang triển khai đạt hiệu quả nhất đó là chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho khoảng 375.000 đơn vị sử dụng lao động với gần 11 triệu người được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022. Trên cơ sở đăng ký đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm của người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát toàn hệ thống và tự động giảm mức đóng bằng 0% cho người sử dụng lao động. Do đó, về cơ bản đã hoàn thành chính sách này.
Chính sách đang gặp khó khăn nhất đó là chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động do chính sách này cần tập trung lao động để đào tạo, hướng dẫn thực hành trực tiếp nhưng nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách nên không thể tiến hành tập trung đào tạo. Mặt khác, chính sách này cần có thời gian để người sử dụng lao động xây dựng phương án và thực hiện đào tạo cho người lao động.
Chúng tôi đang đôn đốc những địa phương không có dịch COVID-19, không phải giãn cách xã hội xúc tiến triển khai, căn cứ theo thực tiễn địa phương để có hình thức đào tạo phù hợp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19.
- Xin Thứ trưởng cho biết những vướng mắc, khó khăn khi triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23? Nguyên nhân vì sao và giải pháp khắc phục những vướng mắc này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã giảm 2/3 thời gian, cắt giảm 2/3 thủ tục so với Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020, có nghĩa là thủ tục rất đơn giản, gọn nhẹ, thời gian rất nhanh chóng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua cũng gặp một số khó khăn. Thứ nhất là do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc làm thủ tục hồ sơ khá khó khăn, người lao động cũng không đi lại được để hoàn thiện thủ tục, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Bên cạnh đó, người lao động và người sử dụng lao động cũng hiểu về các chính sách chưa thật sâu, thật cặn kẽ, vì vậy, chưa thực sự tích cực gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương.
Mặt khác, cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau, hiểu chưa đầy đủ về chính sách, do đó, chưa linh hoạt trong việc xử lý. Một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm.
Sau khi nhận diện các khó khăn, Bộ LĐTB&XH đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa, cần xác định rõ đối nhóm đối tượng mà thông tin tuyên truyền hướng đến, tìm hiểu kỹ về mối quan tâm và mức độ quan tâm của mỗi nhóm đối tượng đến chính sách. Từ đó xây dựng một hệ thống thông tin tuyên truyền dễ hiểu, tránh những thông tin mang tính chất quá hàn lâm, gây nhàm chán, giúp người dân và các cơ quan chức năng của địa phương hiểu sâu sắc, kỹ lưỡng hơn về Nghị quyết 68 và Quyết định 23.
Bên cạnh đó, tăng cường giải đáp trực tuyến qua Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng TTĐT của Bộ và của các địa phương. Đồng thời, triển khai các hình thức đăng ký trực tuyến như đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động và người sử dụng lao động sớm tiếp cận và được thụ hưởng chính sách; chủ động rà soát đối tượng; nắm bắt đời sống của người dân, người lao động.
Ngoài ra, chúng tôi đang soạn bộ “Hỏi - Đáp”, tập hợp tất cả những khó khăn, vướng mắc sau quá trình triển khai thực tế. Bộ “Hỏi-Đáp” được xây dựng một cách kỹ lưỡng và được cập nhật thường xuyên, giúp giải đáp thắc mắc để người lao động, người sử dụng lao động, địa phương chủ động giải quyết, tháo gỡ khó khăn.
Dự kiến hoàn thành hỗ trợ trong tháng 8
- Những địa phương nào đang triển khai tốt và có những mô hình sáng tạo, phù hợp, giúp công tác hỗ trợ nhanh chóng, thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động, thưa Thứ trưởng?
- Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Qua quá trình triển khai, đặc biệt là trong giai đoạn nhiều địa phương giãn cách xã hội, chúng tôi nhận thấy, nhiều địa phương đã có cách làm hay, triển khai rất tốt các chính sách theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23. TPHCM là địa phương giãn cách sớm, thời gian giãn cách rất dài nhưng đã tiến hành hỗ trợ cho người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù rất nhanh. Đến nay, TPHCM đã phê duyệt hỗ trợ lần 2 cho 3 nhóm đối tượng, gồm lao động tự do, hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn với kinh phí khoảng 800 tỷ đồng. TPHCM cũng đã có cách làm linh hoạt là phân cấp về từng địa bàn, đưa tiền đến tận nơi cho người lao động. Tỉnh Bình Dương hỗ trợ tiền nhà trọ cho 700.000 người lao động với tổng số tiền 210 tỷ đồng. Nhiều địa phương hỗ trợ cho đối tượng đặc thù là lao động mang thai, nuôi con nhỏ. Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Bạc Liêu, Hòa Bình, Bình Định… đều có các mô hình hay.
Nhiều địa phương đã rất chủ động và có những mô hình sáng tạo triển khai hỗ trợ cho người lao động, nhất là các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tôi có thể lấy ví dụ cụ thể như: TPHCM sử dụng Tổ COVID-19 cộng đồng để làm thủ tục và hỗ trợ tiền đến tận tay người lao động tự do. Hay tại tỉnh Ninh Thuận, để thúc đẩy tiến độ thực hiện và đưa chính sách đến tay người thụ hưởng, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp lập Tổ công tác đặc biệt đi xuống từng nhà dân, hỗ trợ người dân và trực tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng chính sách từ tay người dân.
Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo để tiền chi trả hỗ trợ đến tay người lao động nhanh chóng và thuận lợi nhất. Ảnh minh họa
Nhiều địa phương đã chủ động trong việc hỗ trợ đối với lao động tự do tại địa phương mình như: Lựa chọn ngành nghề để hỗ trợ phù hợp với địa phương; không quy định bắt buộc về điều kiện cư trú đối với lao động tự do (chỉ cần xác nhận tạm trú của cơ quan công an nơi người lao động đang tạm trú là được)…
- Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Có thể nói là các thủ tục để triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã được đơn giản hóa rất nhiều, thông thoáng hết mức có thể: Giảm tối đa yêu cầu về thủ tục, hồ sơ, rút ngắn thời gian phê duyệt (giảm 2/3 thủ tục và rút ngắn 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42 trước đây). Có những chính sách không cần yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ bởi trên cơ sở dữ liệu sẵn có. Những thủ tục nào thật cần thiết, trong quy định của luật mới cần bắt buộc tuân thủ.
Tôi cho rằng, để phát huy hiệu quả gói hỗ trợ này và không để xảy ra trường hợp trục lợi chính sách, điều kiện tiên quyết là nâng cao tính trách nhiệm, tính tự giác của người lao động, người sử dụng lao động và địa phương trong quá trình triển khai. Đồng thời, cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt và ngay từ đầu của toàn bộ hệ thống chính trị, từ các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội và sự tham gia của cộng đồng dân cư. Sự vào cuộc này sẽ giữ vai trò rất quan trọng đảm bảo việc thực thi chính sách công khai, dân chủ, minh bạch, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động.
Tôi tin tưởng rằng, việc trục lợi sẽ hạn chế và xảy ra rất ít. Nếu phát hiện các hành vi trục lợi, cơ quan chức năng sẽ xử lý thật nghiêm khắc.
- Nhiều địa phương đã cam kết sẽ hoàn thành hỗ trợ trong tháng 7 nhưng thực tế hiện nay một số địa phương đang triển khai chi trả chậm. Bộ sẽ đốc thúc địa phương như thế nào để những chính sách hỗ trợ nhanh chóng đến được với người thụ hưởng, thưa Thứ trưởng?
- Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khi Nghị quyết, Quyết định được ban hành, chúng ta đã phổ biến, đôn đốc rất quyết liệt, nhiều địa phương cũng mong muốn sẽ hoàn thiện vào 31/7 nhưng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách. Việc giãn cách đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chi trả.
Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH thường xuyên theo dõi, cập nhật và đôn đốc các địa phương triển khai. Có một thực tế chúng tôi nhận thấy là, rất nhiều địa phương ở vùng giãn cách triển khai rất tốt, trong điều kiện khó khăn vẫn chi trả kịp thời, nhanh chóng, các địa phương khác cần học tập.
Trong 1 tháng triển khai Nghị quyết, Bộ cũng đã tổ chức 2 Hội nghị trực tuyến giữa các đơn vị thuộc Bộ với tất cả cán bộ, công chức của 63 Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố và các ngành liên quan. Trên cơ sở đánh giá về tình hình triển khai tại các địa phương, Bộ đã đề nghị các địa phương chậm triển khai kiểm điểm lại trách nhiệm, nơi nào chưa làm tốt thì làm tốt hơn, nơi nào chưa làm sáng tạo thì sáng tạo hơn. Đặc biệt, các địa phương phải có kế hoạch chi tiết và phân công cán bộ phụ trách cho từng đối tượng; chủ động rà soát đối tượng. Cùng với đó, linh hoạt các hình thức tuyên truyền, giải thích để người sử dụng lao động hiểu và triển khai.
Ban chỉ đạo Thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của Bộ cũng đã phân công các Thứ trưởng phục vụ tại các vùng khác nhau trên cả nước, cập nhật số liệu triển khai của các địa phương hàng ngày. Khi nhận thấy địa phương nào làm chậm sẽ đôn đốc ngay. Từ Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND đến các sở ngành đều vào cuộc quyết liệt để tiền hỗ trợ đến tay người dân nhanh nhất. Chúng tôi cố gắng trong tháng 8 sẽ hoàn thiện việc chi trả theo Nghị quyết 68.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(Theo baochinhphu.vn)