Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc

M.NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Do ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa lớn diện rộng, kéo dài từ ngày 7 - 8/9, lũ đã xuất hiện trên địa bàn nhiều tỉnh miền Bắc, nhất là các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Phú Thọ, Bắc Kạn... gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Tại tỉnh Yên Bái, mặc dù không phải là điạ phương bão Yagi đổ bộ trực tiếp nhưng từ đêm 6/9, mưa lớn đã trút xuống địa bàn huyện Trạm Tấu gây ngập nhà dân, thiệt hại đến các công trình công cộng và diện tích nông nghiệp. Tính đến sáng 8/9 trên địa bàn xã có khoảng gần 20 hộ bị thiệt hại nhà do mưa lũ, trong đó, thôn Mảnh Tào nhiều nhà bị ngập tới nóc. Nước sông Hồng dâng cao khiến nhiều tuyến đường ở TP  Yên Bái chìm trong biển nước, từ chiều 8/9. Theo thông tin của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn phường Hồng Hà, mực nước sông Hồng tại Yên Bái ghi nhận lúc 22h ngày 8/9 là 33,16m (trên báo động 3 là 1,16m).

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc - ảnh 1
Nước ngập mệnh mông ở Yên Bái

Tại tỉnh Bắc Giang, từ sáng 8/9, nước sông Lục Nam lên rất nhanh, nhiều nơi tại huyện Sơn Động, Lục Ngạn ngập nặng. Nước lũ đổ về gây ngập lụt và chia cắt nhiều xã như: Phong Vân, Tân Hoa, Biển Động, Đèo Gia, Tân Lập (Lục Ngạn)... Dự báo mực nước lũ trên sông Lục Nam sẽ tiếp tục lên rất nhanh, cao hơn đỉnh lũ năm 2008 (15,75 m). Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Sơn Động có hơn 300 hộ bị ngập nước, nhiều nhà phải rời đi nơi khác để đảm bảo an toàn. 

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc - ảnh 2
Nước đổ về gây ngập lụt và chia cắt nhiều địa phương ở Bắc Giang. Ảnh: Báo Bắc Giang

Tại tỉnh Phú Thọ, theo UBND tỉnh Phú Thọ, ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, tại Ấm Thượng đạt + 27,25 m (trên báo động III 1,25 m). Do nước sông lên cao, chảy xiết, vào khoảng 10h02 ngày 9.9, cầu Phong Châu tại Km18+300 Quốc lộ 32C (kết nối 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông). Đây là cây cầu quan trọng với lưu lượng người và phương tiện giao thông qua lại đông. Cầu Phong Châu được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 28/7/1995. Cầu có chiều dài 375,36m. Cầu nằm trên Quốc lộ 32C nối Thành phố Việt Trì, huyện lâm Thao với các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn và đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La... 

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo huy động các lực lượng chức năng (công an, quân đội, y tế, nhân dân địa phương…) triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp để cứu người, ứng phó, khắc phục sự cố. 

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc - ảnh 3
Một phần cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập 

Ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và thượng nguồn mưa lớn làm nước sông Cầu lên nhanh, vượt báo động 3 gần 100cm là mức rất nguy hiểm, gây ngập nhiều nơi. Tính đến 7 giờ ngày 9-9, có 17 xã, phường của thành phố nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, nhiều khu vực bị cô lập. Trong đó có 81 xóm, tổ dân phố bị ngập. Giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, tỉnh Thái Nguyên khẩn cấp triển khai các biện pháp ứng phó trong đêm 8/9. Lũ trên sông Cầu lên nhanh, dâng cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua, ngập úng nhiều khu dân cư, hàng nghìn ha lúa ven sông, uy hiếp an toàn đê. 

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc - ảnh 4
Khu vực phường Chùa Hang vẫn ngập sâu.
Ảnh: Báo Thái Nguyên

Tại Cao Bằng, đêm 8 đến rạng sáng 9/9, mực nước sông Hiến, sông Bằng ở thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng dâng cao, gây ngập lụt nhiều nhà dân, trường học. Nhiều người dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng đã thức xuyên đêm giúp dân chạy lũ. Theo ghi nhận, hơn 800 gia đình ở ven sông Bằng, sông Hiến ở thành phố Cao Bằng đã bị ngập lụt, đoạn cao đến ngực người trưởng thành. Có 14 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó, có 11 ngôi nhà bị tốc mái; 13ha hoa màu bị ngập úng. Nhiều tuyến đường giao thông trong tỉnh bị sạt lở, tắc nghẽn. 

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc - ảnh 5
Nước sông Bằng gây ngập lụt khu vực TP Cao Bằng
Ảnh: Báo Cao Bằng

Mưa lớn kéo dài khiến mực nước dâng cao nhanh từ trưa 8/9 và chưa có dấu hiệu suy giảm. Theo quan sát, mực nước Sông Bằng tiếp tục dâng cao, cách phố đi bộ Kim Đồng khoảng 3 - 4m. Hiện Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng đối phó và điều động hỗ trợ người dân khi ngập lụt xảy ra. 

Sau hoàn lưu bão số 3, mực nước trên các sông, suối tại tỉnh Bắc Kạn dâng nhanh, nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng hết sức khó khăn do mưa, lũ diễn biến phức tạp. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, từ ngày 07/9 đến 17h chiều ngày 08/9/2024, toàn tỉnh đã có 213 nhà bị tốc mái; có 292,6ha cây nông nghiệp ở tất cả các huyện bị gãy đổ, nước lũ vùi lấp; có 06 chuồng trại tại hai huyện Na Rì, Chợ Mới bị hư hỏng. 

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc - ảnh 6
Nhiều tuyến đường giao thông trong tỉnh bị sạt lở, tắc đường. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Đường giao thông tại tuyến QL3B đất sạt khối lượng khoảng 450m3, một số vị trí đập tràn đường 256, 257b bị ngập nước; sạt lở đất đá khoảng 190.000m3 trên 15 tuyến đường tỉnh lộ; đường giao thông nông thôn bị sạt ta luy dương 29 vị trí với khoảng 1.375m3 đất, đá; 30 công trình thủy lợi bị sạt lở, vùi lấp.Cùng với đó, tình trạng ngập úng cục bộ tiếp tục xảy ra tại một số vùng trũng thấp. 

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc - ảnh 7
Nhà cửa của người dân tại các huyện bị hư hỏng do mưa lớn. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương, sở, ngành tổ chức thống kê, kiểm tra, thăm nắm tình hình thiệt hại, rất có thể con số thiệt hại đến ngày 09/9 còn tăng lên. Trước mắt tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ sẵn sàng hỗ trợ Nhân dân khắc phục hư hỏng về nhà cửa, bố trí địa điểm an toàn cho các hộ dân trong diện di dời, không để hộ dân nào phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, sẵn sàng thuốc men, y tế. Công tác giao thông phải tổ chức phân luồng kịp thời, đảm bảo thông đường bước 1 đối với các vị trí bị sạt lở.

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Hà Nội - Bản hùng ca phố”

Hà Nội tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Hà Nội - Bản hùng ca phố”

(PNTĐ) - Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Hà Nội - Bản hùng ca phố” được tổ chức tại khu Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội (19C Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 20h10 ngày 10/10/2024 với 3 chương với nội dung về trận địa trong thành phố; 9 năm lòng vẫn hướng về Thủ đô; Bài ca Hà Nội.
Đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội dâng hương, tưởng niệm cố Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng

Đoàn đại biểu Thành phố Hà Nội dâng hương, tưởng niệm cố Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng

(PNTĐ) - Sáng 7/10, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh làm Trưởng đoàn đã dâng hương tưởng niệm cố Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng tại Nhà lưu niệm đồng chí Trần Duy Hưng (quận Nam Từ Liêm).
Agribank ủng hộ 100 tỷ đồng hưởng ứng đợt thi đua cao điểm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước

Agribank ủng hộ 100 tỷ đồng hưởng ứng đợt thi đua cao điểm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước

(PNTĐ) - Ngày 05/10/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”. Tại chương trình, Agribank ủng hộ kinh phí 100 tỷ đồng, với mong muốn chung tay cùng hệ thống chính trị hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đợt thi đua cao điểm từ nay đến hết năm 2025.