Năm 2022, Hà Nội đã thực hiện vượt chỉ tiêu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
(PNTĐ) -Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, kết thúc năm 2022, Hà Nội đã thực hiện vượt chỉ tiêu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đề ra.
Cụ thể, theo kế hoạch, năm 2022 Hà Nội phấn đấu có 400 sản phẩm đạt OCOP. Tuy nhiên, qua ghi nhận của Hội đồng OCOP thành phố, đến hết năm 2022, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng lần 1 được 518 sản phẩm thuộc 26 quận, huyện, thị xã. Trong đó có 491 sản phẩm mới, 27 sản phẩm đánh giá lại do chuẩn bị hết thời hạn 36 tháng theo quy định.
Để hỗ trợ các chủ thể OCOP trong tiêu thụ sản phẩm, thành phố đã quan tâm tổ chức các sự kiện hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại...
Đến nay, Hà Nội đã tổ chức được 5 tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của thành phố; tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với quảng bá văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, các tỉnh Nam Bộ...

Hà Nội cũng lựa chọn các sản phẩm OCOP tham gia chương trình Hội chợ "Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022"; Chương trình Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La... Thành phố đã tăng cường liên kết “5 nhà”: Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà truyền thông trong phát triển sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững đặc sản, sản phẩm truyền thống của Thủ đô, đặc biệt là sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn...
Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Hà Nội năm 2023.
Kế hoạch nêu rõ, trong năm 2023, Thành phố sẽ thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đề ra của Chương trình OCOP đến năm 2025 của Thành phố và Trung ương; tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp Thành phố theo đúng quy định, phấn đấu có khoảng 400 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên và 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia. Đồng thời, phát triển tối thiểu 30 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; triển khai tối thiểu 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
Để hoàn thành tốt các mục tiêu này, UBND Thành phố triển khai một số nội dung trọng tâm. Đáng chú ý, trong công tác phát triển, nâng cấp sản phẩm OCOP, Thành phố sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm mới (sản phẩm từ ý tưởng), sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống và kinh nghiệm sản xuất của địa phương; thúc đẩy, khuyến khích các phong trào phụ nữ, thanh niên, trí thức trẻ, các chủ thể đã có sản phẩm tích cực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới đặc thù gắn với địa phương tham gia chương trình OCOP.
Cùng với đó, triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với Chương trình OCOP Thành phố.
Thành phố cũng hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn; phân tích chất lượng sản phẩm (nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược), tham gia liên chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng sản phẩm OCOP làm quà tặng để giới thiệu với khách hàng trong nước, quốc tế và bán tại các điểm du lịch.