Năm 2022, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 7 - 7.5%

Chia sẻ

Diễn ra từ ngày 7-10/12/2021, kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã quyết nghị thông qua 22 báo cáo và 20 nghị quyết, trong đó có 12 nghị quyết chuyên đề liên quan tới các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội (KTXH) năm 2022 và nhiều cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển Thủ đô trong những năm tiếp theo.

Thông qua 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Kỳ họp thường kỳ cuối năm của HĐND TP được tổ chức khi TP Hà Nội và cả nước đang chuẩn bị bước qua một năm nhiều khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19 để chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch để phục hồi và phát triển KTXH. Tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP đã dành nhiều thời gian thảo luận để các đại biểu đánh giá những kết quả đã đạt được, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp khắc phục khả thi, phù hợp với thực tiễn của TP; đặc biệt, trong những tháng cuối năm, kinh tế TP Hà Nội đã có tín hiệu khả quan, lấy được đà tăng trưởng. Đây là nội dung, nhiệm vụ rất quan trọng bởi với vị trí, vai trò của Thủ đô, tăng trưởng và phát triển KTXH của Hà Nội có tác động tích cực tới chỉ tiêu tăng trưởng của toàn quốc.

Trên cơ sở đó, HĐND TP đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 với 22 chỉ tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu quan trọng: Tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh, trật tự an toàn xã hội… Đáng chú ý, một số chỉ tiêu quan trọng: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7,0-7,5%; GRDP bình quân đầu người: 139-141 triệu đồng/người, tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội: 10%, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 5,0%; chỉ số giá tiêu dùng: dưới 4%, duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới: 20%...

Thành phố cũng đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện 22 chỉ tiêu trên. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng, TP tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, TP triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH giai đoạn 2022-2023 của Chính phủ tập trung vào 5 nhóm chính sách: Y tế và phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu đầu tư công và quản lý điều hành. Trong đó, UBND TP đã báo cáo HĐND TP gói đầu tư 1.000 tỷ đồng để tăng cường cho y tế cơ sở.

Làm rõ thêm về nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2022, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, TP sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; không để cản trở, ách tắc cục bộ trong vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa… Theo tinh thần này, với những vấn đề dân sinh bức xúc, UBND TP khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo cùng với việc tổ chức kế hoạch thanh tra, kỷ luật, kỷ cương gắn cá thể hóa trách nhiệm đối với 6 nhóm vấn đề: Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai và khai thác khoáng sản, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 và tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch những năm tiếp theo.

TP cũng tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ lớn, mang tính định hướng dài hạn phát triển Thủ đô, như hoàn thiện quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả thí điểm mô hình chính quyền đô thị; chỉ đạo triển khai thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; hoàn thành việc điều chuyển khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP quản lý và kêu gọi đầu tư tạo động lực phát triển; triển khai Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa...

UBND TP tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ trách nhiệm; bảo đảm tập trung, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả; các quyết định, chính sách được công khai, minh bạch trong tất cả các khâu, các nội dung, từ khi ban hành đến tổ chức thực hiện.

Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khoá XVI đã hoàn thành chương trình đề ra, thông qua nhiều nội dung quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô.Kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khoá XVI đã hoàn thành chương trình đề ra, thông qua nhiều nội dung quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô. (Ảnh: Hải Lê)

Chuẩn bị cách thức vận hành, quản trị xã hội trong tình hình mới

Về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, TP đã xác định 11 nhiệm vụ, giải pháp; đặc biệt chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong.

Từ đó, TP chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là biến thể do chủng mới Omicron gây ra, sẵn sàng các phương án, kịch bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ với phương châm “4 tại chỗ”; điều chỉnh thời gian thực hiện cách ly tập trung các F1 còn 14 ngày; thực hiện tốt công tác quản lý cách ly các trường hợp F1, F0 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.

TP sẽ huy động tối đa nguồn lực từ các cơ sở y tế TƯ, ngoài công lập; thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dưới 18 tuổi; xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm an toàn để sớm tổ chức cho các cháu học sinh cấp THPT, THCS tại các quận/huyện/thị xã đi học trở lại. Tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, bố trí trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị, ôxy để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, công tác phòng, chống dịch trong mọi tình huống.

Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong chủ động tổ chức phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống; kiên quyết kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: TP chuẩn bị cách thức vận hành, quản trị xã hội trong tình hình mới. Đây là cơ hội, là yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số. Từ chỉ đạo của trung ương, Thành ủy, TP đã có chủ trương quyết sách rất quan trọng về việc này. Thời gian qua, trong phòng chống dịch, Hà Nội đã phối hợp với hầu hết các bộ ngành trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Hà Nội cũng đi trước một bước để thống nhất dùng một phần mềm duy nhất trong quản lý phòng chống dịch. Năm 2022, Hà Nội sẽ tập trung cụ thể hóa 3 trụ cột: Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số với những chỉ tiêu cụ thể từ quý I/2022.

Nghiêm túc thực hiện cam kết, đưa nghị quyết vào thực tiễn

Trong 3,5 ngày làm việc, HĐND TP còn thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết chuyên đề quan trọng liên quan đến chủ trương chính sách lớn, làm cơ sở trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên năm 2022 và các năm tiếp theo của TP.

Cụ thể, thông qua danh mục 2.497 dự án thu hồi đất và 717 công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2022; đặt tên mới cho 38 đường, phố tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm; các chính sách đặc thù về y tế, giáo dục, tài chính hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững; mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn TP; giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 (chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế; thông qua tổng số biên chế công chức của Thủ đô, trong đó bổ sung 2.625 biên chế công chức tại các phường theo mô hình thí điểm chính quyền đô thị; thông qua 12 mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND TP với tổng mức chi dự kiến hơn 775 tỷ đồng/năm; thông qua chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí 1.864.407 triệu đồng…

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 3, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND TP, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động tổ chức triển khai, đảm bảo các nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực. Đánh giá hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã chọn đúng và trúng hai nhóm vấn đề quan trọng, thiết thực, phù hợp thực tiễn TP, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân; nhiều đồng chí lãnh đạo trả lời chất vấn đã cam kết các mốc thời gian cụ thể để hoàn thành công việc, khởi công và kết thúc.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: “Sau kỳ họp, đề nghị UBND TP, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc thực hiện những lời hứa, cam kết trước HĐND và cử tri; sớm trả lời chất vấn bằng văn bản đối với 27 đại biểu đã đăng ký chất vấn mà chưa được trả lời, làm cơ sở để HĐND TP theo dõi, giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân Thủ đô”.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.