Nâng cao sức khỏe và bình đẳng giới, hòa nhập xã hội cho các hộ nghèo và dễ bị tổn thương tại Việt Nam

Chia sẻ

Sáng ngày 21/12, trong khuôn khổ dự án “Cải thiện Vệ sinh và Nước sạch dựa trên kết quả do Phụ nữ làm chủ - WOBA”, tổ chức Đông Tây Hội Ngộ đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết năm 2021 dự án WOBA và tập huấn nâng cao năng lực cho đối tác các tỉnh tại Việt Nam.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với các đầu cầu Đà Nẵng, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Bến Tre.

Các đại biểu tham gia hội nghị bằng hình thức trực tuyến tại các tỉnh thànhCác đại biểu tham gia hội nghị bằng hình thức trực tuyến tại các tỉnh thành

Tham dự sự kiện có khoảng 60 đại biểu, cấp TW: Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại diện Cục quản lý môi trường y tế - Bộ y tế, Trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ cấp nước và vệ sinh, Các điểm cầu tại các tỉnh: Ủy Ban Nhân Dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm Nước sạch và VSMTNT, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Bến Tre và các đơn vị đối tác liên quan.

Đồng chí Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Gia đình xã hội Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội nghịĐồng chí Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Gia đình xã hội Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị đồng chí Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Gia đình xã hội Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết: Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho người dân, tuy nhiên chất lượng/điều kiện vệ sinh ở các hộ gia đình vẫn đang là vấn đề quan tâm đặc biệt; vẫn còn 20 triệu người dân ở khu vực nông thôn đang sử dụng các nhà vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn, điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Hàng năm tại Việt Nam có khoảng 20 nghìn ca tử vong do điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Vệ sinh môi trường yếu kém có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng gần 800 triệu USD do tình trạng vệ sinh kém gây nên. Hiện nay chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung chỉ đạo đầu tư cho vệ sinh để đảm bảo quyền tiếp cận vệ sinh cho mọi người, đảm bảo môi trường sống bền vững, nâng cao sức khỏe cho nhân dân và cho thế hệ tương lai.

Gần 20 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan, đối tác trong nước, tổ chức quốc tế trong đó có tổ chức Đông Tây hội ngộ, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu quốc gia về vệ sinh và nước sạch giúp hàng triệu hộ gia đình phụ nữ cải thiện đời sống, cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó có sự đóng góp quan trọng của dự án Choba “Cải thiện vệ sinh cộng đồng dựa trên kết quả đầu ra”.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu của đề án đều đạt và vượt, Cụ thể: 200.000 hộ gia đình làm nhà tiêu hợp vệ sinh (trong đó 130.000 gia đình phụ nữ nghèo/cận nghèo và 70.000 hộ gia đình phụ nữ không nghèo); 5.000 tuyên truyền viên có kiến thức, kỹ năng truyền thông về vệ sinh môi trường, làm nhà tiêu hợp vệ sinh; Huy động hơn 400 tỷ đồng nguồn vốn vay; 131 xã tăng tỷ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh trên 30% trở lên... thể hiện sự tập trung chỉ đạo và quyết tâm chính trị cao của Hội LHPN Việt Nam.

Dự án thí điểm “Hỗ trợ phụ nữ nghèo xây nhà vệ sinh và rửa tay với xà phòng” tại 3 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long làm cơ sở cho việc mở rộng quy mô và áp dụng mô hình vận động hộ gia đình phụ nữ nghèo làm nhà tiêu hợp vệ sinh dựa trên kết quả tại 10 tỉnh (Choba 1); mô hình vận động phụ nữ xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh dựa trên kết quả theo phương thức xã hội hóa (Choba 2) đến mở rộng nội dung, nâng tầm của dự án (giai đoạn 3 phát triển thêm mục tiêu Cải thiện điều kiện nước sạch) dự án đã tạo dựng niềm tin, là tiền đề quan trọng để Tổ chức ĐTHN ngộ và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc tài trợ dự án giai đoạn 3 “Cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ WOBA”

Cùng với sự hỗ trợ nguồn lực của dự án, các cấp Hội đã tích cực huy động sự tham gia của các doanh nghiêp, khối tư nhân; chủ động tham mưu đề xuất áp dụng/nhân rộng mô hình của dự án, huy động nguồn lực đối ứng của địa phương tạo nên sức mạnh, sự vào cuộc của các địa phương cùng chung tay hỗ trợ người nghèo, tạo sự phát triển bền vững của dự án. (Tiêu biểu: Ninh Bình hỗ trợ trên 12.000 tạ xi măng; Hà Tĩnh hỗ trợ đối ứng gói thưởng trị giá trên 8 tỷ đồng cho 14.600 hộ gia đình; Thanh Hóa phê duyệt đề án “Làm nhà tiêu hợp vệ sinh cho các xã ven biển giai đoạn 2018-2022” kinh phí trên 13 tỷ đồng; Tỉnh Hòa Bình hỗ trợ trên 2 tỷ đồng. Đối với Dự án WOBA- CHOBA3, 5 tỉnh triển khai dự án cam kết đối ứng thưởng cho hộ dân với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng).

Đồng chí Trương Thị Thu Thủy nhấn mạnh: Thành công của dự án không chỉ có giá trị về cải thiện vệ sinh môi trường mà còn mang tính nhân văn sâu sắc bởi lẽ đã quan tâm/chăm lo đến nhu cầu tối thiểu của phụ nữ và người dân nghèo tại cộng đồng. Từ kinh nghiệm của dự án, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các tỉnh dự án đã chỉ đạo nhân rộng mô hình; đã đề xuất với Bộ Tài chính, Văn phòng điều phối quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cơ chế tài chính và kỹ thuật để Hội triển khai mô hình làm nhà tiêu hợp vệ sinh theo cách tiếp cận và hiệu quả của dự án. Đặc biệt, thành công của dự án đã đóng góp 10% cùng với cả nước thực hiện mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn “đến 2015 có 1,5 triệu hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh”; góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới và Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch do TW Hội LHPN Việt Nam phát động. Trung ương Hội LHPN Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu của dự án và sẽ nỗ lực hơn nữa để cùng với hệ thống chính trị theo đuổi và thực hiện mục tiêu mọi phụ nữ và người dân Việt Nam trên khắp các vùng miền được tiếp cận với nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hiệp quốc đến năm 2030 “đạt được sự tiếp cận điều kiện vệ sinh phù hợp và bình đẳng cho tất cả mọi người, xóa bỏ tình trạng đi vệ sinh lộ thiên, đặc biệt quan tâm tới nhu cầu của phụ nữ, trẻ em gái và những người trong hoàn cảnh yếu thế”.

Nâng cao sức khỏe và bình đẳng giới, hòa nhập xã hội cho các hộ nghèo và dễ bị tổn thương tại Việt Nam - ảnh 3 (Ảnh: Hội nghị nhằm đánh giá kết quả của dự án năm 2021 và lập kế hoạch triển khai hoạt động của dự án trong thời gian tới; Tập huấn cho giảng viên về cải thiện vệ sinh và quản lý vệ sinh kinh nguyệt nhằm triển khai các đợt tập huấn cấp tỉnh, huyện, xã và các hoạt động truyền thông tại cộng đồng.)

Hội nghị sẽ diễn ra trong 1 ngày, các đại biểu sẽ chia sẻ kết quả 3 năm thực hiện dự án WOBA, thảo luận thống nhất kế hoạch và giải pháp thực hiện mục tiêu dự án đến tháng 10/2022.

Dự án Cải thiện Vệ sinh và Nước sạch dựa trên kết quả đầu ra do phụ nữ làm chủ (WOBA) được thực hiện bởi nguồn viện trợ của Quỹ nước sạch cho phụ nữ, Bộ Ngoại giao Thương mại Australia, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với tổ chức Đông Tây Hội ngộ, các đối tác trung ương và địa phương tại 5 tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre. Đã có 14.841 hộ nông thôn, chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ dễ bị tổn thương được vận động và hoàn thành xây nhà tiêu hợp vệ sinh; 3.741 hộ được kết nối với hệ thống nước sạch. Ngoài ra, 980 hộ nghèo yếu thế, 346 trường mầm non, trạm y tế của 173 xã dự án cũng được hỗ trợ 346 bồn rửa tay inox, 3.056 thiết bị rửa tay với xà phòng và có 200 hộ nghèo nhận được 200 bể nhựa chứa nước nhằm giúp phòng dịch Covid-19 từ dự án.

 Bài và ảnh: THANH THANH

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.