Ngày Dân số Thế giới 11/7: Nhiều giải pháp ổn định và nâng cao chất lượng dân số

HỒNG NHUNG (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thành phố Hà Nội là một trong hai tỉnh thành còn duy trì được mức sinh thay thế trong bối cảnh xu thế giảm sinh đang lan rộng trên cả nước. Nhận thức được tầm quan trọng của việc ổn định quy mô dân số, thành phố Hà Nội đã đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đạt tỷ lệ sinh thay thế 2,1 con đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vào năm 2025. hiện nay.

Nhân ngày Dân số Thế giới 11/7, Báo Phụ nữ Thủ đô có buổi trò chuyện với Ths. Vũ Thị Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội về các vấn đề mới trong công tác dân số

Thưa bà, TP Hà Nội tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển đặc biệt quan tâm đến nội dung nâng cao chất lượng dân số, xin bà cho biết Hà Nội đã làm gì để góp phần nâng cao chất lượng dân số ?

Về công tác lãnh đạo chỉ đạo, Thành ủy, HĐND, UBND tập chung chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành Trung ương; Thành ủy đã ban hành KH số 94-KH/TU; ngày 24/4/2024 của Thành ủy Hà Nội tiếp tục có Công văn số 1095-CV/TU về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành Trung ương.

Hà Nội đã cụ thể hóa Nghị quyết 21 bằng những chương trình, đề án, Kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác dân số trong tình hình mới. Hà Nội cũng đã kiện toàn và đổi tên từ Ban Chỉ đạo DS-KHHGĐ thành Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển Thành phố, Tổ chức lại Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình và đổi tên thành Chi cục Dân số Hà Nội. 30 quận/huyện/thị xã và 579 xã/phường/thị trấn cũng kiện toàn và đổi tên Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ thành Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển.

Mặt khác, các đơn vị đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số. Mở rộng toàn diện nội dung truyền thông về quy mô, cơ cấu, quản lý và phân bố dân số đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương chú trọng tuyên truyền các nội dung về SKSS vị thành niên, thanh niên, tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân. Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đặc biệt là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Xây dựng, hướng dẫn triển khai, duy trì mô hình dân số tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, 86 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng, 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe, 24 mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; 18 mô hình chăm sóc SKSS vị thành niên/thanh niên; 10 mô hình truyền thông chăm sóc SKSS /KHHGĐ tới vùng dân cư đặc thù.

Ngày Dân số Thế giới 11/7: Nhiều giải pháp ổn định và nâng cao chất lượng dân số - ảnh 1
 Ths. Vũ Thị Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội.

Các quận/huyện/thị xã triển khai thực hiện các hoạt động trên địa bàn; tổ chức truyền thông tại cộng đồng, tư vấn vận động đối tượng thực hiện sàng lọc 4 bệnh trước sinh và 5 bệnh sơ sinh miễn phí, phối hợp với Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận mẫu máu, xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm: Năm 2023, Hà Nội đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu sàng lọc trước sinh (88,7%), sàng lọc sơ sinh (90,3%). Chỉ tiêu năm 2024 dự kiến sàng lọc trước sinh đạt 84%; sàng lọc sơ sinh đạt 89%.

Tổ chức các cuộc tuyên truyền, vận động các cấp ủy đảng, chính quyền, về việc thực hiện quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình để tăng cường chỉ đạo, huy động nguồn lực tham gia cung ứng dịch vụ tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán điều trị trước sinh và sơ sinh; tuyên truyền nói chuyện chuyên đề về Luật Hôn nhân và Gia đình, tầm soát, chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn; tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên tại cộng đồng.

 Hiện tại, một số vùng, tỉnh thành phố lớn, nhiều thanh niên ngại sinh con dẫn đến mức sinh thấp. Trong năm 2023, mức sinh của TP Hồ Chí Minh chỉ là 1,32 con, giảm hơn so với năm 2022 là 1,39 con. Vấn đề này ở Hà Nội hiện nay như thế nào?

Chương trình 08-Ctr/TU giao chỉ tiêu cho thành phố Hà Nội đến năm 2025: Mức sinh thay thế (TFR) là 2,1.

Hiện nay, Hà Nội vẫn đang duy trì ở mức sinh thay thế. Theo tính toán của Chi cục Dân số Hà Nội, TFR của Hà Nội giai đoạn từ năm 2020 tới năm 2023 đang giảm từ 2,1 (năm 2020); 2,05 (năm 2021); 2,05 (năm 2022) và 2,06 (năm 2023). Năm 2024 đang phấn đấu 2,08 và phấn đấu đạt chỉ tiêu giai đoạn TRF đạt 2,1 vào năm 2025.

Mặc dù Thành phố, các quận, huyện đang triển khai nhiều biện pháp thực hiện chỉ tiêu, tuy nhiên, số sinh toàn thành phố trong những năm gần đây đang có xu hướng giảm (năm 2020 trở về trước số sinh khoảng trên 120 nghìn trẻ/năm; năm 2021: Số sinh hơn 115 nghìn trẻ (giảm khoảng 5.000 trẻ so với năm trước), năm 2022 -2023: Số sinh khoảng 105 nghìn trẻ, giảm thêm 10.000 trẻ  sinh/ năm). Đáng chú ý là số sinh giảm sâu tại các quận, có những quận 3 năm liên tục đều giảm sinh. Tuy nhiên, năm 2024, số trẻ sinh ra 5 tháng đầu năm là 44.000 trẻ, tăng hơn 1.000 trẻ so với 5 tháng đầu năm 2023. Dự kiến số trẻ sinh trong năm 2024 sẽ tăng.

Ngày Dân số Thế giới 11/7: Nhiều giải pháp ổn định và nâng cao chất lượng dân số - ảnh 2
Chương trình tuyên truyền lưu động về ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày Thalassemia thế giới tại huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này một phần là do áp lực kinh tế. Người phụ nữ hiện đại thường tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội, bận rộn nhiều công việc nên không muốn sinh nhiều. Ngoài ra, thống kê hàng năm thì đều cho thấy, tỉ lệ vô sinh ngày càng xuất hiện nhiều. Tuổi kết hôn ngày càng tăng… Nhiều nghiên cứu khẳng định, mức sinh thấp gây ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc về cơ cấu, quy mô dân số, gây thiếu lớp kế cận, già hóa dân số… Từ đó, kéo theo nhiều gánh nặng cho xã hội. Mức sinh thấp cũng làm suy giảm tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động. Theo nghiên cứu, cứ sau 15 năm sẽ thiếu hụt lực lượng lao động.

Thời gian qua, Thành phố và ngành Y tế Thủ đô đã có nhiều nỗ lực để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về việc đảm bảo tỉ lệ sinh với mỗi gia đình là sinh đủ 2 hai con. Tuy nhiên, mỗi người dân, hộ gia đình, và các bạn trẻ ở độ tuổi kết hôn cần xác định và nhận thức rõ, đây còn là trách nhiệm của mình với gia đình, cộng đồng và với toàn xã hội.

Xin bà cho biết về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Nội hiện như thế nào?

Đối với Thủ đô Hà Nội, hơn 10 năm qua, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra với tốc độ tăng nhanh, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính sáp nhập Hà Tây, huyện Mê Linh và một số xã của tỉnh Hòa Bình. Tỷ số giới tính khi sinh cao ở mức 117/100. Thực tế, số liệu trong vài năm trở lại đây cho thấy tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Hà Nội đang có xu hướng giảm (năm 2020: 113 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2021: 112,5/100; năm 2022: 110,8/100; năm 2023: 111,2/100).

Theo báo cáo của 30 quận/huyện, 5 tháng đầu năm 2024, TSGTKS của toàn thành phố vẫn còn cao là 112,4 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong đó ,TSGTKS của các đơn vị không đồng đều nhau, một số quận/huyện có biểu hiện mất cân bằng cao (trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái) như: Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ.

Hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 109 trẻ trai/100 trẻ gái sau năm 2025, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sách, báo, văn hóa phẩm vi phạm các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; khuyến khích hỗ trợ phát huy vai trò, vị thế của trẻ em gái.

Xin cảm ơn bà!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

EVN Hà Nội khẩn trương ứng phó với lũ lụt

EVN Hà Nội khẩn trương ứng phó với lũ lụt

(PNTĐ) - Mưa lớn sau cơn bão số 3, lũ trên các sông tại Hà Nội dâng cao gây ngập đã ảnh hưởng đến vận hành của hệ thống lưới điện. Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) đang khẩn trương ứng phó với lũ lụt.