Chào mừng 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022):

“Ngày trở về” của những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Khoảnh khắc Hà Nội tưng bừng, hân hoan, hào sảng đón đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô vào ngày mùa thu lịch sử 68 năm về trước luôn in đậm trong tâm trí nhiều người dân Thủ đô. Và với những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa, khoảnh khắc ấy vẫn mãi là ký ức hào hùng chẳng thể nào quên.

“Ngày trở về” của những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa - ảnh 1
Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Quân Tạo thăm lại Di tích Nhà tù Hỏa Lò Ảnh: PV
 

Ngày về từ… nhà tù Hỏa Lò
Hàng năm, cứ tới ngày 10/10, khi Thành phố rộn ràng các hoạt động chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô, tâm trạng Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Quân Tạo, 90 tuổi (cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, giai đoạn 1946-1954, Ủy viên Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội) lại xốn xang những cảm giác khó diễn tả.

Ông Hoàng Quân Tạo tham gia đội Cảm tử quân Trung đoàn Thủ đô từ năm 1946, lúc ấy ông mới 14 tuổi. Sau khi Hiệp định Genève năm 1954 được ký kết, Thủ đô được giải phóng, ông được thả tự do. Năm 1959, ông bắt đầu hoạt động sân khấu kịch chuyên nghiệp và là một trong 18 người tham gia thành lập đội kịch Đoàn Văn công nhân dân Hà Nội, tiền thân của Nhà hát Kịch Hà Nội ngày nay. Ông đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tặng Huy chương Vàng với các vở diễn “Tôi và chúng ta” (năm 1985), “Nghĩ về mình" (năm 1990); được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội trao giải thưởng với các vở diễn “Hà Nội đêm trở gió” (năm 1993), “Lũy hoa” (năm 1995)...

Người giao liên tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại Hà Nội, cha mất khi ông mới 2 tuổi, đến năm 5 tuổi thì mẹ đi bước nữa, ông phải về ở với bà ngoại trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn. Để phụ giúp gia đình, ông sớm phải bươn chải, mưu sinh bằng các nghề như bán báo, đánh giầy. Năm 12 tuổi ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ thu thập đạn về cho đội du kích Hồng Hà. "Lúc đó, tôi còn bé chưa được cầm súng, chỉ mang lựu đạn tiếp cho các lực lượng. Dù ít tuổi nhưng hăng hái lắm, không ngại khó, ngại khổ" - ông Hoàng Quân Tạo kể về những năm tháng gian khổ nhưng đầy tự hào. 

Tháng 12/1946, khi Bác Hồ phát động Toàn quốc kháng chiến, ông đi theo lực lượng tự vệ chiến đấu. Với sức trẻ sôi sục, ông cùng các chiến sỹ đục tường xuyên từ nhà nọ sang nhà kia, qua các phố như Hàng Ngang, Hàng Cân, Hàng Bồ, Hàng Bút... để tạo thành con đường bí mật liên hệ giữa các lực lượng, đồng thời ông tham gia vào các lực lượng chiến đấu tại các con phố. Sau 45 ngày chiến đấu, qua một số trận đánh, ông bị sốt cảm và được đưa ra vùng Thanh Trì làm nhiệm vụ liên lạc cho du kích, đến cuối năm 1948 lại chuyển vào hoạt động trong nội thành. 

Đến tháng 6/1952, ông bị địch bắt tại 85 Hàng Đường, sau đó bị đánh, tra tấn và bị giam tại nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, ông đã cùng các đồng đội đã địch tra tấn chết đi sống lại nhằm triệt tiêu hoàn toàn tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ cách mạng. Mặc dù bị dùng nhiều cực hình tra tấn nhưng với bản chất kiên cường, tinh thần cách mạng, ông không khai báo về tổ chức và những người cùng hoạt động với mình. Trong thời gian bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, ông cùng anh em tù chính trị đấu tranh chống lại chế độ nhà tù hà khắc, tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị nhằm trau dồi đạo đức cách mạng và nâng cao trình độ lý luận tiếp tục hoạt động cách mạng khi có thời cơ. Những người chiến sỹ cách mạng tuy bị địch tra tấn, bạo hành nhưng luôn giữ tinh thần kiên trung bất khuất. Qua những năm tháng tù đày đã trưởng thành, sau khi ra tù trở về chiến đấu trên các mặt trận.

Ngày ông ra khỏi nhà tù Hỏa Lò cũng đúng là thời điểm khi Thủ đô được giải phóng. Cho đến bây giờ, ông vẫn không thể nào quên được ngày Thủ đô Hà Nội tưng bừng, hân hoan, hào sảng, khi đoàn quân lớp lớp tiến vào tiếp quản Thủ đô. 

Ra đi để trở về trong chiến thắng
Trong cuộc kháng chiến thần kỳ của quân và dân Hà Nội 60 ngày đêm bám trụ từng đường phố, có một đội quân thiếu niên gần 100 em, làm trinh sát, giao thông liên lạc, quân báo… rất thông minh, dũng cảm, nên đến khi lên Việt Bắc, được các anh Trung đoàn Thủ Đô gọi trìu mến là Vệ Út. Ông Phùng Đệ, nghệ sĩ ưu tú, nguyên cán bộ của xưởng phim Quân đội, là một trong những Vệ Út đó. 

Trong tiết thu se se lạnh, trong ngôi nhà ở ngõ 45 Phan Đình Phùng, người lính già sống lại hồi ức “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, rồi trở thành người nghệ sĩ của quân đội trong hai cuộc kháng chiến. Nhớ lại ngày phải rời Hà Nội, ông Phùng Đệ, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô rưng rưng: “Đêm hôm ra đi sau 60 ngày đêm chiến đấu, tất cả mọi người đều rất buồn, buồn lắm, không ai nghĩ rằng mình ra, lại cứ nghĩ rằng sẵn sàng quyết tử ở Hà Nội, chết ở Hà Nội cũng vinh dự. Vì thế không ai muốn ra khỏi Hà Nội, nhiều người khóc, khi buộc phải ra đi, nhiều người lấy gạch, lấy than viết lên trên tường “Hẹn ngày trở lại, Hà Nội ơi chúng tôi xa nhớ Hà Nội lắm…”.

Cuối cùng ngày mong chờ đó đã đến, ngày 10/10/1954 ông cùng các chiến sĩ trở về Hà Nội, được đón tiếp trong rừng cờ hoa rực rỡ với những tiếng reo hò hoan hô các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trở về giải phóng quê hương, giải phóng Hà Nội. Đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội đi qua các phố để về sân Cột Cờ trong Hoàng thành Thăng Long. Đoàn người đi tới đâu là rừng cờ hoa vẫy chào với những tiếng hát xen lẫn tiếng hò reo “Hoan hô các chiến sĩ về giải phóng Thủ đô”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”…

“Không khí ngày đó thật hào hùng và náo nức. Lịch sử Hà Nội có lẽ chưa có ngày nào tưng bừng và vui sướng như ngày hôm đó. Trong sân Cột Cờ các khối bộ binh, pháo binh, công binh, thông tin, cơ giới, quân y đội ngũ trang nghiêm thẳng tắp, các chiến sĩ trang phục mới tinh. Nhân dân Hà Nội ăn mặc chỉnh tề, trang phục của các cô gái và các em thiếu nhi nhiều màu sắc, tay cầm cờ hoa đứng bao kín phía sau các khối quân đội, trông rực rỡ, đẹp như một vườn hoa khổng lồ của một mùa xuân”- ông Phùng Đệ xúc động nhớ lại khoảng khắc lịch sử thiêng liêng.

Trong lịch sử bảo vệ và phát triển Thủ đô, những câu chuyện từ các nhân chứng lịch sử của thanh, thiếu niên và tự vệ Hà Nội mùa đông năm 1946, của những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa như ông Phùng Đệ, NSƯT Hoàng Quân Tạo vẫn là ánh sáng khai tâm cho thế hệ sau biết sống, chiến đấu để gìn giữ hòa bình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.