Người bệnh luôn ở thế yếu trong quan hệ với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

HẠNH LÊ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dẫn trường hợp bệnh nhân phải chi hơn 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng trong khi chỉ phải chi 400.000 đồng cho thuốc điều trị tại một bệnh viện tại Hà Nội mà báo chí phản ánh, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu - tỉnh Nghệ An cho rằng, đây là một trong rất nhiều trường hợp người bệnh phải chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh.

Sáng nay (ngày 13/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). 

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - tỉnh Nghệ Ancho biết, ngày 3/6, báo Lao Động đưa tin, trong đơn thuốc được kê một bệnh viện tại Hà Nội, một bệnh nhân đã phải chi hơn 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng, trong khi tiền thuốc điều trị chỉ mất 400.000 đồng. Bài báo này cũng đưa tin về các đơn thuốc ở bệnh viện này thường xuyên đắt đỏ nên rất nhiều bệnh nhân đã phải bỏ việc ra về. Đáng lo ngại, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người bệnh phải chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh.

Người bệnh luôn ở thế yếu trong quan hệ với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh - ảnh 1
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An (ảnh: Q.H)

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu khẳng định, trước đây, dư luận đã nhiều lần biết đến các trường hợp bệnh nhân đã phải chi trả nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết, không được giải thích rõ ràng về kết quả khám bệnh, chữa bệnh và thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. 

Theo đại biểu, một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị về nguyên tắc pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh. Tuy nhiên, dự thảo mới đề cập đến mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề, tập trung vào một số quy định mục 1, Chương II về Quyền của người bệnh chỉ bao gồm 6 điều quy định tương ứng và nghĩa vụ của người hành nghề tại Điều 37. Các quy định này, theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu vừa thiếu vừa chỉ dừng lại ở quy định chung chung về quyền và nghĩa vụ trước, chưa có cơ chế cụ thể để bảo đảm người bệnh thực hiện được các quyền của mình. "Nếu chỉ dừng lại ở những quy định như vậy, dự thảo luật chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, chưa đạt được mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này là người bệnh làm trung tâm như Tờ trình Chính phủ đã xác định" - đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho biết.

Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục tổng kết kỹ thực tiễn để bổ sung các quy định về mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với tính chất đây là mối quan hệ ủy thác giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, dự thảo Luật cần khẳng định trong mối quan hệ này người hành nghề phải thực hiện các công việc khám bệnh, chữa bệnh vì lợi ích tối đa của người bệnh và bổ sung các quy định về trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ở ba góc độ. Đó là trách nhiệm trong việc khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm bảo mật thông tin của người bệnh và trách nhiệm tránh xung đột lợi ích.

Về trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh, ngoài những nội dung đã được dự thảo quy định tại Điều 8 và Điều 11, đại biểu cho rằng cần quy định rõ người hành nghề bắt buộc phải thông tin cho bệnh nhân về những ưu điểm, nhược điểm, những rủi ro và tác dụng phụ của phương pháp chữa bệnh. Giải thích về những phương pháp chữa bệnh khác nếu có chứ không chỉ dừng lại ở quy định chung như dự thảo hiện nay là tư vấn cung cấp thông tin về phương pháp khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, cần phải khẳng định trách nhiệm này phải được tiến hành liên tục trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, nhất là khi có những diễn biến mới về tình hình sức khỏe của bệnh nhân nhằm bảo đảm người bệnh hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình và hiểu được kết quả của tiến trình khám bệnh, chữa bệnh mà bác sĩ đã thực hiện. Đây là một trong những nội dung được pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh ở các nước rất quan tâm.

Về trách nhiệm tránh xung đột lợi ích, đại biểu cho rằng đây là nội dung chưa được dự thảo quan tâm đúng mức nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hạn chế những đơn thuốc đắt đỏ.

"Theo pháp luật nhiều nước, để tránh xung đột lợi ích người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải công khai mối quan hệ, lợi ích của mình với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh như công ty dược phẩm, các đơn vị thực hiện các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán các cơ sở nghiên cứu y học để việc giám sát trong quá trình hành nghề. Các thông tin này được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải thông báo cho người bệnh được biết" - đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh.

 

Tin cùng chuyên mục

Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, xây dựng đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới

Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, xây dựng đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là biểu hiện cao độ của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất và kiên cường của dân tộc ta. 71 năm đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay.
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả

(PNTĐ) - Sáng 7/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.