Nhà tạm cư xuống cấp, lãng phí nguồn lực hạ tầng

HẠNH LÊ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Quỹ căn hộ từ những khu nhà tạm cư của thành phố được dành bố trí cho các hộ gia đình phải di dời khẩn cấp ra khỏi các khu tập thể nguy hiểm cấp độ D. Tuy nhiên, hiện nay, việc di dời chưa thể thực hiện được do nhà tạm cư xuống cấp trong khi việc sửa chữa, cải tạo còn vướng mắc về cơ chế.

 Người dân từ chối tạm cư

Ba Đình là một trong những quận nội thành có số lượng lớn các khu tập thể cũ. Theo kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP - đợt 1, các hộ dân đang sinh sống tại đơn nguyên 1, 2 nhà G6A tập thể Thành Công (phường Thành Công); đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh); đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị); đơn nguyên 3 nhà C8 tập thể Giảng Võ (phường Giảng Võ) thuộc diện phải di dời. Sở Xây dựng đã bố trí 163 căn hộ tạm cư để thực hiện việc di dời trên; trong đó, có 100 căn tại nhà cao tầng lô E khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy); 16 căn tại nhà CT1 khu đô thị Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm); còn lại là các căn hộ tại nhà A1, A2, X2 Phú Thượng.

Đến nay, quận Ba Đình đã bàn giao 104 căn hộ cho các gia đình tại khu đô thị Yên Hòa và tòa nhà CT1 khu đô thị Thành phố giao lưu. 59 căn còn lại tại Phú Thượng và khu đô thị Thành phố giao lưu đã được bốc thăm nhưng theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng, người dân chưa nhận nhà tạm cư do tình trạng căn hộ đã bị xuống cấp, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt.

Khu nhà tạm cư A1, A2 Phú Thượng, quận Tây Hồ hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau 16 năm được đưa vào sử dụng, nhiều mảnh tường đã tróc lở, chỗ còn lớp sơn phủ thì đã biến màu với những mảng rêu mốc, cây leo cỏ dại mọc um tùm, cánh cửa sổ mục nát, thậm chí có những ô không còn cánh cửa gỗ khiến cho tòa nhà như là... vô chủ.

Ở bên trong, mối mọt, đường ống nước rò rỉ, cứ mưa to là ngập nước tràn vào khu nhà để xe, kéo theo rác thải khiến cho khu vực này luôn trong tình trạng ẩm thấp, xuống cấp… ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống. Theo phản ánh của những người dân, tình trạng này được phản ánh đến Ban Quản lý tòa nhà và đã được sửa chữa 2-3 lần nhưng không giải quyết dứt điểm. Với những diện tích sử dụng chung có hư hỏng, các hộ dân đã đóng góp kinh phí khắc phục được phần nào tốt phần đó.

Tình trạng xuống cấp cũng xuất hiện tại tòa nhà CT1B và CT1C khu đô thị Thành phố giao lưu nằm trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm.

Nhà tạm cư xuống cấp, lãng phí nguồn lực hạ tầng - ảnh 1
Khu vực hầm để xe xuống cấp và hoang hóa tại nhà CT1C khu đô thị Thành phố giao lưu 

Cần thiết có cơ chế sửa chữa kịp thời nhà tạm cư

Nhà tạm cư là chính sách nhân văn và ý nghĩa của TP, hỗ trợ lớn cho việc cải tạo xây dựng tập thể cũ, đồng thời đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho người dân. Mục đích tốt đẹp nhưng trước tình trạng xuống cấp như trên, một số hộ dân thuộc diện di dời khỏi các nhà nguy hiểm cấp độ D đã ngần ngại, nấn ná không muốn chuyển đến ở chỗ mới bởi không khá hơn chỗ cũ là mấy. Trước thực trạng trên, là đơn vị quản lý khu nhà tạm cư, ông Cao Đức Đại - Phó Tổng Giám đốc phụ trách công ty TNHH một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết: Hiện TP hỗ trợ sửa chữa 6 hạng mục trong các cấu kiện chung của các tòa nhà, bao gồm thang máy, phòng cháy chữa cháy, máy phát điện, máy bơm nước, mái và mặt ngoài nhà.

Với hạng mục hư hỏng, xuống cấp, công ty phải lập dự toán, trình thành phố phê duyệt. Do không chủ động kinh phí nên một số hạng mục hư hỏng sẽ không thể sửa chữa khắc phục được ngay.

Với những cấu kiện không nằm trong danh mục TP hỗ trợ sửa chữa thì công ty chưa có kinh phí thực hiện... Hơn nữa, một số khu nhà tạm cư từ năm 2018 đến nay không sử dụng do việc cải tạo nhà tập thể cũ bị “dậm chân tại chỗ” nên càng làm cho tình trạng xuống cấp trở nên nghiêm trọng hơn. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng, các hộ đề nghị sửa chữa hoàn chỉnh các hỏng hóc trước khi bàn giao nhà. 

Để giải quyết tình trạng trên, Sở Xây dựng đã linh hoạt hoán đổi vị trí nơi ở tốt hơn cho các hộ dân, song chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội, trong thời gian tới, các quận đẩy mạnh khảo sát, tuyên truyền, di dời các hộ dân ra khỏi tập thể cũ thuộc diện nguy hiểm cấp độ D. Việc cải tạo, sửa chữa nhà tạm cư là cần thiết để đảm bảo tiến độ di dời. Vì thế, cần có chính sách, cơ chế sửa chữa kịp thời để hạn chế tình trạng xuống cấp.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Biểu dương, tôn vinh 50 phụ nữ cao tuổi tiêu biểu của Thủ đô trong phong trào thi đua yêu nước

Biểu dương, tôn vinh 50 phụ nữ cao tuổi tiêu biểu của Thủ đô trong phong trào thi đua yêu nước

(PNTĐ) - Sáng 8/5/2024, tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hội LHPN Hà Nội và Ban Đại diện Hội người cao tuổi Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình gặp mặt, biểu dương 50 phụ nữ cao tuổi tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2024. Đây là chương trình ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024), 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024).