Nhiều khuyến nghị chính sách giúp ổn định kinh tế vĩ mô hậu Covid-19

TIỂU LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 24/11, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), Cơ quan điều phối Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) tổ chức Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2022 với chủ đề “Thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hậu Covid”.

Nhiều khuyến nghị chính sách giúp ổn định kinh tế vĩ mô hậu Covid-19 - ảnh 1

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam

 

Theo báo cáo của Cục Thống kê Việt Nam, nước ta đã phục hồi kinh tế trong quý III năm 2022. Tuy nhiên sự phục hồi hậu Covid-19 trong khu vực và thế giới, nhất là tại các nước phát triển, đã diễn ra với nhiều diễn biến mới, dẫn tới một loạt sức ép về ngân sách và lựa chọn tài khóa tiền tệ, trong đó quốc gia đang phát triển như Việt Nam phải đối diện. 

Tham gia diễn đàn, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết, trong giai đoạn 1991-2021, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng, với GDP tăng bình quân 6,57%/năm. Tốc độ tăng GDP thuộc loại cao và ổn định so với thế giới.

Quy mô kinh tế năm 2021 đạt khoảng 363 tỷ USD, lọt vào top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong những năm qua, tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức một con số; cán cân thương mại liên tục thặng dư từ năm 2016; đầu tư nước ngoài ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng 10 lần trong giai đoạn 2010-2021.

Nhiều khuyến nghị chính sách giúp ổn định kinh tế vĩ mô hậu Covid-19 - ảnh 2
Quang cảnh diễn đàn

Theo ông Phạm Thế Anh, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. Tăng trưởng GDP đang có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Cụ thể, 10 năm sau đổi mới (1991-2000), GDP Việt Nam tăng trưởng 7,6%/năm, sang 10 năm tiếp theo (2001-2010), tăng trưởng GDP giảm còn 6,6%/năm và 10 năm gần đây (2011-2021), GDP đã giảm còn 5,6%/năm.

Nguyên nhân của tăng trưởng chậm lại là do hậu quả của các chính sách vĩ mô yếu kém thời kỳ trước đó, ảnh hưởng của môi trường kinh tế quốc tế bất lợi, tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng đang đạt đến giới hạn và tác động của dịch Covid-19.

Năm 2021, GDP/người của Việt Nam đạt gần 3.700 USD, gấp 2,4 lần 2011. Tuy nhiên, nếu xét về chỉ số GDP/người theo sức mua tương đương, GDP của Việt Nam chỉ bằng 17% của Mỹ; bằng khoảng 24-26% của Nhật Bản, Hàn Quốc (tụt hậu khoảng 33 năm); bằng 40% Malaysia (tụt hậu 30 năm) và bằng khoảng 61% Thái Lan và Trung Quốc (tụt hậu 9 năm).

Theo TS. Phạm Thế Anh, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với gánh nặng nợ công có thể gây bất ổn cho nền kinh tế trong thập niên tới. Theo đó, giai đoạn 2010-2021, nợ công của Việt Nam đã tăng 3,2 lần (từ 1,144 lên 3,655 triệu tỷ đồng), tốc độ tăng 11,3%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, chính sách tiền tệ còn nặng về can thiệp hành chính; thiếu hụt lao động có chất lượng có thể cản trở sự bứt phá tăng trưởng.

Một thách thức nữa là hiện tăng trưởng của Việt Nam đang dựa vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 18,4%/năm trong giai đoạn 2001-2021. Tỷ trọng xuất khẩu/GDP vượt 100%. Việt Nam tham gia ký kết nhiều FTAs. Vốn FDI giải ngân những năm gần đây đạt xấp xỉ 20 tỷ USD/năm, gấp đôi so với 10 năm trước.

Về thu NSNN của Việt Nam, TS. Phạm Thế Anh cho rằng, tốc độ tăng thu có chậm lại nhưng vẫn ở mức cao, từ 11,5%/năm trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 8,8%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ thu ngân sách/GDP tăng từ 23,6% lên 25,2% trong cùng giai đoạn, cao nhất trong ASEAN-5. Tỷ lệ thu từ thuế và phí giảm nhanh, từ 88% trong năm 2011 xuống còn 72% trong năm 2020. Tỷ trọng thuế TNDN giảm nhanh chỉ còn khoảng 17% gần đây. Thuế VAT chiếm tỷ trọng lớn nhất và có xu hướng giảm nhẹ. Tỷ trọng thuế xuất nhập khẩu giảm chỉ còn một nửa trong giai đoạn 2016-2020 so với 2011- 2015.

Chỉ ra tầm ảnh hưởng quan trọng từ các chính sách kinh tế vĩ mô đến nền kinh tế Việt Nam, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đang chậm lại là do hậu quả của các chính sách vĩ mô yếu kém thời kỳ trước đó; ảnh hưởng của kinh tế quốc tế bất lợi; tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng đang đạt đến giới hạn và tác động của đại dịch Covid-19. Điều này dẫn đến khả năng bắt kịp các nước phát triển của chúng ta đang giảm xuống. 

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, về hình thức thì tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm, tuy nhiên tỷ lệ nợ công/thu ngân sách nhà nước lại tăng. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trên số Ngân sách Nhà nước (NSNN) thu được cũng theo đó mà tăng nhanh.

So sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam là khá cao so với ASEAN-5. “Về hình thức, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có vẻ vẫn thấp và trong tầm kiểm soát, tuy nhiên đó là do Việt Nam tính lại GDP và thực hiện cách tính ‘không giống ai’ này bắt đầu từ năm 2021, còn về bản chất con số nợ công thì vẫn không thay đổi, vẫn rất cao”- ông Phạm Thế Anh phát biểu.

Nhiều khuyến nghị chính sách giúp ổn định kinh tế vĩ mô hậu Covid-19 - ảnh 3
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) 

Tiếp nối diễn đàn, đại diện nhóm nghiên cứu - PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã chỉ ra những lỗ hổng lớn về kinh tế vĩ mô trong sự phát triển trung và dài hạn của Việt Nam. Tỷ trọng thuế gián thu và trực thu đang có sự chênh lệch. Trong đó, tỷ lệ thuế trực thu đang có xu hướng giảm đi còn thuế gián thu lại có xu hướng tăng lên. Điều này dẫn đến sự mất bình đẳng giữa những đối tượng thu nhập cao và thu nhập thấp hiện nay. 

Theo ông Nguyễn Đức Thành, chính sách hỗ trợ về thuế còn rất nhiều bất cập và chưa hiệu quả. Có thể kể đến quá trình cạnh tranh về thuế đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài khá rủi ro dẫn đến các doanh nghiệp cũng như chính phủ phải tìm kiếm đến những nguồn đầu tư thay thế. Bên cạnh đó là vấn đề về thuế liên quan đến tài sản.

Hiện nay chúng ta không chỉ gặp khó khăn trong việc xác định những loại tài sản bị đánh thuế mà còn gặp nhiều bất cập trong việc ai sẽ là người quản lý và thu giữ khoản thuế ấy. 

Nhiều khuyến nghị chính sách giúp ổn định kinh tế vĩ mô hậu Covid-19 - ảnh 4
Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn (ảnh Tiểu Linh)

Do đó, mục tiêu cao nhất của chính sách tài khóa vẫn là phải đảm bảo tính bền vững của nợ công với các biện pháp đi kèm như ổn định quy mô nợ công theo khả năng thu thuế, kiểm soát nghĩa vụ nợ/thu ngân sách, cải thiện cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm tiêu dùng tăng chi đầu tư phát triển, thu NSNN cần giảm dựa vào các nguồn thu kém bền vững, tránh phát sinh những loại phí – lệ phí mới. Thêm vào đó, chính sách tài khóa nên theo hướng nghịch chu kỳ, tạo đệm tài khóa trong thời kỳ khó khăn. 

 
 
 
 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

(PNTĐ) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, thực hiện cuộc Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 diễn ra từ ngày 1/4 đến 30/4, Thành phố có 2.441 địa bàn điều tra, với 58.440 hộ điều tra phiếu ngắn, 14.790 hộ điều tra phiếu dài tại 557 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.