Những nữ giám đốc hợp tác xã Thủ đô năng động, sáng tạo

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tự tin, mạnh dạn đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ và mô hình kinh doanh hiện đại, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao, các nữ giám đốc hợp tác xã (HTX) – làm chủ mô hình kinh tế tập thể ở Hà Nội đang khẳng định sự thành công bằng việc mang lại nhiều giá trị cho xã hội, nhất là tạo việc làm người lao động, trong đó phần đa là lao động nữ ở nông thôn.

Nữ giám đốc HTX tuổi trẻ dám theo đuổi ước mơ

Từ một dược sĩ làm chủ 2 cửa hàng thuốc khá thành công, nhưng chị Phạm Thị Tư Hậu (sinh năm 1992) ở xã Châu Sơn, huyện Ba Vì lại mang trong mình một niềm đam mê với các món ăn từ ngô khoai sắn nên đã vào bếp làm ra các sản phẩm bánh sắn, ngô chiên, khoai lang kén, để rồi bị cuốn hút và dấn thân, chuyển hướng sang kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn.

Những nữ giám đốc hợp tác xã Thủ đô năng động, sáng tạo - ảnh 1
 Chị Phạm Thị Tư Hậu, Giám đốc HTX Sản xuất và Chế biến nông sản Yến Anh giới thiệu quy trình sản xuất tại xưởng

Ban đầu, hơn 5 năm trước, chị Hậu mân mê các món ăn trong chiếc bếp gia đình làm ra những món ăn từ ngô khoai sắn bán đồ ăn vặt cho giới trẻ, sản phẩm của chị nhanh chóng được đón nhận, chị đã mạnh dạn thuê nhà mở xưởng để sản xuất và cung cấp ra thị trường. Chẳng mấy chốc, những sản phẩm chính như bánh sắn, khoai lang kén, ngô chiên đã được tiêu thụ với số lượng lớn, chị không ngừng mầy mò nghiên cứu, làm ra nhiều sản phẩm hơn. Công việc tiến triển, chị Hậu tiếp tục mua đất, xây dựng nhà xưởng khang trang hơn và đầu tư máy móc để hỗ trợ từ sơ chế đến khâu chiên, hấp, bảo quản, đóng gói cho ra thành phẩm. Chị Hậu đã liên tục cho ra các sản phẩm mới chất lượng cao và mẫu mã đẹp.  

Sau hơn 5 năm hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh cá thể Yến Anh, được các cấp Hội LHPN hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình hội viên phụ nữ thành lập HTX do nữ làm chủ; đồng thời, được hướng dẫn, tư vấn xây dựng phương thức hoạt động, kế hoạch phát triển mô hình hợp tác xã do phụ nữ làm chủ.

Những nữ giám đốc hợp tác xã Thủ đô năng động, sáng tạo - ảnh 2
Chị Phạm Thị Tư Hậu, Giám đốc HTX Sản xuất và Chế biến nông sản Yến Anh, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì

Đến tháng 6/2024, HTX Sản xuất và Chế biến nông sản Yến Anh được thành lập với7 thành viên, do chị Phạm Thị Tư Hậu làm Giám đốc, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động, trong đó chủ yếu là lao động nữ ở địa phương có thu nhập từ 4-8 triệu đồng/người/tháng.Từ đây, HTX còn là nơi kết nối thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản thô của nông dân huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội. Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn sản phẩm chế biến từ nông sản sạch như ngô, khoai, sắn,… Trong đó có 3 sản phẩm: ngô chiên bơ, khoai lang kén, bánh sắn nướng cốt dừa đã khẳng định được chất lượng, được đánh giá và công nhận là đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Hiện nay, HTX đã tổ chức 5 điểm bán hàng tại 5 tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Ninh. Cùng đó, HTX cũng tích cực tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm do các cấp, ngành và địa phương tổ chức. HTX Yến Anh cũng đa dạng kênh phân phối sản phẩm từ bán trực tiếp đến các đại lý đến lên các sàn thương mại điện tử như Shoppee, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok...

Chị Phạm Thị Tư Hậu cho biết: Nhờ ứng dụng công nghệ số, liên kết để quảng bá thương hiệu và phát triển thương hiệu theo chuỗi giá trị, HTX đã nhanh chóng tạo được chỗ đứng trên thị trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Bền bỉ giữ nghề truyền thống

Sớm được trao truyền tình yêu nghề làm nón truyền thống, bà Tạ Thu Hương sinh ra, lớn lên ở làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã như một định mệnh là gắn bó với nghề đan nón và trở thành nghệ nhân. Sau nhiều thăng trầm của làng nghề trước sự phát triển của xã hội hiện đại, sản phẩm nón ngày một ít được người tiêu dùng lựa chọn, nghề truyền thống phải đối diện với nguy cơ mai một, bà Hương vẫn kiên trì giữ nghề.

Những nữ giám đốc hợp tác xã Thủ đô năng động, sáng tạo - ảnh 3
Nghệ nhân Tạ Thu Hương (bên phải)

Bà Hương đã liên tục nắm bắt xu hướng của thị trường và phát triển đa dạng sản phẩm. Năm 2023, Hợp tác xã Mây tre nón lá Tạ Thu Hương được thành lập với 7 thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương.

Bà Hương chia sẻ: Hợp tác xã của chúng tôi đã mạnh dạn vươn ra thị trường nước ngoài, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, nhất là đi theo dòng sản phẩm du lịch. Giờ đây, sản phẩm nón lá làng Chuông đã xuất khẩu đi nhiều nước như: Trung Quốc, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Lào, Campuchia… từ đó giá trị sản phẩm cũng được nâng lên đáng kể. 

Đến nay, HTX đã có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn và được công nhận OCOP 4 sao bao gồm: Nón lá trên lụa, nón lá trắng kỹ đẹp tự nhiên, nón giấy bóng, nón quai thao, nón Thái, nón lá già kỹ đẹp. HTX cũng tổ chức thành điểm tham quan du lịch trải nghiệm làm nón lá cho các đoàn khách trong nước và quốc tế.

Khởi nghiệp chưa bao giờ là muộn

Khởi nghiệp khi đã bước vào tuổi 59, bà Đỗ Thị Kim Thông, Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu Kim Thông ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) vẫn luôn có năng lượng tràn đầy với ước mong mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm bổ dưỡng, chất lượng, an toàn. Đó chính là sản phẩm chế biến từ cây Sacha Inchi.

Những nữ giám đốc hợp tác xã Thủ đô năng động, sáng tạo - ảnh 4
Bà Đỗ Thị Kim Thông (bên phải) giới thiệu sản phẩm

Bà Đỗ Thị Kim Thông cho hay, mỗi 1ha Sacha Inchi ban đầu được đầu tư khoảng 150 triệu đồng có thể thu lại khoảng 350 triệu đồng, đạt từ 5-7 tấn hạt/ha. Cùng với chú trọng vào quy trình sản xuất chuẩn VietGAP, chúng tôi tập trung đầu tư máy móc chế biến hiện đại cho ra sản phẩm Sacha Incho đạt chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2020.

Không dừng lại ở 2ha trồng Sacha Inchi, bà Thông đã liên kết với bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên để hình thành vùng nguyên liệu 500ha trồng Sacha Inchi đạt tiêu chuẩn cao, xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Hằng tháng, sản lượng hạt Sacha Inchi của HTX đạt khoảng 60-70 tấn, xuất khẩu vào thị trường các nước châu Âu, Trung Quốc…

Theo thống kê của Hội LHPN thành phố Hà Nội, phụ nữ hiện chiếm gần 50% tổng dân số toàn thành phố. Phụ nữ cũng chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động sản xuất, kinh doanh nông sản, đồng thời là người quyết định trực tiếp đến việc tiêu thụ thực phẩm trong gia đình. Hiện nay, trên cả nước, có 20% giám đốc các HTX có nữ tham gia lãnh đạo, vai trò của phụ nữ tham gia lãnh đạo HTX ngày càng phổ biến và đạt hiệu quả cao. Với bản tính chịu thương chịu khó, người phụ nữ Việt Nam luôn kiên trì và nỗ lực đổi mới sáng tạo, nhiều nữ lãnh đạo HTX tham gia làm kinh tế tập thể đã cho thấy hiệu quả công việc và khẳng định vai trò làm chủ của mình.

Tin cùng chuyên mục

Nữ giám đốc HTX từ đam mê đến thành công trong sản xuất rau mầm

Nữ giám đốc HTX từ đam mê đến thành công trong sản xuất rau mầm

(PNTĐ) - Sẵn có ước mơ làm giàu từ khi còn là cô sinh viên Học viện Nông nghiệp, sau khi tốt nghiệp, Bùi Thị Thanh Hà (quê ở Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã mạnh dạn lập nghiệp với nghề trồng rau mầm, rồi trở thành nữ Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng, an toàn, mang lại việc làm và thu nhập cho nhiều người.