Những ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội

Chia sẻ

Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 là một sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ. Về dự Đại hội, nhiều đại biểu đã bày tỏ những niềm tin yêu, kỳ vọng Đại hội sẽ mở ra một nhiệm kỳ hoạt động mới với nhiều khởi sắc trong phong trào phụ nữ và hoạt động Hội.

Chia sẻ của một số đại biểu với báo Phụ nữ Thủ đô.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: 

Nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa Hội Phụ nữ và tổ chức Đoàn

Những ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội - ảnh 1

Tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào và phấn khởi khi được đại diện cho cán bộ nữ của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Tôi cũng như những đại biểu khác dự Đại hội rất mong muốn bên cạnh những quyết sách quan trọng, Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn, bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc, thật sự là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ cả nước, lãnh đạo công tác hội và phong trào phụ nữ ngày càng phát triển, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Tôi mong muốn rằng, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục xác lập những nhiệm vụ, giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của hội viên; tuyên truyền, giáo dục chị em thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hành động vì hạnh phúc của phụ nữ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hỗ trợ hội viên trong học tập, lao động, rèn luyện, sản xuất kinh doanh và phát triển cả về thể chất, tinh thần và kỹ năng xã hội. Tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động chính trị - xã hội; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ khỏi gánh nặng áp lực của công việc gia đình. Bên cạnh đó, tôi mong muốn các cấp bộ Hội dành sự quan tâm tiếp tục chăm lo, giáo dục, bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em gái phát triển toàn diện.

Đối với các bạn nữ thanh niên, có thể tập trung vào các nhóm nội dung như: tuyên truyền, giáo dục về các kiến thức về giới và bình đẳng giới; hỗ trợ tạo điều kiện cho nữ thanh niên có cơ hội học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ phát triển kỹ năng xã hội và hội nhập quốc tế; hỗ trợ học nghề và tạo việc làm; nghiên cứu đề xuất chính sách nhằm tập hợp đông đảo lực lượng nữ thanh niên tham gia tổ chức Hội và tổ chức Đoàn.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam với các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, tổ chức có liên quan để thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội vì sự tiến bộ của phụ nữ. Việt Nam được ghi nhận đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới, trong đó có nỗ lực tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước xóa bỏ khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Tuy nhiên, để công tác cán bộ nữ thực chất hơn, tôi mong rằng các cấp bộ Hội tiếp tục quan tâm tham mưu cho Đảng, chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về công tác cán bộ nữ; nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu bình đẳng giới; hoàn thiện chính sách theo hướng thống nhất, liên thông để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ một cách thực sự; làm tốt công tác tạo nguồn và quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ ở tất cả các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm...

PGS.TS Đỗ Thị Thảo, Trưởng phòng thử nghiệm sinh học, Viện Công nghệ sinh học, Viện hàn lâm khoa học Việt Nam:

Mong có ưu đãi nhiều hơn cho phụ nữ nghiên cứu khoa học

Những ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội - ảnh 2

Tôi đã đồng hành cùng các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam khoá XII trong nhiều hoạt động như “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Mẹ đỡ đầu”… nên hiểu được sự nhiệt huyết, sâu sát trong công việc, tấm lòng đôn hậu và giàu tình yêu thương, chia sẻ của các chị đối với phụ nữ, trẻ em. Chính vì vậy, tôi tin tưởng, Đại hội lần này sẽ bầu ra đội ngũ nhân sự mới trong Ban Chấp hành khoá XIII là những người tâm huyết, sáng tạo, hết lòng vì công tác Hội. Các chị sẽ tiếp tục có những hoạt động xã hội và cộng đồng ý nghĩa, làm tăng tính hiệu quả, thiết thực trong mọi hoạt động tới đây của Hội LHPN Việt Nam.

Tại Việt Nam, khoa học và công nghệ là 1 trong 8 lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Số lượng các nhà khoa học nữ ở nước ta ngày càng tăng, thực sự có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, cũng có nhiều rào cản mà phụ nữ phải khắc phục để phát triển sự nghiệp nói chung, tham gia các hoạt động khoa học xã hội nói riêng.

Tôi mong muốn thời gian tới, Hội sẽ có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực khoa học công nghệ, từ đó từng bước làm thay đổi quan niệm về hình ảnh phụ nữ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học hiện nay; có nhiều chương trình truyền thông giới thiệu các nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam để truyền cảm hứng, đam mê khoa học cho giới trẻ; làm rõ hơn những ưu đãi trong cơ chế, chính sách để khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào công tác nghiên cứu khoa học, cụ thể là có những chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước áp dụng cho các nhà khoa học nữ để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của phụ nữ.

Bên cạnh đó, Hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện và ưu đãi nhiều hơn cho phụ nữ nghiên cứu khoa học như có chương trình hỗ trợ nghiên cứu cấp tỉnh cho các cán bộ nữ làm nghiên cứu khoa học công nghệ thuộc dân tộc thiểu số hay làm việc ở vùng núi, vùng sâu vùng xa; tham mưu, đề xuất để Đảng, Nhà nước có chính sách ưu tiên, tăng cường đầu tư nguồn lực, kinh phí cho giáo dục, đào tạo các nhà khoa học nữ để có thể phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực nữ trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ...

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN TP Hồ Chí Minh, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh: 

Cần đẩy mạnh hơn nữa xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Những ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội - ảnh 3

Được trở thành đại biểu chính thức tham dự Đại hội, tôi  rất vui và tự hào. Tôi tin tưởng đây sẽ là đại hội  của tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển. Đại  hội sẽ huy động, tập hợp được sức mạnh, trí tuệ của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam cùng quyết tâm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp.

Nhìn lại nhiệm kỳ qua, tôi thấy phong trào và hoạt động  Hội đã có những bước tiến nổi bật. Vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 có nhiều tác động tiêu cực, các cấp Hội trên cả nước vẫn không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở. Tổ chức Hội đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo đời sống hội viên, hỗ trợ hội viên xây dựng gia đình văn minh-hạnh phúc, tự tin tiến bước, khẳng định vai trò vị thế trong gia đình và xã hội.  

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, tôi thấy phòng trào phụ nữ và công tác hội vẫn còn một số hạn chế; nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến phụ nữ, trẻ em vẫn đang đặt ra. Trong số đó có vấn đề về an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em vẫn tiếp tục là vấn đề nóng và có chiều  hướng gia tăng, gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm người phụ nữ, để lại di chứng nặng nề đối với trẻ em. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân như một số phụ nữ, người dân chưa hiểu biết đầy đủ về pháp luật, chưa biết quyền và nghĩa vụ của mình nên không dám lên tiếng đấu tranh, tố cáo thủ phạm; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, môi trường xã hội xuống cấp...

Với chức năng, vai trò của tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, tôi mong rằng trong nhiệm kỳ tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ  tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho phụ  nữ và cộng đồng về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, trang bị cho phụ nữ kỹ năng tự bảo vệ mình… qua đó góp phần xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em…. Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mô hình, câu lạc bộ tiền hôn nhân, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, gia đình “5 không, 3 sạch”, xây dựng và vận hành hiệu quả trung tâm tư vấn pháp luật/ tổ tư vấn cộng đồng; tăng cường phát hiện, tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại bạo lực phụ nữ, trẻ em; phát huy tốt vai trò của hội thẩm nhân dân; thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát thực thi pháp luật về phụ nữ, gia đình, trẻ em, cơ chế phối hợp với các cơ quan tố tụng…

Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia, phối hợp làm tốt các hoạt động thuộc về thế mạnh của mình trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.

Bà Nguyễn Việt Triều, Ủy viên BCH Liên hiệp người Việt toàn Châu Âu, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan: 

Mong Hội có nhiều hơn nữa hoạt động dành cho phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài

Những ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội - ảnh 4

Tôi rất vinh dự và tự hào được đại diện cho phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan tham dự Đại  hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Lời đầu tiên, cho phép tôi trân trọng gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Đại hội. Chúc Đại hội sẽ thành công tốt đẹp.

Dù sống xa quê hương nhưng phụ nữ Việt Nam ở Ba Lan vẫn thường xuyên hướng về cội nguồn, theo dõi tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các phong trào, hoạt động mà các cấp Hội LHPN Việt Nam triển khai. Chúng tôi thấy rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Hội LHPN Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho tiếng nói của phụ nữ. Các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã có sự phát triển không ngừng, khẳng định vai trò, vị thế và những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII; kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2022; đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022 - 2027; bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN nhiệm kỳ 2022 - 2027. Theo tôi, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng thời với 3 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương chúng ta sẽ bầu được Ban chấp hành với các đại biểu phụ nữ ưu tú, đồng thời thống nhất ý chí các hoạt động trong nhiệm kỳ tới.

Những năm qua, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan cũng đã có nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên. Đặc biệt, những ngày gần đây, Hội đã tích cực hưởng ứng phát động của Hội người Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan thực hiện công tác hỗ trợ người Việt Nam, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em từ Ukraina sang Ba Lan tránh chiến tranh. Những hoạt động này thay cho lời cam  kết của Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan sẽ luôn đồng hành, san sẻ khó khăn với phụ nữ, trẻ em. Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam ở Ba Lan cũng thường xuyên nhận được sự chia sẻ, động viên, hướng dẫn hoạt động của Hội LHPN Việt Nam, nhất là trong 2 năm qua, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Điều  này cho thấy, dù ở đâu, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy những phẩm chất tốt đẹp, đoàn kết một lòng, sẵn sàng san sẻ yêu thương, cùng nhau tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn và phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài, luôn là một bộ phận không thể tách rời của phụ nữ Việt Nam.

Thay mặt Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, tôi mong muốn trong trong nhiệm kỳ tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều  hoạt  động hơn nữa dành cho phụ nữ Việt Nam ở Ba Lan nói riêng, phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài nói chung. Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan mong muốn quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức Hội sẽ tiếp tục gắn bó khăng khít, bền chặt.

Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc nhà hát chèo Việt Nam:

 Phụ nữ phát huy lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp

Những ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội - ảnh 5

Tôi rất tâm đắc với các dự thảo văn kiện trình Đại hội của Ban Chấp hành thể hiện sự chuẩn bị công phu, bài bản,  các phong trào thi đua, cuộc vận động, khâu đột phát và các nhiệm vụ trọng tâm đi vào những nội dung chiến lược của Hội và của đất nước. Không chỉ tôi mà các văn nghệ sỹ rất phấn khởi hướng về Đại hội với những kết quả đánh giá của phong trào phụ nữ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Trong nhiệm kỳ qua, phụ nữ đóng góp vai trò quan trọng trong bảo tồn và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phát triển các sản phẩm du kịch gắn với bản sắc văn hóa địa phương và di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến vă nhóa hàng đầu châu Á và thế giới. Phong trào “Mỗi phụ nữ chọn một hình thức văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao quần chúng phù hợp để rèn luyện sức khỏe”, chương trình “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam” đã làm phong phú đời sống tinh thần, tôn vinh văn hóa dân tộc và nâng cao sức khỏe của chị em, góp phần hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

 Hướng về Đại hội trong nhiệm kỳ này, chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng vào những định hướng hoạt động Hội trong thời gian tới, biệt là các nhóm chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, môi trường. Hướng đến mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa- văn nghệ, thể dục thể thap phù hợp. Phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, nhất là phụ nữ lãnh đạo, quản lý, tri thức, văn nghệ sỹ, doanh nhân, phụ nữ tài năng trên các lĩnh vực… Kết nối, thúc đẩy thự chiện hóa các ý tưởng sáng tạo cảu phụ nữ; phát hiện bồi dưỡng, tôn vinh tài năng nữ thông qua các Giải thưởng Kovalevskaia, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam…

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng: 

Ở đâu có phụ nữ, ở đó có phong trào phụ nữ

Những ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội - ảnh 6

Tôi rất vinh dự và tự hào khi lần đầu tiên được tham dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc và có bài tham luận tại Đại hội về những đóng góp của Phụ nữ trong tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (lĩnh vực này trước đây chỉ dành cho các nam quân nhân bởi công việc có nhiều khó khăn, vất vả, đòi hỏi có kiến thức toàn diện, khả năng làm việc trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa...). 

Năm 2018, tôi là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia Lực lượng GGHB của Liên hiệp quốc (LHQ) tại Nam Xu-đăng (nhiệm kỳ 12 tháng). Tháng 5/2022 tới, tôi sẽ lên đường sang Nam Xu-đăng lần thứ 2 với vai trò là Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến 2.4. Với đặc thù công việc của mình và kinh nghiệm từ lần thực hiện nhiệm vụ trước, tôi mong muốn Đại hội có những thay đổi phù hợp với tình hình mới, khi đất nước thực hiện hội nhập quốc tế sâu rộng; xây dựng hình ảnh về một Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đại hội sẽ có những định hướng, hỗ trợ giúp chúng tôi có những kế hoạch hành động cụ thể đối với phụ nữ khó khăn cần sự giúp đỡ nơi chúng tôi thực hiện nhiệm vụ GGHB của LHQ trong việc hỗ trợ khởi nghiệp. Khi tôi nói vấn đề này có thể sẽ có ý kiến băn khoăn. Bởi các nữ quân nhân của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại các Phái bộ GGHB của LHQ còn ít và thiếu so với nhu cầu thực tế đòi hỏi. Các nữ quân nhân đã phải vượt qua những khó khăn, vất vả trong công việc, trong cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ của LHQ giao. Nếu triển khai thêm hoạt động trợ phụ nữ tại nước sở tại, các nữ quân nhân sẽ thêm phần vất vả, hiểm nguy hơn. Tuy nhiên, tôi tin rằng, rằng ở đâu có phụ nữ là ở đó có phong trào phụ nữ và phụ nữ khó khăn ở bất kỳ đâu cũng cần được hỗ trợ. Tôi tin tưởng, thông qua những hoạt động trợ giúp có ý nghĩa, người dân nước sở tại và đồng nghiệp quốc tế cũng hiểu thêm về đất nước và con người, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam.

Nhiệm kỳ qua, bản thân tôi thấy tổ chức Hội đã có những hành động cụ thể, quan tâm tạo điều kiện cho chị em trong lực lượng vũ trang nói chung, trong quân đội nói riêng có cơ hội khẳng định bản thân, tự tin nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi mong muốn các nữ quân nhân chúng tôi sẽ tiếp tục được đảm nhận nhiều hơn nữa những vị trí, công việc khó khăn, gian khổ như nam giới để nữ quân nhân có cơ hội khẳng định bản thân và trưởng thành hơn. 

Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch HTX Tân Toàn, huyện Thường Tín,TP Hà Nội: 

Mong được tạo điều kiện hơn nữa cho HTX trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Những ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội - ảnh 7

Tôi đặt trọn niềm tin tưởng vào Đại hội lần này và kỳ vọng rất nhiều vào các đại biểu dự Đại hội sẽ thảo luận, đóng góp các ý kiến có giá trị, thiết thực vào Nghị quyết Đại hội. Trong nhiệm kỳ 2022 – 2027 có đề cập đến nhóm chỉ tiêu về việc vận động, hỗ trợ thành lập mới 350 HTX có phụ nữ tham gia quản lý, đây cũng là cơ hội để phát huy vai trò của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên phụ nữ góp phần vào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế của địa phương. Tôi mong muốn trong thời gian tới, tổ chức Hội sẽ quan tâm hơn nữa tronghỗ trợ HTX do phụ nữ làm chủ và tiếp tục triển khai hiệu quả đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025” để mở rộng kết nối, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Trong thời gian qua, trước diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid -19, nhiều HTX bị ảnh hưởng nặng nề trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trước thực tế đó, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số như hiện nay thì việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được coi là khâu đột phá giúp các HTX phát triển bền vững. Khi áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đòi hỏi các HTX phải có nguồn kinh phí lớn, song việc tiếp cận được nguồn vốn đầu tư ưu đãi của Nhà nước lại khó khăn… Hội sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình phối hợp với các ngành, tổ chức đơn vị để giúp các HTX có nguồn vốn đặc thù về khoa học công nghệ cho khu vực kinh tế phì tập thể thì các HTX mới có điều kiện để mở rộng và ứng dụng bền vững các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, có các hoạt động phối hợp, mở rộng liên kết để xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm của từng địa phương.

Chị Đào Thị Huệ, tổ trưởng nhóm sản xuất, đời máy mới, công ty Canon Việt Nam: 

Đề xuất xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phù hợp cho công nhân

Những ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội - ảnh 8

Hiện đời sống của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất… vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số vấn đề cấp bách của công nhân đó là nhu cầu về nhà ở tại các các khu công nghiệp, thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hóa, cơ sở nuôi dạy trẻ… vẫn còn hạn chế.

Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn Ban Chấp hành khóa mới sẽ nghiên cứu và đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp, trong đó riêng với lao động nữ cần quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới trong lao động, việc làm, trong đời sống xã hội, lồng ghép giới trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các chương trình, kế hoạch hành động của các đơn vị doanh nghiệp gắn với mục tiêu thực hiện tốt Luật bình Đẳng giới và thực hiện Nghị quyết số 11/NQ_TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tổ chức Hội sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần của chị em hội viên phụ nữ và có những cơ chế, chính sách, đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động phù hợp hơn nữa dành cho nữ công nhân ở khu nhà trọ, khu công nghiệp, khu chế xuất… Đặc biệt là có thể thí điểm các hình thức thu hút, tập hợp phụ nữ trên không gian mạng. 

Chị Lê Mỹ Quỳnh, Chuyên gia nghiên cứu bảo mật,Thủ khoa đầu ra học viện Kỹ thuật Mật mã năm 2021: 

Mong Hội tạo điều kiện hơn nữa cho nữ thanh niên phát triển 

Những ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội - ảnh 9

Tôi rất vui mừng, phấn khởi khi là đại biểu trẻ tuổi nhất tham dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027. Tôi tin tưởng và kỳ vọng Đại hội lần này không chỉ đưa ra được phương hướng, nhiệm vụ, quyết sách đúng đắn, sát với tình hình yêu cầu và thực tiễn phát triển của đất nước mà còn bầu ra đội ngũ Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có tầm nhìn và sức mạnh để lãnh đạo, chèo lái, đưa hoạt động Hội ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa; tham mưu cho Đảng, Chính phủ nhiều vấn đề về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em…

Là lực lượng trẻ khoẻ, năng động, có tri thức, luôn đi đầu trong mọi phong trào, lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời cũng là nòng cốt, lớp cán bộ kế cận quan trọng của Hội LHPN Việt Nam, nữ đoàn viên, thanh niên bước vào thời đại 4.0 không chỉ có những thời cơ, thuận lợi mà còn phải đối mặt với nhiều thách thức … Mặc dù công tác bình đẳng giới ngày càng có nhiều thành tựu quan trọng, song tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của nhiều tầng lớp người dân.

Nhiều doanh nghiệp từ chối nhận lao động nữ do lo ngại phải chi trả bảo hiểm, phúc lợi xã hội nhiều hơn nam giới, lo nữ giới mất nhiều thời gian sinh con, chăm sóc gia đình. Thời gian tới, tôi mong muốn lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam tiếp tục có cách làm mới, sáng tạo, sinh động nhằm tập hợp rộng rãi, đông đảo các đối tượng thanh niên, đi sâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và nắm bắt thực trạng, tình hình nữ thanh niên, đồng thời kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho nữ thanh niên tham gia hiệu quả hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, và được tạo điều kiện phát triển ngang bằng với nam giới. Bản thân tôi cũng sẽ luôn phấn đấu, học hỏi, làm việc bằng đam mê, nhiệt huyết, hoài bão để phát triển bản thân, đóng góp cho xã hội.

Chị Đào Lan Hương, Chủ tịch, nhà sáng lập học viện Công nghệ sáng tạo Teky Hà Nội: 

Tăng cường năng lực số cho các nữ doanh nhân khởi nghiệp

Những ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội - ảnh 10

Phải khẳng định rằng, rất nhiều chính sách hỗ trợ hợp lý của nhà nước dành cho những doanh nghiệp do các nữ doanh nhân làm chủ đã phát huy hiệu quả cao trong thời gian qua.

Chẳng hạn Teky, doanh nghiệp của tôi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nhờ chính sách hỗ trợ tài chính của nhà nước trong giai đoạn Covid-19 với doanh nghiệp và người lao động mà đã vượt qua được khó khăn, nắm bắt được cơ hội chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để phát triển. Là một nữ doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, tôi thấu hiểu rằng nâng cao năng lực số là vô cùng quan trọng trong thời đại hiện nay. Tôi kỳ vọng Đại hội lần này, cũng như Ban Chấp hành Trung ương Hội sẽ thúc đẩy hiệu quả hơn nữa các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các cấp Hội và tiếp tục khuyến khích phong trào phụ nữ khởi nghiệp trong các cấp Hội, thúc đẩy phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp thành công.

Trung ương Hội và các cấp Hội tiếp tục xây dựng chương trình hỗ trợ cụ thể dành cho hội viên khởi nghiệp, trong đó chú trọng nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số cho hội viên thông qua các hoạt động hội thảo thay đổi nhận thức, chương trình đào tạo kiến thức - kỹ năng công nghệ, chương trình tiếp cận chuyên gia có kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, cần có tầm nhìn dài hơi hơn với nhóm bé gái, là lực lượng lao động và thành viên của Hội Phụ nữ trong tương lai. Hội cũng tăng cường truyền thông, xây dựng hình ảnh nữ khởi nghiệp, nữ doanh nhân thế hệ số, góp phần tạo cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác tự tin, dám nghĩ, dám làm, xây dựng kinh tế, đóng góp xã hội; tạo điều kiện để Hội viên nữ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa các hoạt động triển lãm công nghệ, đổi mới sáng tạo và diễn đàn Khởi nghiệp - Đầu tư chuyên sâu theo từng ngành, tạo cơ hội học hỏi kinh nghiệm và kết nối kinh doanh; đồng thời, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp nữ điều hành tại Việt Nam đi triển lãm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ ở nước ngoài, nhằm nâng cao cơ hội tiếp cận vốn đầu tư và giới thiệu về môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam, góp phần tăng năng lực thu hút vốn ngoại.

Nhóm phóng viên (ghi)

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.