Nỗ lực sáng tạo trong công việc và gieo những duyên tốt lành

Chia sẻ

Sinh năm 1982, sau khi tốt nghiệp Đại học quốc gia Hà Nội với tấm bằng cử nhân ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Nhật, chị Hà Thị Hằng vào làm việc tại công ty Canon Việt Nam với suy nghĩ thử sức một thời gian để lấy kinh nghiệm. Thế rồi, chị đã bị cuốn vào lúc nào không hay, rồi gắn bó luôn ở đây.

Với nỗ lực sáng tạo trong công việc, chị đã được Hội LHPN Hà Nội tặng danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2020.

Chị Hà Thị Hằng - Trưởng phòng, phòng lắp ráp số 2, Công ty Canon Việt Nam.Chị Hà Thị Hằng - Trưởng phòng, phòng lắp ráp số 2, Công ty Canon Việt Nam.

Bền bỉ nỗ lực sáng tạo trong công việc

Từ xuất phát điểm năm 2004 là nhân viên văn phòng của công ty Canon, qua quá trình phấn đấu chị đã dần được giữ các vị trí quản lý. Năm 2012-2017, chị Hằng đảm nhiệm làm trợ lý Trưởng phòng, phòng quản lý lắp ráp, với công việc quản lý hiệu suất sử dụng lao động, quản lý chi phí và thúc đẩy hoạt động giảm chi phí, hỗ trợ thành lập và cải tiến dây chuyền lắp ráp, duy trì và đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên trong toàn bộ phận. Năm 2018-2019, chị Hằng làm trợ lý Trưởng phòng, phòng lắp ráp số 3, với công việc điều hành hoạt động sản xuất, đảm bảo chất lượng hoàn hảo, nâng cao hiệu suất hoạt động và giảm giá thành.

Không ngừng nỗ lực làm tốt công việc, từ tháng 7/2019 đến nay, chị Hằng được đề bạt lên vị trí Trưởng phòng, phòng lắp ráp số 2, điều hành xưởng lắp ráp với gần 1.000 công nhân viên lắp ráp máy in, nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng, sản lượng đạt được mục tiêu của lãnh đạo công ty đề ra. Trong quá trình phấn đấu ấy, chị Hằng luôn nỗ lực thúc đẩy các hoạt động cải tiến làm tăng năng suất lao động và giảm chi phí. Điển hình là cải tiến áp dụng robot cấp linh kiện cho dây chuyền lắp ráp máy in; cải tiến lãng phí trongcông đoạn để nâng cao hiệu suất cho công nhân từ 97% lên 100%; cải tiến tự động cấp linh kiện từ ngoài kho vào trong dây chuyền bằng hệ thống cấp linh kiện trên không thay thế cho con người (giúp giảm chi phí được 549.000 USD/năm)...

Hoạt động cải tiến này của chị Hằng đã được ghi nhận bằng các giải thưởng như: giải Nhất cấp nhà máy các năm 2013, 2018, 2019 và giải Ba cấp Tổng công ty năm 2019; giải “Sáng kiến, sáng tạo” của Công đoàn các khu công nghiệp & chế xuất Hà Nội năm 2020; giải “Sáng kiến trong Công nhân viên chức lao động Thủ đô” của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội năm 2020.

Ngoài ra, chị Hằng cũng trực tiếp hướng dẫn, đào tạo, tạo điều kiện cho nhân viên phát triển ý tưởng cải tiến, phối hợp với các phòng ban liên quan trong công ty để giải quyết triệt để các vấn đề gặp phải. Chị Hằng còn là chủ biên soạn tài liệu giảng dạy “Phân tích tổn thất xưởng sản xuất”, trực tiếp xây dựng kế hoạch đào tạo và nuôi dưỡng nguồn nhân lực cho bộ phận lắp ráp.

Bên cạnh đó, chị còn tham gia tổ chức các hoạt động vui chơi “vừa làm vừa chơi” cho nhân viên như: “Cuộc thi hùng biện về an toàn lao động”, “Nụ cười nhân viên qua ảnh” nhân ngày Quốc tế phụ nữ, cuộc thi “Bé khỏe, bé ngoan” qua ảnh nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, thành lập góc Thư viện trong xưởng cho nhân viên... Ngoài công việc, chị Hà Thị Hằng còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện của công ty như: nhặt rác bảo vệ môi trường, tuyên truyền an toàn giao thông...

Chị Hà Thị Hằng trong ngày nhận khen thưởng “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2020.Chị Hà Thị Hằng trong ngày nhận khen thưởng “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2020.

Thấu hiểu, sẻ chia và gieo nhân tốt

Chị Hằng chia sẻ: Làm việc với người nước ngoài đôi khi không tránh khỏi căng thẳng, bởi các lãnh đạo người Nhật Bản đòi hỏi rất cao. Họ muốn mình đi được 100m thì bao giờ cũng đặt mục tiêu là 150m, mình phải luôn luôn nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn để đạt được. Thời gian đầu, tôi cũng cảm thấy rất mệt mỏi. Khi trưởng thành hơn, tôi mới thấy đó chính là thử thách cần thiết”.

Theo chị Hằng, trong quá trình làm việc cũng có thất bại, nhưng mỗi lần thất bại lại rút ra được bài học để lần sau sẽ thành công và không có thành công nào mà không trải qua thất bại. Trong công việc, chị luôn tâm niệm “tự thúc đẩy bản thân” để tạo động lực cho mình và cho cả cấp dưới noi theo. Đặc biệt là không bao giờ được từ bỏ mục tiêu đề ra, luôn phải suy nghĩ mọi giải pháp để đạt được mục tiêu đó. Trên cương vị là quản lý, chị Hằng cho rằng: “Quản lý con người là cả một nghệ thuật. Đó không chỉ là quản lý công việc mà còn phải hiểu tính cách, thái độ, phải nhận ra đặc điểm của từng người để có cách xử lý cương nhu phù hợp, tạo được sự đồng lòng của mọi người”.

Vì vậy, chị luôn theo phương châm quản lý “Một người bước trăm bước, không bằng 100 người cùng bước một bước”. Không chỉ trong công việc, chị Hằng cũng tạo được mối quan hệ rất tốt với đồng nghiệp trong cuộc sống hàng ngày. Chị luôn chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ mọi người, tạo cơ hội để anh chị em có thời gian giao lưu, hiểu nhau hơn.

Trở về với “tổ ấm” riêng, chị luôn tự mình chăm lo bữa cơm, kèm cặp dạy dỗ con; luôn có ý thức gắn kết tình cảm vợ chồng, cha mẹ với con cái trong gia đình nhỏ cũng như gia đình lớn, các mối quan hệ nhà nội, nhà ngoại và các mối quan hệ xã hội. “Tôi luôn tâm niệm một điều: Mình muốn người khác đối xử với mình như thế nào thì mình hãy đối xử với họ như vậy. Bởi gieo nhân tốt ắt có quả ngọt nên tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình” - chị Hà Thị Hằng chia sẻ.        

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.