Bảo tàng Báo chí Việt Nam:

Nơi lưu giữ, tôn vinh di sản báo chí cách mạng

Thu Hà (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bắt đầu từ đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8 năm 2014, đến tháng 6/2017, Bảo tàng chính thức ra đời và 3 năm sau, khai trương đón khách trong và ngoài nước đến tham quan hệ thống trưng bày. Nơi lưu giữ di sản báo chí cách mạng và di sản của các thế hệ người làm báo Việt Nam đang ngày mỗi giàu có thêm, tự tin hơn khi lượng khách tìm đến ngày một đông đúc…

Nơi lưu giữ, tôn vinh di sản báo chí cách mạng - ảnh 1
Bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu khu vực trưng bày và chia sẻ về quá trình thu thập, sưu tầm các hiện vật, tư liệu quý giá cho bảo tàng.

Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, và cũng đúng dịp Bảo tàng Báo chí Việt Nam tròn 3 năm mở cửa đón khách (19/6/2020-19/6/2023), Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Kim Hoa về hành trình tìm kiếm, sưu tầm các hiện vật để tạo nên những câu chuyện thú vị về di sản báo chí Việt Nam 158 năm qua.

Làm bảo tàng theo cách của những người làm báo
Là vị giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhận nhiệm vụ từ lúc đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn nằm trên giấy, bà có thể chia sẻ về hành trình “khai sinh” của bảo tàng như thế nào?

Là một nhà báo sang làm bảo tàng nên tôi có nhiều bỡ ngỡ phải vượt qua. Tôi bắt đầu công việc mới bằng việc học nghề làm bảo tàng. Ngay từ đầu, tôi đã nhận ra rằng làm bảo tàng không khó nhưng làm cho hay cho tốt thì vô cùng khó. Nếu viết báo thì mình có con chữ, có ý tưởng, có câu chuyện, có tư liệu là mình viết được; nhưng làm bảo tàng là liên quan đến các thế hệ trước, liên quan đến câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ, liên quan đến lịch sử, không chỉ có quyết tâm là đủ, mà cần rất nhiều yếu tố khách quan, may mắn. Một tờ báo phát hành năm ngoái, nếu không có phòng tư liệu cất giữ thì cũng khó tìm được, huống hồ đi tìm những tờ báo có tuổi đời hàng trăm năm, đã thất lạc, qua tay nhiều người và có những hành trình không ai đoán được, hoặc đơn giản là nó được cất giữ, nằm im ở một góc nào đó. Cho nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu và phát huy giá trị di sản báo chí đã có vô vàn khó khăn xảy ra, thách thức sự bền gan vững chí của cá nhân tôi và các đồng nghiệp của tôi. 

Năm 2014, khi quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam được ban hành, “ngôi nhà ký ức báo chí” đó mới chỉ mọc lên sơ khai bằng chữ và hoàn toàn trong tưởng tượng, thậm chí còn chưa rõ cụ thể nó sẽ thế nào. Khi bắt tay vào làm bảo tàng như thế nào lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Những câu chuyện lịch sử báo chí của chúng ta bắt buộc phải có những hiện vật, tư liệu đại diện và đắt giá. 

Suốt gần 10 năm qua, tôi nghĩ rằng có lẽ những năm tháng làm báo trước đó đã giúp tôi và các đồng nghiệp của mình ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam tìm ra cách làm bảo tàng theo cách của những nhà báo, để nắm bắt được dòng chảy lịch sử của báo chí nước nhà, để tổ chức được “những chiến dịch” theo kế hoạch đã đề ra, làm sao cho đúng ngày, đúng tháng Bảo tàng sẽ ra đời, và mở cửa đón khách. Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính là một tác phẩm báo chí lớn nhất mà tôi đã may mắn được góp sức xây dựng vì thế!

Cụ thể, để tìm kiếm hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bà và đồng nghiệp đã gặp phải những khó khăn nào trong “những chiến dịch” ấy?

Năm 2014, khi chúng tôi được tiếp xúc với các chuyên gia về bảo tàng, đều được nghe nói về việc muốn có Bảo tàng, nhanh nhất cũng phải 10 năm! Và trong bối cảnh chỉ có tôi và vài người nguyên là cán bộ Hội được điều sang, ngân sách chuyên môn không có vì bấy giờ bảo tàng chưa ra đời, công việc thì như núi, chúng tôi đã mạo hiểm bước những bước đầu tiên, phát huy sáng kiến của Hội Nhà báo Việt Nam, tiếp tục vận động các nhà báo hiến tặng kỷ vật báo chí cho bảo tàng tương lai. 

Nơi lưu giữ, tôn vinh di sản báo chí cách mạng - ảnh 2
Những hiện vật thể hiện những dấu mốc đầu tiên của Báo chí Cách mạng Việt Nam được trưng bày trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: T.H
Nơi lưu giữ, tôn vinh di sản báo chí cách mạng - ảnh 3
Chiếc loa ở cầu Hiền Lương thực hiện nhiệm vụ “đấu loa” từ bờ Bắc sang bờ Nam

Lễ hiến tặng đầu tiên mà tôi được dự với tư cách nhà báo, đến Lễ hiến tặng thứ 2 thì tôi đã là người chủ động thực hiện với tư cách là người làm bảo tàng. Từ 500 hiện vật đầu tiên, đến nay, chúng tôi đã có trên 35 nghìn hiện vật, tư liệu. Năm 2017, để đủ điều kiện thành lập Bảo tàng theo quy định của Luật Di sản, chúng tôi đã dày công xây dựng những bộ sưu tập đầu tiên về nhà báo Hồ Chí Minh, nhà báo Võ Nguyên Giáp, về báo chí cách mạng Việt Nam từ 1925-2017; báo chí Việt Nam 1965-2017…

Để thúc đẩy bảo tàng ra đời, chúng tôi cấp tập sưu tầm hiện vật tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, gõ cửa các thư viện, bảo tàng, khu di tích, đến nhà các nhà báo lão thành, nhờ Hội, báo, đài ở địa phương vào cuộc, hỗ trợ. Tôi nhớ có chuyến đi 5 ngày ở phía Nam, thì 5 ngày ấy chúng tôi sẽ chạy 5 tỉnh, phải làm việc trên điện thoại từ trước, rồi đi lại, gặp gỡ, khai thác không nghỉ từ sáng sớm cho đến tối muộn, nhiều hôm 10-11 giờ đêm mới về đến phòng nghỉ. Sáng mai 5 giờ sáng lại đi tiếp. 

Nhờ thế, từ đề cương trưng bày đầu tiên được khởi thảo đến những bản đề cương chính thức sau này, từng dòng, từng chữ đã được bồi đắp dần dần cho đến khi được phê duyệt với những điểm nhấn, những câu chuyện làm báo của các thế hệ ngày một đậm đà, phong phú, sống động vì được chuyển tải bằng hình ảnh, tư liệu, hiện vật... Cứ thế, sự cần mẫn đã giúp chúng tôi ngày một chủ động trong hành trình về đích, cho đến tháng 6/2020, chỉ sau 3 năm ra đời, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã chính thức khai trương hệ thống trưng bày gắn liền với lịch sử báo chí nước nhà!

Lưu giữ những câu chuyện di sản báo chí cách mạng
Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời được xem như nơi lưu giữ những câu chuyện di sản báo chí cách mạng. Vậy những câu chuyện di sản đó được kể như thế nào thưa bà?

Có thể khẳng định một điều từ khi khai trương đến nay, những hiện vật trong tủ trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam có 95% là bản gốc. Có thể tự hào rằng, hiện nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam là một địa chỉ giàu có về báo chí các thời kỳ. Bằng nhiều cách thể hiện khác nhau, chúng tôi đã huy động nhiều kênh, nhiều trưng bày chuyên đề, nhiều hoạt động phát huy giá trị di sản để có thể đến với công chúng những bộ sưu tập báo chí, những câu chuyện làm báo đặc sắc của từng giai đoạn lịch sử. Mỗi giai đoạn lịch sử, đều có những điểm nhấn riêng, những góc trưng bày ấn tượng.

Ví dụ, giai đoạn 1925-1945, đây là giai đoạn khó nhất trong việc khai thác tư liệu lịch sử - giai đoạn báo chí yêu nước và cách mạng. Có những báo chỉ ra được 1 số duy nhất như tờ “Le Nhà quê” do nhà báo Nguyễn Khánh Toàn làm chủ bút. Vì cách bày tỏ tinh thần yêu nước mạnh mẽ, nên tờ báo mới ra số đầu tiên đã lập tức đã bị nhà cầm quyền đình bản và ông Nguyễn Khánh Toàn phải chịu án tù treo.

Đặc biệt là Báo Thanh Niên do nhà báo Nguyễn Ái Quốc sáng lập, cho đến nay các nguồn chúng tôi tiếp cận được đều chưa có bản gốc. Thậm chí khi lãnh đạo Hội và cá nhân tôi được theo lời mời của Hội Nhà báo Trung Quốc sang tham quan bên đó, được Hội Nhà báo tỉnh Quảng Đông dẫn đến nơi ra đời của Báo Thanh Niên, ở đó cũng bày bản chụp chứ không phải là bản gốc. 

Khi bạn đến gian trưng bày này tại Bảo tàng sẽ thấy, về cơ bản các hiện vật, tự liệu ở đó hiện đã phần nào đáp ứng được mong muốn của người xây dựng bảo tàng cũng như từ phía công chúng. Trên các vách đồ hoạ, đã thể hiện rõ nét di sản của báo chí yêu nước và cách mạng, thấy được hành trình làm báo của nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ châu Á đến châu Âu, cho đến khi về Pác Bó làm báo Việt Nam Độc Lập, rồi đến ngày 2/9/1945 với bản Tuyên ngôn Độc lập… Một tư liệu rất quý từ nhà báo Hồng Hà, dẫn việc Bác ở Paris làm tờ “Việt Nam hồn”, đã có tờ kêu gọi kiều bào ta mua báo với nội dung, cách hành văn, dùng từ thú vị như thế nào. 

Hay, Bảo tàng Báo chí cũng là nơi “nói” với công chúng trẻ rằng, ngày xưa nhiều nhà hoạt động cách mạng xuất sắc của chúng ta, đồng thời cũng là những ngòi bút, những nhà báo cách mạng xuất sắc, đó là những tên tuổi như Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy…

Một trong những di sản báo chí thời chống Mỹ rất được các công chúng trong và ngoài nước, ở mọi lứa tuổi khi tham quan bảo tàng báo chí đều tâm đắc và dừng lại để ngắm nghía, chụp ảnh lưu niệm là hiện vật chiếc loa ở cầu Hiền Lương. Đó là một hiện vật độc đáo, quý hiếm, gắn với câu chuyện “đấu loa” bên bờ dòng sông Bến Hải những năm 1954-1965 của thế kỷ trước, được Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng trị, UBND tỉnh Quảng trị hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. 

Đó còn là câu chuyện viết báo dưới hầm, gắn với căn hầm của Báo Nhân Dân những năm chống Mỹ. Bảo tàng không có điều kiện tái hiện căn hầm, nhưng đã phần nào “kể” được câu chuyện 12 số Báo Nhân Dân đặc biệt đã ra đời dưới làn bom B52 tháng 12 năm 1972, với chiếc bàn làm việc trên đặt những hiện vật, tư liệu gắn với nhà báo Hoàng Tùng - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân thời kỳ ấy. Kể chuyện Thủ đô phẩm giá con người của chúng ta đã chống lại pháo đài bay B52 hủy diệt của Mỹ, cũng là kể câu chuyện về bản lĩnh người làm báo cách mạng trước hiểm nguy, sống chết. 

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời công nghệ số, báo chí đương đại đang trong dòng chảy của chuyển đổi số. Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã làm thế nào để hoà mình vào dòng chảy đó, thưa bà?

Chuyển đổi số là vấn đề lớn ngày hôm nay của báo chí. Muốn chuyển đổi số, phải có tiềm lực và nhân lực, có công nghệ đi kèm. Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã ý thức việc này rất sớm và chuyển đổi từng bước tùy theo sức của mình. Thật ra, trước khi nói đến chuyển đổi số, chúng tôi đã rất coi trọng chuyện số hóa, chuyện lưu giữ làm sao tốt nhất, hiệu quả nhất tư liệu hiện vật. Vì ở dạng vật chất, tuổi đời của hiện vật muốn lưu giữ, kéo dài đòi hỏi những điều kiện bảo quản rất ngặt nghèo, khó khăn, phức tạp về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ…. Vì thế việc số hóa càng cần kíp. Hơn nữa, không thể nào với diện tích 1500m2, nếu chỉ bày cũng không thể nào bày hết hiện vật được, chỉ có cách phải nén lại và phát huy bằng số hóa. Ngày nay, những người làm khoa học cũng như công chúng trẻ ngoài xem, nghe thụ động đều thích chủ động, tự mình tra cứu bằng cách lướt trên các thiết bị công nghệ. Thông qua công nghệ số, việc quản lý, khai thác, giới thiệu, tôn vinh di sản đến với công chúng chắc chắn sẽ thuận lợi và có những kết quả tốt hơn rất nhiều so với việc chỉ dừng lại sử dụng những công nghệ truyền thống! 

Mong muốn của chúng tôi là tới đây sẽ ra được bảo tàng điện tử đủ hấp dẫn và tiện dụng để phục vụ tốt nhất cho công chúng và phù hợp với nghiệp vụ bảo tàng thời số hoá. 

Trân trọng cảm ơn bà!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội nhập quốc tế cơ hội và thách thức

Hội nhập quốc tế cơ hội và thách thức

(PNTĐ) - Sáng 2/10, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI năm 2023 với chủ đề “Hội nhập quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng xuất, nhập khẩu, công nghiệp, thương mại và dịch vụ giai đoạn 2023-2025". Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự hội nghị.