Ở ngành nào, lĩnh vực nào cũng có những đóng góp tích cực của Phụ nữ Thủ đô

Chia sẻ

Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XVI là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cấp Hội và các tầng lớp phụ nữ Thủ đô, được tiến hành vào thời điểm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, 10 chươ

Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó CT Thường trực Hội LHPN Hà Nội báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021.

Phụ nữ Hà Nội đạt nhiều thành tích trong nhiệm kỳ qua

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp phụ nữ và nhân dân, Thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Mặc dù chiếm 1% diện tích, 8,5% dân số nhưng Hà Nội đã đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách. Đời sống của nhân dân trong đó có phụ nữ Thủ đô được cải thiện rõ nét. Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có chuyển biến tích cực. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hà Nội gia nhập mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới được nâng cao. Hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới được triển khai đồng bộ, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ khẳng định vai trò quan trọng và tiềm năng to lớn trong gia đình và xã hội.

Nhiều sản phẩm sáng tạo của Hội Phụ nữ TP được đánh giá caoNhiều sản phẩm sáng tạo của Hội Phụ nữ TP được đánh giá cao

Bên cạnh những thuận lợi, phong trào phụ nữ và công tác Hội đứng trước không ít khó khăn, thách thức: Áp lực của đô thị đặc biệt với quy mô dân số đông, số lao động nhập cư lớn trong đó nhiều lao động nữ, trình độ không đồng đều, nhu cầu đa dạng. Vấn đề an ninh phi truyền thống, tội phạm và tệ nạn xã hội tiềm ẩn phức tạp; ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, thiên tai, dịch bệnh đặc biệt là dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống, việc làm của phụ nữ. Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em vẫn diễn biến phức tạp.

Năm năm qua, cùng với cả nước, Hà Nội đã đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là năm 2020 và 2021, vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,68%. Ở ngành nào, lĩnh vực nào cũng có những đóng góp tích cực của phụ nữ Thủ đô.

Phụ nữ trong các ngành dịch vụ (du lịch, thương mại, thuế, tài chính, ngân hàng, thông tin truyền thông, bảo hiểm...) chiếm số lượng đông đảo đã chủ động rèn luyện trình độ, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính, phát triển mạnh thương mại điện tử, đóng góp đáng kể cho tốc độ tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ trong cơ cấu GDP lên 63,4%. 

Trong các ngành công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, chị em phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mang lại nhiều sản phẩm công nghệ cao, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, đáp ứng yêu cầu trong nước và thị trường quốc tế, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố trung bình 9,0%/năm. Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động nữ với bàn tay khéo léo đã tạo ra những sản phẩm có thương hiệu được ưa chuộng trong nước và trên thế giới như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, thêu ren Quất Động, nón làng Chuông...

Trong lĩnh vực nông nghiệp, phụ nữ có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao và an toàn thực phẩm, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo và kinh tế khu vực ngoại thành Hà Nội. Chị em mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm an toàn, hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn, phát triển mô hình trang trại, nông nghiệp sinh thái, hưởng ứng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất đạt 280 triệu đồng/ha. Phụ nữ nông thôn Hà Nội cũng là lực lượng chủ lực trong xây dựng văn hóa, phát huy giá trị truyền thống, bước đầu tạo sức hút cho du lịch nông thôn...Kết quả xây dựng nông thôn mới của Thủ đô dẫn đầu cả nước .

Đội ngũ nữ doanh nhân Thủ đô chiếm tỷ lệ 26,7% tổng số doanh nhân của Hà Nội, tăng 5% so với năm 2016, đã năng động, sáng tạo, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vượt qua khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, chủ động nắm bắt cơ hội đầu tư, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước... góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế, ổn định việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội, hoạt động thiện nguyện, được cộng đồng ghi nhận và tôn vinh.

Trong lĩnh vực phát triển văn hóa xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh, các tầng lớp phụ nữ có vai trò quan trọng trong giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến Thăng Long-Hà Nội, tích cực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô.

Đội ngũ nữ trí thức của Thủ đô có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Tỷ lệ nữ tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng. Giai đoạn 2016 -2021 đã có 94 nhà khoa học nữ chủ trì nhiệm vụ thuộc các chương trình của Thành phố. Hầu hết các đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng trong cuộc sống. Cùng với việc trực tiếp chủ trì và tham gia các công trình nghiên cứu, các nhà khoa học nữ còn là thành viên các Hội đồng tư vấn của sở Khoa học và Công nghệ, Ban Chủ nhiệm các chương trình, đề tài khoa học Thành phố, chiếm tỷ lệ từ 15-20%.

Chiếm trên 80% cán bộ, viên chức trong ngành giáo dục, chị em hưởng ứng phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, tích cực đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng; mở rộng phương thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, nhất là trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô và đất nước. Trong 5 năm qua, đã có 01 nữ nhà giáo đạt danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 16 nữ nhà giáo đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú và hàng ngàn nữ giáo viên dạy giỏi các cấp, góp phần khẳng định vị trí dẫn đầu của ngành giáo dục Thủ đô.

Chiếm tỷ lệ đông đảo trong ngành y tế, đội ngũ nữ y, bác sỹ, nhân viên y tế rèn luyện y đức, thái độ phục vụ và tinh thần “Lương y như từ mẫu”, đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, chăm lo sức khỏe của nhân dân. Nhiều nữ cán bộ, nhân viên ngành y của Thành phố đã nêu gương sáng tận tụy, kiên cường, hết mình trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Giai đoạn 2016 – 2021, 01 nữ bác sỹ đã vinh dự nhận danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, 19 nữ bác sỹ được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Đóng góp trong thành tích chung của sự nghiệp văn hóa, thể thao của Thủ đô có sự tham gia của hàng ngàn phụ nữ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, báo chí, thể thao…

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP nhấn mạnh tại Đại hộiPhó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP nhấn mạnh tại Đại hội

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động Thủ đô không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Thủ đô ngày càng trưởng thành, nhiều chị được tín nhiệm giữ những cương vị lãnh đạo, quản lý trong cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ 3 cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nữ trúng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cao hơn nhiệm kỳ trước: Cấp cơ sở 26,3%  (tăng 3,6%), cấp huyện 24,1% (tăng 8,03%), cấp Thành phố 19,7% (tăng 7,7%). Nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV là 24,13%; nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp Thành phố đạt 25,26% (tăng 1,5%), cấp huyện 33,37% (tăng 3,28%), cấp xã 39,75% (tăng 11,22%).

Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và đối ngoại, phụ nữ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội từ gia đình, xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vì biển đảo quê hương, là hậu phương vững chắc cho các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đồng thời là nòng cốt tham gia hoạt động hoà giải tại cộng đồng, củng cố quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; thực hiện tốt các hoạt động ngoại giao nhân dân, đấu tranh chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch...

Có thể khẳng định, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Phụ nữ Thủ đô trên mọi lĩnh vực đã phát huy phẩm chất tốt đẹp, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao với những thành tích nổi bật trong chuyên môn và sôi nổi tham gia các phong trào thi đua, khẳng định vị thế và vai trò quan trọng đóng góp trong công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào phụ nữ phát triển chưa đồng đều giữa các ngành, các lĩnh vực, các địa phương; chưa phát huy hết tiềm năng, sức sáng tạo của các nhóm phụ nữ nhất là nữ trí thức, phụ nữ có tầm ảnh hưởng. Đời sống vật chất, tinh thần của nữ lao động tự do, phụ nữ nhập cư, phụ nữ nông thôn, phụ nữ làm trong một số ngành đặc thù còn khó khăn, nhất là trước tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, có lối sống thực dụng, thiếu ý chí vươn lên. Cá biệt có phụ nữ chưa thực hiện tốt trách nhiệm công dân. Trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của một bộ phận lao động nữ chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ hội nhập, dẫn đến hạn chế khả năng chuyển đổi việc làm và nâng cao thu nhập của phụ nữ.

Những dấu ấn trong hoạt động Hội nhiệm kỳ 2016-2021

Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã bám sát chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Thành ủy Hà Nội, triển khai sâu rộng phong trào thi đua, ba cuộc vận động, hai khâu đột phá và ba nhiệm vụ trọng tâm gắn với quán triệt, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 16/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI và 8 chương trình công tác của Thành ủy; chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng

Từ phong trào thi đua, nhiều mô hình, phần việc thiết thực đã được các cấp Hội triển khai, không chỉ hình thành thói quen tiết kiệm, sống xanh cho phụ nữ mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho gia đình và cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư. Trong nhiệm kỳ qua, với số tiền tiết kiệm 55,65 tỷ đồng, cán bộ, hội viên, phụ nữ Thành phố đóng góp xây sửa 619 mái ấm tình thương, 81 nhà tình nghĩa, giúp gần 40.000 phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, Thủ đô và tổ chức Hội, Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp, các chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVI, khóa XVII), tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Các cấp Hội tổ chức tốt hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử tới cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ Thủ đô thông qua hoạt động về nguồn, giao lưu nhân chứng lịch sử, hội thảo, tọa đàm nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, đất nước và tổ chức Hội. Hội LHPN Hà Nội phát động cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” để cụ thể hóa tuyên truyền cán bộ, hội viên, phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo của phụ nữ Việt Nam, thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố. Các hoạt động hưởng ứng chương trình “Áo dài - di sản văn hóa Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam phát động được triển khai bằng nhiều cách làm sáng tạo , có sức lan tỏa rộng rãi, lôi cuốn phụ nữ trong các ngành, lĩnh vực tham gia, góp phần tôn vinh nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Công tác nắm bắt, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội được quan tâm kịp thời, tích cực đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; tham gia giải quyết tốt những vấn đề bức xúc liên quan đến phụ nữ .

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy báo cáo vềcCông tác vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc được triển khai hiệu quả; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em  cho thấy, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, triển khai cuộc vận động“xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, Dự án 3 Đề án 279 “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”, Đề án 404 “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”, thực hiện chủ đề “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”... Tổ chức tập huấn, truyền thông kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc; các hoạt động điểm nhấn nhân ngày Gia đình Việt Nam. 100% cơ sở Hội xã, phường, thị trấn đã rà soát, giúp đỡ 21.849 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động (vượt chỉ tiêu đề ra).

Phong trào “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”, tham gia đảm bảo trật tự, văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp Hội triển khai bền bỉ thông qua nhiều hoạt động phong phú, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Các mô hình đoạn đường, tuyến phố phụ nữ tự quản xanh, sạch, đẹp, nở hoa; mô hình “Biến chân rác thành vườn hoa”, “Hoa trong phố”, "Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh - sạch - đẹp thân thiện với môi trường”, mô hình "Sạch đồng ruộng”, "Góc xanh”, vẽ tranh tường, “Gia đình”...

Nội dung, phương thức hoạt động Hội có nhiều đổi mới, tạo nên những dấu ấn nổi bật: Các cấp Hội triển khai có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, các đợt thi đua cao điểm, thi đua đặc biệt, hành động thiết thực vì cộng đồng, vì phụ nữ, trẻ em, với hàng nghìn công trình, phần việc gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tham gia xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ điển hình xuất sắc được tôn vinh giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, Công dân Thủ đô ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Người tốt việc tốt, Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu...

Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục của Hội bám sát nhiệm vụ chính trị của Thủ đô và đất nước; đổi mới, linh hoạt về hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để kết nối tới hội viên, đáp ứng yêu cầu thông tin trong tình hình mới. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần vun đắp các giá trị tốt đẹp của gia đình, xây dựng  nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền phê duyệt, tổ chức triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế, đảm bảo sự an toàn và hỗ trợ sự phát triển của phụ nữ, trẻ em. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hậu phương quân đội, nhân đạo từ thiện, tinh thần phụ nữ Hà Nội cùng phụ nữ cả nước được thể hiện rõ nét.

Các cấp Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ Thủ đô đoàn kết, đồng lòng chung tay cùng Thành phố triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tổ chức Hội thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh được tập trung đầu tư trọng tâm là kiện toàn, củng cố tổ chức Hội cơ sở, chi hội, tổ phụ nữ. Mở rộng các mô hình tập hợp phụ nữ đặc thù, phát triển hội viên tại địa bàn khó khăn. Hà Nội là địa phương đứng thứ hai cả nước về dân số và có số hội viên Hội quản lý cao nhất cả nước. Đội ngũ cán bộ Hội ngày càng trẻ hóa, có tinh thần trách nhiệm, có kiến thức, tâm huyết với công tác Hội. Hoạt động giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu hội nhập; quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

Với sự nỗ lực của cán bộ, hội viên, phụ nữ và các cấp Hội, 5 năm qua, các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ Hà Nội lần thứ XV đề ra đã hoàn thành. Sáu nhóm chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2016-2021 đề ra đều đạt và vượt, trong đó 4/6 nhóm chỉ tiêu vượt cao , góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, đóng góp tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ đô; khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị. Nhiều tập thể, cá nhân trong hệ thống Hội được Nhà nước, Chính phủ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý . Hội LHPN Hà Nội vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

 Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.