Phân cấp, phân quyền mạnh cho Hà Nội và TP HCM phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 13/2, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

HĐND Thành phố có trách nhiệm bố trí kế hoạch đầu tư công

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh cho biết, việc xây dựng Nghị quyết nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho hai thành phố trong việc triển khai đầu tư, phát huy tính chủ động, tích cực của hai thành phố; hiện thực hóa các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.

Phân cấp, phân quyền mạnh cho Hà Nội và TP HCM phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị  - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình.

Để bảo đảm tiến độ, Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết và trình Quốc hội theo trình tự thủ tục rút gọn để thông qua tại một kỳ họp.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, dự thảo Nghị quyết gồm 11 Điều, quy phạm hóa 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua gồm: huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, nhóm chính sách về huy động nguồn vốn tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định: Thủ tướng Chính phủ được quyết định bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm cho địa phương; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác mà không phải theo thứ tự ưu tiên; huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập Đề xuất dự án.

Phân cấp, phân quyền mạnh cho Hà Nội và TP HCM phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị  - ảnh 2
Quang cảnh kỳ 

HĐND Thành phố có trách nhiệm bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm vốn ngân sách địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chỉ và nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án được bố trí vốn qua nhiều kỳ trung hạn; UBND Thành phố được bố trí vốn để triển khai trước một số công việc phục vụ cho dự án (chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng,...).

Cân nhắc thực hiện công tác chỉ định thầu, bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm với các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn đã nêu tại Tờ trình.

Phân cấp, phân quyền mạnh cho Hà Nội và TP HCM phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị  - ảnh 3
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra

Tại điểm a khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ trong trường hợp giảm hoặc bổ sung dự án so với Phụ lục danh mục dự án kèm theo Nghị quyết, thì số vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện dự án sẽ được xác định như thế nào để tránh khoảng trống pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện.

Tại khoản 7 Điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án. Ủy ban Kinh tế cho rằng, đối với việc chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án đường sắt đô thị là phù hợp, do tính chất đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ của loại dự án này.

Tuy nhiên đối với các dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD đề nghị cân nhắc thực hiện công tác chỉ định thầu để bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả trong việc khai thác, phát triển khu vực TOD.

Đối với các quy định áp dụng riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh (Điều 9), Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các quy định này cơ bản được kế thừa tại Luật Thủ đô, do đó đề xuất của Chính phủ là có cơ sở.

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 9 dự thảo Nghị quyết quy định “UBND Thành phố được phép tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất để chỉnh trang phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt” là chưa thống nhất với các quy định về dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết.

Bên cạnh đó, khoản 26 Điều 79 Luật Đất đai đã quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có các dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển, để làm cơ sở cho thành phố triển khai thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị. Vì vậy, quy định nêu trên là không cần thiết.

Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát, chịu trách nhiệm về các số liệu đề xuất và tính tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Nghị quyết và các văn bản khác có liên quan.

 

Tin cùng chuyên mục

Sơn Tây: Tăng cường tuyên truyền an toàn giao thông và điểm nổi bật của Nghị định 168

Sơn Tây: Tăng cường tuyên truyền an toàn giao thông và điểm nổi bật của Nghị định 168

(PNTĐ) - Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh và phụ huynh, Trường Tiểu học Quang Trung (thị xã Sơn Tây) đã triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” và nhiều hoạt động tuyên truyền về Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và hiện nay là những điểm nổi bật của Nghị định 168/2024/NĐ-CP…
Tổ chức cầu truyền hình chính luận nghệ thuật "Sáng mãi truyền thống phụ nữ Ba đảm đang“

Tổ chức cầu truyền hình chính luận nghệ thuật "Sáng mãi truyền thống phụ nữ Ba đảm đang“

(PNTĐ) - Thiết thực kỷ niệm 115 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 60 năm phong trào Ba đảm đang, mốc son trong phong trào hành động cách mạng của phụ nữ Thủ đô khởi nguồn từ quê hương Đan Phượng, được sự nhất trí của Thường trực Thành ủy, Hội LHPN Hà Nội sẽ tổ chức chương trình cầu truyền hình chính luận nghệ thuật mang tên "Sáng mãi truyền thống phụ nữ Ba đảm đang".