Phát tán tin giả về dịch Covid-19 có thể bị xử phạt đến 7 năm tù

Chia sẻ

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ thực tiễn công tác chỉ đạo, quản lý và giám sát thông tin trên không gian mạng cho thấy, việc phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Pháp luật quy định rõ hành vi tung tin sai sự thật

Cụ thể, nhiều người tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc-xin Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc-xin của Chính phủ, việc sử dụng quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Đáng chú ý là nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính với một đối tượng có hành vi “cung cấp thông tin sai sự thật” trên mạng xã hộiSở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính với một đối tượng có hành vi “cung cấp thông tin sai sự thật” trên mạng xã hội (Ảnh: Phạm Linh)

Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương; gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.

Thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, trong năm 2020, các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Tại Hà Nội, riêng 5 tháng đầu năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã phát hiện, xử lý trên 30 trường hợp vi phạm, đăng tải các thông tin chứa nội dung sai sự thật về dịch bệnh Covid-19, với tổng số tiền nộp phạt hơn 270 triệu đồng. Ngoài ra, các bộ phận chức năng của Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát, nhắc nhở, yêu cầu gỡ thông tin đối với nhiều trường hợp khác.

Theo luật sư Nguyễn Huy Xanh - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hiện nay, pháp luật đã có những quy định rõ ràng với hành vi tung tin sai sự thật. Điều 8 và Điều 9 Luật An ninh mạng 2018 nêu rõ: “Nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Người dân tránh biến mình thành công cụ “phát tán” tin giả

Đợt dịch lần thứ 4 này được nhận định là phức tạp, khó lường. Đảng và Nhà nước ta xác định quan điểm nhất quán, đặt vấn đề bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân lên đầu, dù có phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt và ngắn hạn. Cùng với nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền, người dân cũng cần phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình qua hành động cụ thể. Mỗi người hãy bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin trước khi tiếp nhận, đăng tải lên mạng xã hội; nói “không” với tin giả, tin sai sự thật để trở thành “lá chắn” trước những luồng thông tin độc hại, tránh biến mình thành công cụ phát tán tin giả cho kẻ có ý đồ xấu, gây hoang mang dư luận; luôn tin tưởng, ủng hộ, chia sẻ với các cơ quan chức năng để Việt Nam sớm đẩy lùi dịch bệnh.

“Tất cả hành vi đăng thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, tin giả, bịa đặt liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, xuyên tạc những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh… dù là cố tình hay vô ý đều đáng lên án và sẽ bị xử lý thích đáng. Tùy mức độ vi phạm, mức nghiêm trọng về hậu quả do hành vi gây ra, người vi phạm có thể chịu xử lý vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự” – luật sư Nguyễn Huy Xanh nhấn mạnh.

Sở Tư pháp Hà Nội mới đây cũng công bố mức xử phạt đối với 16 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền tối đa 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, mức phạt tù tối đa 7 năm và còn có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.
Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.