Phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội từ công nghiệp văn hóa

Nghĩa Nam
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có hẳn một Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hà Nội kỳ vọng đưa Thành phố hơn 1.000 năm tuổi trở thành Thành phố của di sản, Thành phố của những bộ óc sáng tạo hàng đầu khu vực.

Bảo vệ hệ giá trị Thăng Long - Hà Nội ngàn năm

Với bề dày lịch sử hơn 1.000 năm tuổi, hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã tạo nên một khối di sản khổng lồ dẫn đầu cả nước với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia, 1 di sản văn hóa thế giới; 70 không gian sáng tạo, 42 bảo tàng, 54 thư viện, 18 nhà hát và 43 rạp chiếu phim, 40 gallery…

Những di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng quốc gia như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, Tháp Rùa - đền Ngọc Sơn, khu Di tích thành Cổ Loa, khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2010)… đã để lại một hệ giá trị văn hóa đặc sắc không nơi nào có được.

Cùng với đó, Hà Nội cũng đang sở hữu một “bảo tàng sống” về quá trình hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long - Hà Nội như khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm. Qua bao thăng trầm của lịch sử, khu phố cổ Hà Nội vẫn giữ được nguyên vẹn hệ giá trị của đất Kinh kỳ một thuở: Kiến trúc cổ độc đáo từ những nhà cổ; phố hàng, phố chợ - lưu giữ chứng tích là trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa của một “Hà Nội – Kẻ Chợ”, một “Hà Nội 36 phố phường”…

Trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, Hà Nội nhận thức rõ giá trị của những di sản văn hóa ngàn năm tuổi, xác định phải có sự gắn bó mật thiết giữa di sản và sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Thành phố đề cao vai trò của hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa; xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển.

Phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội từ công nghiệp văn hóa - ảnh 1
  Người dân xếp hàng tham quan Tháp nước Hàng Đậu trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo. Ảnh: Int.
 

Do vậy, tại Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Phát triển CNVH trên nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, để Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo, quảng bá nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.

Tại Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (ngày 24/11/2023), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh điều này một lần nữa khi nói về việc quản lý, sắp xếp các sự kiện phù hợp với không gian văn hóa khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Dẫn chứng về Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô, đồng chí Bí thư Thành ủy lưu ý về nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 09, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho 3 lĩnh vực trọng điểm, trong đó có tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử để phát triển du lịch, tạo nguồn thu bền vững.

Đặc biệt, việc thực hiện phải hài hòa phù hợp làm sao để vừa phát huy hiệu quả, vừa gìn giữ được những giá trị gốc, những nét đẹp cổ kính, truyền thống vốn có.

Lấy nguồn lực, sáng tạo văn hóa làm nền tảng phát triển đô thị bền vững

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” diễn ra sáng 22/12/2023, tham luận với chủ đề “Hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 22/2/2022 - Thiết kế không gian trải nghiệm từ những di sản văn hóa, kiến trúc, công nghiệp” từ thực tiễn của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà cho biết, năm 2019, thành phố Hà Nội đã tham gia là thành viên mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, mục tiêu của Thành phố lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho phát triển đô thị bền vững.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09, xác định các lợi thế của Thủ đô để triển khai, trước mắt đó là du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, quảng cáo, ẩm thực, phần mềm và các trò chơi giải trí…

Bên cạnh xác định mục tiêu cụ thể từng giai đoạn và các giải pháp tổng thể phát triển văn hóa, thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị triển khai một số sản phẩm văn hóa cụ thể trong từng năm để đánh giá kết quả. Điển hình như chương trình tham quan di tích lịch sử Hỏa Lò, tour du lịch Giải mã Hoàng thành Thăng Long, chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám…

Nhiều triển lãm trưng bày quy mô đã diễn ra, thu hút lượng lớn khán giả tham quan thụ hưởng, số khách tăng 200% so với trước khi thực hiện.

Phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội từ công nghiệp văn hóa - ảnh 2
Nhà cổ Mã Mây. Ảnh: Int

Sau 4 năm chính thức là thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển CNVH, hiện nay, Thành phố đã có sự phát triển đa dạng về các sản phẩm văn hóa, trong đó kết nối mạng lưới hơn 100 không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô kết nối với hơn 400 thành phố trên thế giới; triển khai các nội dung công việc có bản sắc của thành phố Hà Nội nhưng vẫn lưu giữ truyền thống định hình hiện tại và hướng tới tương lai.

Nhiều không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, hơn 3 năm triển khai đã có hơn 500 sự kiện trong nước và quốc tế đã được tổ chức.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà cũng cho biết, một trong những điểm nhấn khi tham gia Thành phố sáng tạo là Hà Nội đã phối hợp với UNESCO tại Việt Nam và UNHABITAS tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo thường niên hằng năm, trong đó mỗi năm chọn những chủ đề khác nhau.

Năm 2021 chọn chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo”, năm 2022 có chủ đề “Sáng tạo và công nghệ”; năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy”, được tổ chức tại các di sản công nghiệp gắn với Hà Nội như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm… với nhiều hoạt động, hội thảo, triển lãm trưng bày, thu hút hơn 200.000 khách tham quan.

Quan tâm đến nguồn lực văn hóa, CNVH, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tu bổ, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, một nguồn lực vô cùng quan trọng trong phát triển du lịch văn hóa và xây dựng Thành phố sáng tạo.

Ngoài ra còn nhiều nghị quyết chuyên đề khác như quy định về đãi ngộ hỗ trợ đối với nghệ sĩ, nghệ nhân được Nhà nước phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú ở các lĩnh vực, các câu lạc bộ, các lĩnh vực phi vật thể của Thành phố. Đến nay, thành phố Hà Nội nỗ lực điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô sửa đổi Luật Thủ đô để đưa ngành CNVH thành ngành mũi nhọn đóng góp cho phát triển Thủ đô một cách bền vững.

Trong thời gian tới để thực hiện CNVH hiệu quả, Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà đưa ra những kiến nghị của Thành phố với Chính phủ. Đó là có cơ chế thực thi hiệu quả cấp quốc gia cho chiến lược phát triển ngành CNVH, đồng thời hướng dẫn các địa phương trong cả nước triển khai quy hoạch đồng bộ nhằm tạo sự thống nhất mục tiêu phát triển định vị bản sắc văn hóa từng vùng, từng địa phương, hình thành liên kết vùng, chuỗi liên kết các ngành, lĩnh vực thúc đẩy ngành CNVH Việt Nam có vị thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Ban hành và triển khai hướng dẫn thực hiện khung tiêu chí, chỉ số đánh giá các ngành CNVH nhằm thống nhất trong công tác thống kê đánh giá chất lượng, hiệu quả cũng như kịp thời bổ sung các cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực cho phát triển văn hóa đảm bảo đúng định hướng phát huy được tinh thần đổi mới sáng tạo.

Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn như vấn đề hợp tác đầu tư công bảo tồn phát huy những giá trị di sản, định mức đơn giá trong xây dựng các sản phẩm CNVH, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, bền vững của các cơ chế, cơ quan Nhà nước quản lý di sản văn hóa, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cần hoạt động văn hóa và các cá nhân nghiên cứu khoa học ở trên các lĩnh vực.

Phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội từ công nghiệp văn hóa - ảnh 3
  Ảnh minh họa. Nguồn: Int

Phát triển CNVH đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa

Việc ưu tiên phát triển các ngành CNVN đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa của Hà Nội đã được Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành CNVH của Chính phủ.

Trong Nghị quyết 09 nêu rõ, quá trình phát triển CNVH đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô; đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả liên kết giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phổ biến và tiêu dùng.

Tạo nên những sản phẩm văn hóa mới đặc sắc, hình thành liên kết chuỗi góp phần tăng giá trị, sức cạnh tranh, thúc đẩy thị trường xuất khẩu, phát triển và định vị thương hiệu sản phẩm CNVH Thủ đô ở trong nước, khu vực và trên thế giới. Tạo ra cơ hội cống hiến, khả năng tiếp cận, thụ hưởng quá trình sáng tạo văn hóa gắn với phát triển văn hóa sáng tạo, định hướng thị hiếu và nâng cao văn hóa thẩm mỹ cho người dân, cộng đồng xã hội.

Đồng thời, phát triển CNVH được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng; là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô; là ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GRDP, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô.

Tại hội thảo “Nghiên cứu, xác định một số sản phẩm, dịch vụ CNVH Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong tình hình mới” diễn ra ngày 15/12/2023, TS Lê Ngọc Anh, Thành ủy viên, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội TP Hà Nội cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, UBND Thành phố đã xây dựng Kế hoạch 217/KH-UBND, trong kế hoạch đã xác định “Ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của Thành phố.

Kế hoạch 217 đã lựa chọn 3/6 ngành, trong tổng số 13 ngành CNVH của Hà Nội, trước mắt trong tình hình mới cần thiết ưu tiên phát triển là: Du lịch văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn.

Theo Phó Bí thư Thành Ủy Nguyễn Văn Phong, với vị thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến, từ Thăng Long biểu thị cho khát vọng vươn lên đến những danh hiệu cao quý: Thủ đô ngàn năm văn hiến; Thủ đô anh hùng; Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; Thành phố vì hòa bình; Thành phố sáng tạo… đã góp phần định vị thương hiệu cho Hà Nội phát triển. Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển văn hóa nói chung và CNVH nói riêng. Từ những chính sách cụ thể đó, CNVN đã từng bước có sự chuyển động tích cực.

Năm 2018, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, ngành CNVH đóng góp 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của Thành phố. Đây là cơ sở để Nghị quyết 09 đặt mục tiêu cao hơn trung bình cả nước: Năm 2025 phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của Thành phố; năm 2030 đóng góp khoảng 8% GRDP; năm 2045 đóng góp 10% GRDP. Đồng thời đưa Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo của khu vực châu Á, Thành phố kết nối toàn cầu trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc có sức cạnh tranh quốc tế.

Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH Việt Nam diễn ra ngày 22/12/2023 - Hội nghị đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Trên thế giới, phát triển CNVH đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển CNVH…

Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Chính phủ ban hành đã khẳng định quan điểm: “Các ngành CNVH là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành CNVH“. Chiến lược xác định 12 lĩnh vực của CNVH.

 Để CNVH nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách, xây dựng ngành CNVH Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.

Tin cùng chuyên mục

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.
Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ  ​

Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ ​

(PNTĐ) - 13 giờ ngày 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Bạn cũ trào nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bạn cũ trào nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Trong hai ngày diễn ra lễ Quốc tang, dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xếp hàng kín các con đường hướng về Nhà văn hoá thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội và Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Nhân Tông. Trong dòng người đó, có những người bạn học cũ từ thời niên thiếu, bạn đại học của Tổng Bí thư. Họ đều tuổi đã cao, mắt mờ, chân run, tóc bạc hoa râm, vẫn lặng lẽ tiễn đưa người bạn lớn…
Phụ nữ Thủ đô nguyện tích cực xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh như đồng chí Tổng Bí thư từng căn dặn

Phụ nữ Thủ đô nguyện tích cực xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh như đồng chí Tổng Bí thư từng căn dặn

(PNTĐ) - Sáng ngày 26/7, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Đoàn đại biểu phụ nữ Thủ đô do đồng chí Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội làm Trưởng đoàn đã thành kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn cùng gia quyến.