Kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI:

Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh 31 dự án đầu tư công

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 8/12, tại kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội, với tổng số 31 dự án.

 Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh 31 dự án đầu tư công - ảnh 1
Quang cảnh kỳ họp

Nghị quyết HĐND Thành phố Hà Nội đã thống nhất thông qua 31 dự án, trong đó, phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 11 dự án sử dụng ngân sách cấp TP và 12 dự án sử dụng ngân sách cấp huyện; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 7 dự án sử dụng ngân sách cấp TP và 1 dự án sử dụng ngân sách cấp huyện.

Ngoài thống nhất như tờ trình, HĐND TP đã giao UBND TP chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư; có giải pháp đấu nối thích hợp, khớp nối đồng bộ, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp, đảm bảo không trùng lặp và tiết kiệm, hiệu quả; tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

Đồng thời, xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án, kinh phí giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng chế độ, chính sách hiện hành. Trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan. Trong công tác lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cần lưu ý thực hiện ý kiến của các sở, ngành đã đóng góp tại bước lập, trình, thẩm định, thẩm tra, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư của các dự án. Tăng cường kiểm tra nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình. Hướng dẫn, phối hợp cùng chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giúp chủ đầu tư hoàn thành dự án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng công trình.

 Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh 31 dự án đầu tư công - ảnh 2
Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân trình bày Tờ trình của UBND thành phố tại kỳ họp

Trước đó, trình bày Tờ trình của UBND thành phố, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, tổng số 35 dự án trình phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó có 6 dự án nhóm A; 24 dự án nhóm B; 5 dự án nhóm C; 24 dự án quyết định chủ trương đầu tư, 11 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, trên cơ sở thuyết minh của UBND TP Hà Nội về đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn để triển khai các dự án theo tiến độ dự kiến và các nội dung giải trình, báo cáo bổ sung của UBND, các Ban HĐND đã thống nhất đề nghị HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 11 dự án sử dụng ngân sách cấp TP và 12 dự án sử dụng ngân sách cấp huyện; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 7 dự án sử dụng ngân sách cấp TP và 1 dự án sử dụng ngân sách cấp huyện.

Tại báo cáo thẩm tra về việc phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội, Ban Kinh tế Ngân sách -HĐND TP cho biết: UBND TP trình tại Kỳ họp này hồ sơ của 35 dự án, trong đó có 24 dự án quyết định chủ trương đầu tư và 11 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Đến thời điểm thẩm tra, các Ban của HĐND TP đã nhận được hồ sơ của 34 dự án, trong đó 1 dự án về tăng cường đô thị giao thông bền vững cho dự án đường sắt đô thị số 3 trình ngày 2/12/2022 sau khi các Ban đã thẩm tra nên không đủ điều kiện để xử lý. Hồ sơ của 34 dự án bảo đảm theo quy định tại Nghị định 40 năm 2020 của Chính phủ.

Về các dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư có 22 dự án ngân sách TP thuộc các lĩnh vực giáo dục đào tạo dạy nghề, dân số, y tế, thông tin… Với 13 dự án cấp thành phố sử dụng ngân sách cấp huyện thuộc các lĩnh vực giao thông, trụ sở cơ quan Nhà nước, đoàn thể, trên cơ sở thẩm tra tờ trình, Ban Kinh tế Ngân sách-HĐND TP đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát, bổ sung báo cáo về nhu cầu vốn và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách TP đến năm 2025 để triển khai đầu tư các dự án lớn; Làm rõ việc tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công đối với các dự án kéo dài sang kỳ trung hạn 2026-2030.

Tại báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế Ngân sách cũng đề nghị HĐND TP chưa xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 2 dự án tại kỳ họp này; giao cho UBND TP tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Đó là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) đến Đầm Hồng và dự án xây dựng đường Tây Thăng Long đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng, do dự án nhóm A chưa đáp ứng đủ yêu cầu của TP.

Ban Kinh tế Ngân sách cũng kiến nghị không xem xét 1 dự án Xây dựng khu tái định cư trên địa bàn khu Đồng Chằm, Đồng Vai, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ do chỉ đề nghị điều chỉnh tiến độ. Việc điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội theo điểm d, khoản 3, Điều 1 Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 12-9-2022 của HĐND thành phố Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu, Bộ Công Thương nói gì?

Đề xuất để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu, Bộ Công Thương nói gì?

(PNTĐ) - Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 và Nghị định 80/2023 về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, có đề xuất để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán xăng dầu và một số thay đổi liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện không có nghĩa 3 tháng điều chỉnh một lần

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện không có nghĩa 3 tháng điều chỉnh một lần

(PNTĐ) - Trả lời báo chí về nguy cơ thiếu điện trong năm nay khi chưa vào cao điểm mùa khô, tăng trưởng phụ tải điện đã vượt 11%, cao hơn so với kế hoạch, Thứ trưởng Bộ Công ThươngNguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Chính phủ và Thủ tướng đã rất quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp để triển khai, khắc phục tình trạng này và có đủ cơ sở tin tưởng năm nay không thiếu điện.