Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Tiết kiệm chi, tập trung kinh phí phòng chống dịch

Chia sẻ

Thành phố đang ưu tiên các nguồn lực để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Không chỉ cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên, thành phố đã quyết định tạm dừng triển khai mua sắm trang thiết bị từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của thành phố, trừ các nội dung liên quan đến phòng, chống dịch.

Thông tin trên được Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh tại cuộc họp báo do Thành ủy tổ chức chiều ngày 6/8 về việc Hà Nội quyết định kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh  vai trò của người dân trong phòng chống dịch rất quan trọngPhó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh vai trò của người dân trong phòng chống dịch rất quan trọng (Ảnh: PV)

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp quản lý chặt chẽ người dân, thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 của UBND thành phố; Tận dụng những ngày giãn cách truy vết thần tốc, bóc tách nhanh, rà soát các trường hợp ho, sốt, khó thở để thực hiện sàng lọc trong cộng đồng ở các khu vực nguy cơ cao; Đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin trong cộng đồng…

Hiện thành phố đã bố trí 715 điểm tiêm chủng và những điểm lưu động tại các nơi rộng rãi để đảm bảo giãn cách và phòng dịch. Siết chặt công tác an toàn trong việc khám chữa bệnh, kiểm soát chặt mọi tuyến đường vào thành phố và tại các chốt kiểm soát ở địa phương.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội bà Trần Thị Phương Lan, thông tin: Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức cung ứng hàng hóa với mức dự trữ gấp 3 lần nhu cầu bình thường, các doanh nghiệp cũng đảm bảo nguồn hàng, đáp ứng nguồn cung. Đến nay, nhu cầu hàng hóa của người dân Thủ đô đều được đáp ứng đầy đủ, chưa có tình trạng thiếu hàng, chưa có trường hợp người dân không mua được hàng.

Thành phố đã kích hoạt thêm các điểm bán hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sở Công Thương cũng tiếp tục liên kết đưa về các nguồn hàng, chủ động thay thế các nguồn cung từ các địa phương đang có dịch. Sở đã yêu cầu các địa phương tập trung trồng các loại rau quả ngắn ngày để đáp ứng nhu cầu người dân. Liên kết các tỉnh sẵn sàng cung ứng cho Hà Nội, đảm bảo nguồn hàng hoá, khi các địa phương bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Trước sự lo lắng của người dân về tình hình cung ứng hàng hoá khi một số chợ đầu mối, một số chuỗi cửa hàng, siêu thị phải đóng cửa để thực hiện phòng, chống dịch bệnh, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương đảm bảo kết nối cung cầu hàng hóa tại địa bàn và lưu lượng nguồn hàng về TP; Tập trung nguồn hàng từ các chợ này chuyển cho hệ thống phân phối của siêu thị; tổ chức hàng trăm cửa hàng lưu động. Sở đang rà soát các điểm trống như ở Hà Đông, Gia Lâm... để bố trí chợ khi các chợ bị ảnh hưởng do dịch. Việc này nhằm đảm bảo lưu thông, thuận tiện cho các cửa ngõ Thủ đô...

Vai trò chủ động, tự nguyện của người dân rất quan trọng

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, dư luận xã hội và các chuyên gia đánh giá, việc Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP là rất đúng và trúng, kịp thời. Điều đáng nói hơn là các giải pháp thành phố đưa ra trong Chỉ thị được đánh giá cao.

Thành phố quyết định thực hiện thêm 15 ngày giãn cách xã hội xuất phát từ việc, sau gần 2 tuần thực hiện Chỉ thị 17 những kết quả đạt được khá tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi Hà Nội là trung tâm, đầu mối giao thương; xung quanh Hà Nội các tỉnh đều đang có dịch. Trong khi đó, dịch bệnh đã xâm nhập vào các địa bàn phức tạp như khu công nghiệp, bệnh viện, chuỗi cung ứng, siêu thị, khu đông dân cư… Nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây.

“Nếu dừng giãn cách thì những thành quả, kết quả đạt được trong thời gian qua khó đảm bảo được. Việc tiếp tục giãn cách nhằm khoanh vùng, truy vết, cách ly, xử lý các ổ dịch; Đồng thời tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, chuẩn bị thế chủ động một cách toàn diện” - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Xác định dịch bệnh còn kéo dài, thành phố đã phân công các lực lượng giảm tải cho tuyến đầu. Trong giai đoạn hiện nay, để tập trung nguồn lực phòng chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội, thành phố đã tạm dừng mua sắm trang thiết bị từ nguồn chi thường xuyên của thành phố (trừ thiết bị phòng chống dịch), cắt giảm tổ chức các hội nghị... để đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội.

Thành phố đã đưa vào sử dụng bệnh viện thu dung để điều trị những bệnh nhân F0 biểu hiện nhẹ. Bộ Y tế đã có phương án phân bổ cho Hà Nội số giường bệnh để điều trị các ca nặng. Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện thực hiện 3.000-5.000 chỗ cách ly. Bên cạnh đó, bổ sung mua sắm trang thiết bị phục vụ các bệnh viện. Quan điểm luôn luôn phải chủ động, không lơ là, mất cảnh giác và chuẩn bị cao hơn một bước...

Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã nhấn mạnh vai trò chủ động, tự nguyện của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt là bảo vệ, giữ cho được những “vùng xanh” an toàn rất quan trọng.

HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục

Biểu dương, tôn vinh 50 phụ nữ cao tuổi tiêu biểu của Thủ đô trong phong trào thi đua yêu nước

Biểu dương, tôn vinh 50 phụ nữ cao tuổi tiêu biểu của Thủ đô trong phong trào thi đua yêu nước

(PNTĐ) - Sáng 8/5/2024, tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hội LHPN Hà Nội và Ban Đại diện Hội người cao tuổi Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình gặp mặt, biểu dương 50 phụ nữ cao tuổi tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2024. Đây là chương trình ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024), 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024).