Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Đảm bảo giãn cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn nữa

Chia sẻ

Dù 2 đợt giãn cách xã hội, Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng nguy cơ dịch vẫn rất cao, vẫn xuất hiện nhiều ca F0 tại cộng đồng. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Ban Thường vụ Thành uỷ đồng ý với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP về việc tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP sau ngày 23/8 đến 6 giờ sáng ngày 6/9/2021.

Đồng thời, giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP ban hành công điện mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND trên địa bàn TP Hà Nội với mục tiêu là tận dụng những ngày giãn cách xã hội để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, có trọng tâm để bóc tách F0.

Thông tin trên được nhấn mạnh tại cuộc họp báo chiều ngày 20/8 do Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chủ trì thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 và các biện pháp chỉ đạo, điều hành của Thành phố trong thời gian tới.

Tại cuộc họp báo về tình hình dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thông tin, tính đến 12h ngày 20/8, trong đợt bùng phát dịch thứ tư, toàn thành phố đã phát hiện hơn 2.700 ca mắc, trong đó có 1.439 ca ghi nhận ngoài cộng đồng tại 29 quận, huyện, thị xã. Trong thời gian giãn cách, thành phố đã thực hiện xét nghiệm diện rộng, tập trung vào những khu vực, địa bàn có nguy cơ cao. Trong đợt 2, thành phố đã lấy được hơn 500.000 mẫu, phát hiện 18 ca F0, trong đó mới nhất là ngày 20/8, phát hiện 13 ca F0 tại khu chung cư HH4C Linh Đàm, quận Hoàng Mai.

TP đã bố trí, kích hoạt 10.600 giường điều trị. Từ ngày 16/8-22/8, thành phố tiếp tục kích hoạt thêm 4.000 giường điều trị; Từ 23/8-5/9, tiếp tục kích hoạt thêm 5.000 giường.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại họp báo.Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại họp báo.

Về công tác xét nghiệm, thành phố đã tập trung nguồn lực, tận dụng “thời gian vàng” các ngày giãn cách xã hội thực hiện xét nghiệm trên diện rộng cho các đối tượng “nhóm đỏ”, “nhóm da cam”, “nhóm xanh”. Đồng thời, lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao; Đợt 1 đã lấy 322.925 mẫu, phát hiện được 29 ca mắc; Đợt 2 lấy được 421.108 mẫu, kết quả phát hiện được 18 ca mắc, 107.259 mẫu âm tính, còn lại đang thực hiện xét nghiệm.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, trong cả 2 đợt giãn cách, người dân trên địa bàn thành phố được cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Người dân không đổ xô đi mua hàng. Thành phố đã ban hành rất kịp thời các văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc vận chuyển kịp thời, cung ứng đầy đủ cho hệ thống phân phối hàng hóa. Do chủ động nguồn cung, ngay cả khi nhiều siêu thị, cửa hàng phải tạm ngừng hoạt động cũng không ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa trên địa bàn.

Để sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân, thành phố tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng 30% dự trữ tại kho hàng và tăng 50% lượng hàng trên kệ. Thời gian tới, thành phố sẽ mở rộng các điểm bán hàng lưu động, hiện đã có 14 doanh nghiệp đăng ký bán hàng bằng xe buýt. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tiếp tục tổ chức bán hàng đến tận nhà trọ của công nhân, lao động. 

Hiện có hơn 8.000 điểm bán hàng bình ổn giá. TP tiếp tục mở thêm hàng trăm điểm bán hàng của bưu điện, các địa phương cũng triển khai các điểm bán hàng lưu động, đa dạng hóa các mặt hàng phục vụ Nhân dân.

Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát giá cả ở các hệ thống phân phối và chợ dân sinh. Qua kiểm tra cho thấy, một số mặt hàng có tăng nhưng chỉ tăng nhẹ 5-7%. Sở cũng phối hợp với Sở Y tế triển khai tiêm vắc xin cho người lao động trong các hệ thống phân phối.

Bên cạnh đó, Sở đang tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các tỉnh, thành phố, tăng nguồn cung cho Hà Nội. Hiện có hơn 30 tỉnh đề xuất được Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa.

Về công tác chi trả hỗ trợ, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố "không để người dân nào bị thiếu đói, ốm đau mà không được quan tâm", bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước như Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 3642 của UBND thành phố Hà Nội về hỗ trợ người lao động khó khăn do Covid-19, các cấp, các ngành, các đơn vị của Hà Nội đã kịp thời hỗ trợ cho những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Đáng chú ý, các cấp công đoàn thành phố đã chăm lo, hỗ trợ cho 38.590 lượt người lao động khó khăn với tổng số tiền 37,73 tỷ đồng. Các quận, huyện đã hỗ trợ 50.582 lượt người, hộ gia đình gặp khó khăn trên địa bàn với kinh phí 19,92 tỷ đồng…

Cũng tại buổi họp báo, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong thực hiện đợt giãn cách thứ hai, người dân ra đường còn rất đông, Công an thành phố đã thành lập 6 tổ công tác hoạt động như mô hình tổ 141. Trong 3 ngày kiểm tra 33.700 lượt phương tiện, xử lý hành chính 265 lượt vi phạm. Thời gian tới, Công an thành phố sẽ tăng cường hoạt động của các tổ công tác, kết hợp với các tổ tuần tra, kiểm soát của công an các địa phương kiểm soát chặt người ra đường, bảo đảm hiệu quả giãn cách xã hội.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Đại thông tin, việc tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam sẽ theo hình thức xét tuyển. Thành phố đã có văn bản giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam tiến hành xây dựng các tiêu chí để thực hiện xét tuyển. 

Về công tác khai giảng năm học mới 2021-2022, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Đại cho biết, thành phố sẽ tổ chức khai giảng theo đúng tinh thần của Bộ GD&ĐT, vào 7 giờ 30 phút ngày 5/9/2021 (Chủ nhật), thành phố sẽ phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức lễ khai giảng trực tuyến và truyền hình trực tiếp đến toàn thể nhân dân, học sinh Thủ đô.

Theo Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong, mục đích của việc giãn cách xã hội toàn TP trong thời gian vừa qua là để bóc tách F0, cắt đứt nguồn lây lan trong cộng đồng, tiến tới từng bước khống chế dịch bệnh. Trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, đặc biệt là các thôn, tổ dân phố đã rất nỗ lực cố gắng, tình hình dịch bệnh từng bước được kiềm chế.

Thời gian qua, TP đã thực hiện một loạt các giải pháp: Tiêm chủng đúng theo chỉ đạo của Trung ương, sát tình hình thực tế, có vaccine đến đâu tiêm ngay đến đó, các đối tượng theo đúng hướng dẫn và có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. 48% công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được tiêm. Các đối tượng nguy cơ cao đã được tiêm trong 9 đợt vừa qua. Tới đây, đợt 10 tiếp tục tiêm cho các đối tượng có nguy cơ cao: Tham gia lực lượng tuyến đầu, bảo vệ các khu nhà, bán hàng, công nhân, người hoạt động làm việc trong các chuỗi cung ứng, shipper, lái xe đã được TP trưng dụng. 

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận tại hội nghị.Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận tại hội nghị.

Phó Bí thư Thành uỷ cung cho biết, TP tổ chức xét nghiệm diện rộng nhưng có trọng tâm, trọng điểm là những vùng đỏ, vùng nguy cơ cao, đối tượng có nguy cơ. Thành phố đặt mục tiêu lấy 1,3 triệu mẫu để xét nghiệm, qua đó đã sàng lọc được những đối tượng F0 trong cộng đồng. Đáng chú ý, ngay tối hôm qua 19/8 đã phát hiện 13 ca tại HH Linh Đàm, đây là khu có mật độ dân cư rất cao, riêng toà nhà này có gần 2.000 người. Qua xét nghiệm phát hiện những khu nguy cơ cao.

Thời gian tới, TP tập trung nâng cao năng lực mọi mặt của ngành Y tế: Nâng cấp trang thiết bị, cung cấp bổ sung thêm hệ thống oxy. Đào tạo tập huấn đội ngu y bác sĩ. Chuẩn bị các bệnh viện thu dung, điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Hiện đã chuẩn bị cho 3 giai đoạn 10.000, 20.000, 30.000 và hiện đã xong giai đoạn 1.

Thành phố tranh thủ thời gian này để thành lập thêm các khu cách ly tập trung xa trung tâm, hiện vận hành được 30.000 chỗ, đang chuẩn bị tiến tới 70.000 và 100.000 chỗ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào phòng chống dịch. Nâng cấp trung tâm cấp cứu 115, kết nối tất cả các xe cấp cứu, tập huấn và chuẩn bị thêm 500 xe taxi phục vụ nhanh chóng cho công tác cấp cứu, được quản lý bằng phần mềm. Đang thử nghiệm phần mềm quản lý F1 có liên thông với F0, đảm bảo chặt chẽ, khoa học để chủ động trong trường hợp có nhiều F1.

Phó Bí thư Thành uỷ đánh giá, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng nguy cơ dịch vẫn rất cao. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Ban Thường vụ Thành uỷ đồng ý với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP về việc tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP sau ngày 23/8 đến 6 giờ sáng ngày 6/9/2021. Đồng thời, giao Ban Cán sự Đảng uỷ ban chỉ đạo UBND TP ban hành công điện mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND trên địa bàn TP Hà Nội với mục tiêu là tận dụng ngày giãn cách xã hội để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, có trọng tâm để bóc tách F0.

Thực hiện giãn cách nhưng trên thực tế lượng người ra đường vẫn còn đông; việc này TP đã giao Công an TP có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp, tham mưu với Sở chỉ huy phòng chống dịch của TP về giải pháp phù hợp hơn, sát tình hình thực tiễn hơn, đảm bảo giãn cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn nữa…

HẢI NAM

Tin cùng chuyên mục

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

(PNTĐ) - Tối 28/3, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Dương Xá, huyện Gia Lâm long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm năm 2024, chào mừng kỷ niệm 980 năm Ngày sinh Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (07/3/1044 - 07/3/2024)
 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(PNTĐ) -Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.