Chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975– 30/4/2025):

Phụ nữ Hà Nội: Anh dũng, đảm đang cùng dân tộc làm nên bản hùng ca lịch sử

THU HÀ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Hà Nội nói riêng đã đóng góp công sức, trí tuệ và máu xương cho sự nghiệp đấu tranh dành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phụ nữ Hà Nội không phân biệt tuổi tác, trình độ, giai cấp…đã anh dũng đóng góp sức mình để cùng tiền tuyến làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Khởi nguồn phong trào “Ba đảm đang”, bảo vệ hậu phương, ủng hộ tiền tuyến

Tháng 8/1964, bị thất bại nặng nề trong cuộc “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc, nhằm phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngăn chặn sự ủng hộ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Chiến tranh lan ra cả hai miền đất nước. Trong không khí sục sôi của những ngày Nam - Bắc thi đua đánh Mỹ, với lòng yêu nước nồng nàn, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Lúc này, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, cả miền Bắc sôi nổi thi đua với các phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba cao điểm” của công nhân viên chức, “Ba quyết tâm” của trí thức, “Hai giỏi” của phụ lão. Khắp nơi trong cả nước tổ chức biểu tình, mittinh phản đối đế quốc Mỹ.

Lớp lớp thanh niên, cả trung niên, cha trước con sau nhập ngũ, tái ngũ đi chiến trường đánh Mỹ. Hầu như quê nhà toàn phụ nữ, người già, trẻ em và những người không đủ điều kiện đi bộ đội. Làm sao để việc cày, bừa, cấy hái, nuôi con, học hành, chữa bệnh, để nhà máy, xí nghiệp vẫn hoạt động điều hòa, ổn định cuộc sống, để người đi chiến đấu yên tâm đánh Mỹ, để xây dựng hậu phương miền Bắc vững vàng, chi viện tốt cho miền Nam ruột thịt.

Trước thực tiễn đó, nhiều phong trào sáng tạo như: “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Chiến nhẫn chung thủy” ở Hòa Xá (Ứng Hòa), Hội Vợ bộ đội, Mẹ bộ đội, Hội thi cấy thẳng hàng; phong trào “Làm bèo hoa dâu”, “Làm phân xanh” ở khắp các địa phương.

Phụ nữ Hà Nội: Anh dũng, đảm đang cùng dân tộc làm nên bản hùng ca lịch sử - ảnh 1
Học sinh nữ Trường cấp II Yên Hòa, Hà Nội đăng ký phong trào “Ba đảm nhiệm” (sau này được Bác Hồ đặt tên phong trào “Ba đảm đang”). Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Đặc biệt, Ban Chấp hành Hội LHPN Đan Phượng (thuộc tỉnh Hà Đông trước đây, nay thuộc TP Hà Nội) đã phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”, động viên chị em phụ nữ nhận phần việc của nam giới vắng nhà để chồng con yên tâm đánh giặc.Nội dung ba đảm nhiệm ban đầu đề ra là:

(1) Gánh vác thêm phần việc của chồng con, anh em, hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất ở địa phương, để chồng con, anh em có thể yên tâm, sẵn sàng chiến đấu.

(2) Khuyến khích chồng con, anh em gia nhập bộ đội hoặc tiếp tục ở lại bộ đội chiến đấu cho đến ngày không còn một tên lính Mỹ trên đất nước.

(3) Tích cực tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, phục vụ chiến đấu ở địa phương, đồng thời sẵn sàng gia nhập bộ đội chiến đấu giết giặc khi Tổ quốc cần nữ thanh niên tham gia.

Đúng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/1965, Hội LHPN huyện Đan Phượng đã tổ chức cuộc mít tinh lớn tại sân trường cấp II xã Đan Phượng nhằm phát động phong trào và biểu dương lực lượng phụ nữ với hàng nghìn người tham gia. Tính đến ngày 16/3/1965, toàn huyện Đan Phượng có 5.635 phụ nữ nộp đơn đăng ký “Ba đảm nhiệm”.

Trước nhiệm vụ cứu nước khẩn trương, trước yêu cầu bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng miền Nam, đánh bại âm mưu của đế quốc Mỹ, thể theo nguyện vọng thiết tha của hàng triệu phụ nữ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chính thức phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” trong phụ nữ toàn miền Bắc.

Rất quan tâm đến phong trào thi đua của phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi ý cho Hội LHPN Việt Nam đổi tên phong trào “Ba đảm nhiệm” thành phong trào “Ba đảm đang” cho đúng với phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ trong gian khó: Đảm đang sản xuất, công tác thay thế chồng, con đi chiến đấu; Đảm đang công việc gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Phong trào “Ba đảm đang” đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của tổ chức Hội phụ nữ giai đoạn 1965-1975.

Phụ nữ Hà Nội: Anh dũng, đảm đang cùng dân tộc làm nên bản hùng ca lịch sử - ảnh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu của Người cho chị em phụ nữ xuất sắc tại Đại hội “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô (2/12/1965). Ảnh tư liệu.

Phong trào đã  đáp ứng yêu cầu cấp bách của hai nhiệm vụ chiến lược: Chống Mỹ cứu nước và bảo vệ miền Bắc XHCN. Đến tháng 5/1965, sau hai tháng phát động, toàn miền Bắc đã có 1 triệu 70 vạn phụ nữ đăng ký “Ba đảm đang” lập thành tích xuất sắc. Tại Hà Nội, chỉ sau một thời gian ngắn, đã có 30 vạn phụ nữ Thủ đô thuộc các lứa tuổi, thuộc mọi thành phần ghi tên tình nguyện “Ba đảm đang”.

Phong trào “Ba đảm đang” chống Mỹ cứu nước của phụ nữ Thủ đô đã góp phần nhất định vào thắng lợi chung của quân và dân Thủ đô trong cuộc đọ sức quyết liệt 12 ngày đêm với đế quốc Mỹ. Quân và dân ta đã lập thành tích xuất sắc: Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" buộc đế quốc Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Mỗi phụ nữ Thủ đô là một chiến sĩ kiên cường trong chiến đấu, sản xuất

"Giặc đến nhà đàn bà phải đánh", trong lịch sử của nhân dân Thủ đô,
chưa bao giờ phụ nữ tham gia vào cuộc chiến tranh nhân dân đông đảo với tinh thần gan dạ hy sinh và phát huy khả năng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên lĩnh vực quân sự như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phụ nữ Hà Nội: Anh dũng, đảm đang cùng dân tộc làm nên bản hùng ca lịch sử - ảnh 3

Nữ tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động Phạm Thị Viễn- một trong những pháo thủ của Nhà máy đã từng hạ gục chiếc máy bay F.111A  vào đêm 22/12/1972. ảnh tư liệu

Thực hiện nghị quyết của Thành ủy về xây dựng lực lượng vũ trang thời chiến, chị em tham gia 45% vào dân quân, 35% vào tự vệ biên chế thành 117 trung đội và một đại đội toàn nữ. Được chuẩn bị về tinh thần tư tưởng, anh chị em lực lượng bán vũ trang đã chuyên cần luyện tập cùng với lực lượng phòng không quốc gia tạo nên "toạ độ lửa" bảo vệ Thủ đô, làm cho giặc lái Mỹ khiếp đảm.

Hàng nghìn nữ thanh niên, trong đó có nhiều chị vừa rời ghế nhà trường đã hăng hái gia nhập đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, sẵn sàng đi tới vùng đất lửa, mở các con đường chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hàng vạn đơn tình nguyện cho chồng con đi chiến đấu. Có mẹ một lúc tiễn đưa cả 3 con nhập ngũ, nhiều bà mẹ có con độc nhất cũng tình nguyện cho con vào bộ đội. Nhiều đôi nam nữ yêu nhau tạm gác tình riêng ra trận và động viên nhau “Ra đi giữ trọn lời thề, đánh thắng giặc Mỹ trở về quê hương”.

Phụ nữ Hà Nội: Anh dũng, đảm đang cùng dân tộc làm nên bản hùng ca lịch sử - ảnh 4
Bác sĩ Đặng Thùy Trâm (bìa phải) cùng các y, bác sĩ tại Trạm xá Đức Phổ, Quảng Ngãi. (Ảnh tư liệu)

Phụ nữ Hà Nội tự hào có người đại biểu xuất sắc đóng góp vào cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam, đó là đồng chí Lê Thị Nhiễm, người con của quê hương Thanh Trì, là chiến sĩ tình báo hoạt động xuất sắc trong nội thành Sài Gòn dưới thời Mỹ - Ngụy, được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đó là bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm - người con gái Hà Nội đã cống hiến tuổi xuân nơi chiến trường ác liệt và anh dũng hi sinh tại Quãng Ngãi khi làm nhiệm vụ.

Khi địch trở lại đánh phá Hà Nội, ngày 16/4/1972, phụ nữ Thủ đô học Nghị quyết ngày 11/5/1972 và lời tuyên bố của Hội LHPN Việt Nam xác định phấn đấu “mỗi một phụ nữ Thủ đô là một chiến sĩ kiên cường trong chiến đấu, sản xuất và đời sống”. Hầu hết chị em dũng cảm đứng vững ở vị trí công tác, kể cả các nơi trọng điểm.

Khi địch đánh phá 12 ngày đêm cuối năm 1972 ở Hà Nội, trong chiến đấu, đã xuất hiện những tấm gương anh dũng như: Chị Đỗ Thị Minh, trung đội phó dân quân ở Yên Viên trong trận chiến đấu đánh máy bay, bị bom Mỹ bắn nát cả hai chân vẫn không rời trận địa, anh dũng cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Toàn đơn vị học tập gương "Sống ngoan cường, chết vẻ vang" của chị.

Chị Đỗ Thị Minh cùng các nữ liệt sĩ Đặng Thị Liên (Đông Anh), Hoàng Thị Diệu, Đỗ Thị Vân (Gia Lâm)... mãi mãi tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Thủ đô. Hay như chị Nguyễn Thị Ngoan ở Mai Lâm (Đông Anh), trong trận đầu đánh trả máy bay địch đã lấy thân mình làm giá súng để đồng đội tranh thủ thời cơ diệt địch. Nữ tự vệ cùng đồng đội hợp đồng tác chiến với các đơn vị tên lửa của bộ đội kịp thời nổ súng bắn rơi 6 máy bay (trong đó có 1 máy bay hiện đại F111) có chị Phan Thị Viễn và chị Ngô Thị Hiếu, công nhân Nhà máy cơ khí Mai Động tham gia.

Phụ nữ Hà Nội: Anh dũng, đảm đang cùng dân tộc làm nên bản hùng ca lịch sử - ảnh 5
50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Ảnh tư liệu

Chị Cù Thị Bích Hoàn, công binh xã Xuân Nộn (Đông Anh) là người đầu tiên tháo bom nổ chậm 1000 bảng Anh, kinh nghiệm của chị được các nơi áp dụng đã bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Nữ dân quân tự vệ góp phần giải tỏa hàng chục tấn hàng ở các ga tránh khỏi bị địch oanh tạc. Vừa dứt tiếng bom, trong khói lửa, nữ tự vệ các nhà máy Cơ khí Gia Lâm, Dệt 8/3 lao ra cứu tài sản của đơn vị... Các chị em đã gan dạ, chỉ huy chiến đấu giỏi, lập nhiều thành tích xuất sắc.

Trong lực lượng vũ trang địa phương có 206 chị được là chiến sĩ thi đua (1967), 25% chị em giành danh hiệu quyết thắng (1973). 10 đơn vị toàn nữ đạt danh hiệu Quyết thắng, trong đó trung đội nữ dân quân Lộc Hà (Đông Anh) giữ vững danh hiệu 7 năm liền, trung đội nữ tự vệ Nhà máy Dệt 8/3, đại đội nữ Hợp tác xã dệt Thành Công, đại đội 3 Nhà máy thực phẩm xuất khẩu... Trong 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, các tầng lớp phụ nữ tích cực góp phần tích cực khắc phục hậu quả để giảm bớt thiệt hại do bom Mỹ gây ra. Tiêu biểu cho tinh thần tích cực đó có 21 chị em được tặng Huy hiệu Bác Hồ, 16 chị em được kết nạp Đảng tại trận địa.

Ở lĩnh vực nào chị em phụ nữ Thủ đô cũng nêu gương dũng cảm. Trong Đảm đang sản xuất, công tác thay thế chồng, con đi chiến đấu”, nữ công nhân, nữ xã viên thủ công đem hết sức mình ngày đêm tích cực sản xuất để hoàn thành tốt kế hoạch. Nhà máy dệt 8/3, các xí nghiệp Dược phẩm I, II, X40, hợp tác xã may Sao đỏ, Giấy Hữu nghị … ở nhiều đơn vị, chị em thay thế nam giới đi nhập ngũ, phấn đấu làm tốt nhiệm vụ.

Ở ngoại thành, trước đây việc cày bừa, đào mương, đắp đập thường là việc của nam giới, nay hầu như đến tay chị em. Trước lạ, sau quen, vừa học vừa làm, vất vả chịu đựng, chị em phụ nữ trở thành chủ lực trong hợp tác xã nông nghiệp. Đội trưởng sản xuất, trên 80% là nữ. Điển hình như Anh hùng lao động Cù Thị Hậu, công nhân nhà máy dệt 8/3, chồng đi chiến đấu, 2 con còn nhỏ vẫn phấn đấu kiên trì đảm bảo ngày công bình quân cao, dệt vượt mức kế hoạch.

Chị em ngành Xây dựng làm nhiều hầm phòng không, đặt hàng vạn ống “buy” cá nhân bảo vệ người và của. Chị em ngành Giao thông bám mặt đường, phân hàng thông xe, san lấp hố bom, sửa chữa cầu phà, giải phóng mặt đường. Chị em Thương nghiệp bám trụ nơi trọng điểm kịp thời phục vụ bộ đội và lực lượng khắc phục hậu quả sau những trận đánh.

Trong “Đảm đang gia đình, động viên chồng con, anh em đi chiến đấu”, hàng vạn người mẹ, người vợ của Thủ đô lần lượt tiễn chồng, con ra trận. Nhiều chị em trẻ hoãn ngày cưới, động viên người yêu lên đường. Nhiều gia đình có từ 2 đến 6 người thân tại ngũ. Bà Phạm Thị Nghiêm (mẹ anh hùng liệt sĩ Bùi Ngọc Dương), bà Nguyễn Thị Loan đã vượt lên đau thương, con trước hy sinh tiếp tục tiễn con sau lên đường chiến đấu.

Nhiều con em Hà Nội trúng tuyển vào các trường Đại học trong và ngoài nước đã không đi học để đi nghĩa vụ quân sự. Trong phong trào “Toàn dân nuôi quân đánh giặc Mỹ”, các bà mẹ và chị em tổ chức lao động lấy tiền bồi dưỡng sức khỏe để anh em kịp lên đường.

Phụ nữ Hà Nội: Anh dũng, đảm đang cùng dân tộc làm nên bản hùng ca lịch sử - ảnh 6
Tượng đài “Đan Phượng quê hương người gái đảm”.

Ở hậu phương, nhiều hội Mẹ chiến sỹ đã được thành lập, các bà mẹ và các chị vừa thay thế người thân đảm nhận việc nhà, nuôi già, dạy trẻ, vừa lao động sản xuất, công tác với tinh thần nỗ lực phi thường. Có nhiều chị, chồng đi chiến trường hy sinh, một mình nuôi con, phấn đấu sản xuất, công tác tốt. Thi đua với vai trò người vợ, người mẹ đảm đang chăm lo việc gia đình, chị em đã hết lòng chăm sóc nuôi dưỡng dạy dỗ các con trưởng thành, tận tình chăm sóc cha mẹ già, giữ trọn đạo đức thủy chung. Giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam được nhân lên gấp bội bởi ý thức giác ngộ cách mạng sâu sắc, đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sỹ vững tay súng nơi chiến trường.

Vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Trong công cuộc đổi mới, phát triển của Thủ đô và đất nước hôm nay, phát huy truyền thống phụ nữ “Ba đảm đang”, phụ nữ Hà Nội cùng phụ nữ cả nước tiếp tục nỗ lực cố gắng, nêu cao tinh thần làm chủ, ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người phụ nữ và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phụ nữ Hà Nội: Anh dũng, đảm đang cùng dân tộc làm nên bản hùng ca lịch sử - ảnh 7
Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và các đại biểu tham quan triển lãm ảnh “Phong trào Ba đảm đang - mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam”.

Nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động thiết thực, hiệu quả đã được tổ chức Hội phụ nữ phát động, triển khai thực hiện thu hút đông đảo chị em tham gia như: Phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”;  nay là phong trào “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp, Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, giúp nhau phát triển kinh tế, sáng kiến sáng tạo, giỏi việc nước đảm việc nhà, góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước, tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Nhiều mô hình thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã được nhân rộng như: Tuần lễ vàng tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, nuôi lợn nhựa tiết kiệm, biến rác thành tiền, “Mẹ đỡ đầu”, “Đồng hành cùng con”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”; sống xanh, biến các điểm rác tồn đọng thành vườn hoa, đường hoa phụ nữ tự quản …

Hàng ngàn công trình, phần việc được các cấp Hội đăng ký và triển khai thực hiện có hiệu quả: Xây, sửa nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương, hỗ trợ xây, sửa điểm trường, tôn tạo làm đẹp các điểm di tích, hậu phương quân đội, phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Mẹ liệt sỹ, tặng học bổng nâng bước em đến trường… với tổng trị giá nhiều tỷ đồng.

Phụ nữ Hà Nội: Anh dũng, đảm đang cùng dân tộc làm nên bản hùng ca lịch sử - ảnh 8
Chương trình giao lưu điển hình tiên tiến “Tiếp lửa truyền thống phong trào Ba đảm đang phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác” giai đoạn 2015 - 2020.

Nhiều điển hình tiên tiến trong  phong trào thi đua đã được xét chọn người tốt việc tốt các cấp, Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu, Công dân Thủ đô ưu tú, giải thưởng Phụ nữ Việt Nam… góp phần tô đẹp thêm truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp phong trào “Ba đảm đang” trong kỷ nguyên mới của dân tộc, cán bộ hội viên phụ nữ Hà Nội tiếp nối truyền thống, phát huy phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất Khuất - Trung hậu - Đảm đang”, nét thanh lịch văn minh của người Hà Nội, gương mẫu đi đầu, không ngừng rèn luyện, chung sức xây dựng Thủ đô và đất nước phát triển thịnh vượng  trong kỷ nguyên mới.

Tin cùng chuyên mục

Thế hệ trẻ sẽ kế thừa và phát huy truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam

Thế hệ trẻ sẽ kế thừa và phát huy truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam

(PNTĐ) - Tuổi trẻ hôm nay vinh dự, tự hào vì đã được góp sức mình vào những thành tựu to lớn của đất nước; đồng thời, nhận thức sâu sắc trách nhiệm, sứ mệnh thiêng liêng phải tiếp nối ngọn lửa cách mạng mà các thế hệ cha anh đã trao truyền, biến lý tưởng thành động lực phát triển, thành đôi cánh vươn lên trong thời đại mới.
Máy bay chiến đấu mở màn chương trình diễu binh, diễu hành

Máy bay chiến đấu mở màn chương trình diễu binh, diễu hành

(PNTĐ) -Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước đã quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động” nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam

Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động” nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước đã quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.