Phường Yên Phụ (Tây Hồ): Người dân kêu cứu vì chính quyền cưỡng chế, tháo dỡ nhà ở sai quy trình

Chia sẻ

(PNTĐ) – Bức xúc về việc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ cưỡng chế, giải tỏa nhà ở, cây cối, hoa màu của các hộ dân đang sinh sống, trồng trọt tại khu vực cuối ngõ 76 An Dương mà không nhận được bất kỳ bồi thường, hỗ trợ nào, gây tổn hại về tài sản, tinh thần, hàng chục hộ dân đã gửi đơn kêu cứu đến báo Phụ nữ Thủ đô và các cơ quan chức năng.

Chính quyền cưỡng chế, thu hồi đất có đúng quy trình?

Chính quyền phường Yên Phụ, quận Tây Hồ đưa máy xúc vào cưỡng chế tháo dỡ nhà và san gạt hoa màu của người dânChính quyền phường Yên Phụ, quận Tây Hồ đưa máy xúc vào cưỡng chế tháo dỡ nhà và san gạt hoa màu của người dân (ảnh NVCC)

Trong đơn kêu cứu gửi đến cơ quan báo chí, hàng chục hộ dân sinh tại khu vực cuối ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ nêu: Ngày 9/11/2021, UBND phường Yên Phụ có ban hành Thông báo số 157/TB-UBND (ĐC) yêu cầu, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hiện đang có nhà cấp 4, nhà tôn, cây trồng, hoa màu… tự di chuyển, dỡ bỏ toàn bộ công trình, cây trồng, vật kiến trúc ra khỏi khuôn viên khu đất (rộng khoảng 7.097,9m2) xong trước ngày 21/11/2021.

Đặc biệt, Thông báo cũng đưa ra, từ ngày 22/11/2021, UBND phường Yên Phụ sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành san gạt, giải tỏa… mọi thiệt hại về tài sản, cây trồng trên đất, tổ chức, gia đình, cá nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Trong khi người dân còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra và cũng chưa nhận được thông báo về việc bồi thường, kế hoạch giải tỏa cụ thể… thì đến ngày 30/11/2021, lực lượng chức năng phường Yên Phụ đã đưa máy xúc vào cưỡng chế tháo dỡ tại khu vực được cho là vi phạm.

Khi đó, các công trình, tài sản của người dân như nhà ở tạm, cây cối, hoa màu trên khu đất đã bị san phẳng. Đồng thời, khu đất này cũng đã bị chính quyền phường Yên Phụ rào chắn, không cho người dân canh tác, sinh sống…

Trong đơn kêu cứu gửi đến báo Phụ nữ Thủ đô, ông Đỗ Văn Luyến (sinh năm 1957, Thương binh hạng 3/4); ông Quách Mạnh Quế (sinh năm 1957, Thương binh hạng 4/4) và ông Lê Xuân Đức (sinh năm 1969, Thương binh hạng 2/4) trình bày: Các hộ gia đình có mảnh vườn được chuyển nhượng lại tại cuối ngõ 76 An Dương, khi chuyển nhận chuyển nhượng họ được biết diện tích vườn này được khai hoang từ trước những năm 1993. Trong đó, nhiều hộ gia đình đã dựng nhà ở tạm, trồng cây lâu năm, hoa màu và nhất là có đóng thuế đất nông nghiệp, thuế đất trồng cây lâu năm…

Ông Đỗ Văn Luyến bày tỏ bức xúc: “Ngày 30/11/2021, trong khi chúng tôi không có ở nhà thì chính quyền phường Yên Phụ đã cho máy xúc vào phá dỡ nhà ở tạm, san gạt hết cây cối, hoa màu của chúng tôi mà không có bất kỳ một Quyết định cưỡng chế, xử lý vi phạm nào trước đó, ngoài Thông báo số 157/TB-UBND của phường. Chúng tôi nhận thấy, phường Yên Phụ đã coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng quy trình cưỡng chế, giải tỏa theo đúng quy định của Nhà nước. Đồng thời, đã gây thiệt hại về tài sản, hoa màu và khiến tôi không có chỗ để ở phải đi ở nhờ”.

Cùng chung nỗi bức xúc ấy là gia đình ông Lê Xuân Đức Đức, ông Quách Mạnh Quế, bà Lê Thị Nga.

Bà Nga cho hay, năm 2019, gia đình bà có nhận chuyển nhượng lại mảnh vườn có diện tích 240m2 ở cuối ngõ 76 An Dương (khu vực bãi bồi sông Hồng). Sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình bà đã đăng ký tạm trú, dựng căn nhà tôn cấp 4 (tường tôn, mái tôn, cột sắt, nền bê tông) với diện tích 70m2 để sinh sống, diện tích còn lại là trồng cây cối, hoa màu.

Bà Nga khẳng định, từ khi mua mảnh vườn và dựng nhà ở tạm, gia đình bà không nhận được bất kỳ sự nhắc nhở nào từ chính quyền địa phương, cũng như không bị lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính về việc xây dựng nhà ở trái phép, lấn chiếm đất công…

Thế nhưng, cũng tương tự như các hộ gia đình bị cưỡng chế, giải tỏa, gia đình bà Nga cũng chỉ nhận được một tờ Thông báo số 160/TB-UBND của UBND phường Yên Phụ về việc yêu cầu tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm. Ngày 30/11/2021, toàn bộ căn nhà là nơi sinh sống của 8 nhân khẩu cùng cây cối, hoa màu trên đất của gia đình bà Nga đã bị vùi lấp, san gạt mà không nhận được bất kỳ sự bồi thường, hỗ trợ nào từ chính quyền phường Yên Phụ.

Bà Lê Thị Nga cũng cho rằng, chính quyền địa phương thực hiện không đúng quy định. Tài sản của người dân bị phá dỡ, san gạt mà không hề nhận được bất kỳ bồi thường nào.

Với những bức xúc trên, người dân nơi đây đã gửi đơn kêu cứu, khiếu nại lên UBND phường Yên Phụ, UBND quận Tây Hồ và UBND thành phố Hà Nội. Đồng thời, các hộ gia đình cũng cung cấp một số tài liệu chứng mình quyền sử dụng đất, cây cối hoa màu như: Hóa đơn đóng thuế đất nông nghiệp, hóa đơn đóng thuế trồng cây lâu năm của những chủ sở hữu trước đó đã nộp thuế… Tuy nhiên, những tài liệu này không được chính quyền phường Yên Phụ chấp nhận.

Cần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân

Chính quyền phường Yên Phụ cưỡng chế, tháo dỡ nhà ở và cây cối của người dânChính quyền phường Yên Phụ cưỡng chế, tháo dỡ nhà ở của người dân (ảnh NVCC)

Trả lời báo chí về những nội dung phản ánh trên của người dân, theo đại diện UBND phường Yên Phụ, khu đất đó là đất công có nguồn gốc bãi sông Hồng do UBND TP. Hà Nội giao cho phường quản lý theo Quyết định số 5559/QĐ-UB ngày 20/12/1999. Người dân tự ra san lấp, lấn chiếm khu đất.

Ngày 9/11/2021, UBND phường Yên Phụ có gửi thông báo đến tất cả các hộ dân. Hiện trạng có mình gia đình bà Nga ở trên khu đất và phường đã gửi thông báo cho gia đình, đề nghị di chuyển toàn bộ vật kiến trúc, tài sản ra khỏi khu đất đó. Tài sản trên khu đất có mấy cây chuối, 2 lều không có người ở và 1 lều tạm quây vài tấm tôn khoảng 40m2 là gia đình bà Nga đang ở. Đến ngày 30/11/2021, UBND phường mới tiến hành giải tỏa.

Theo đại diện UBND phường Yên Phụ, phường đã xem xét giấy tờ của người dân và báo cáo quận Tây Hồ để thông báo trả lời đơn. Người dân cung cấp hồ sơ giấy tờ về đất, thì phường sẽ báo cáo. Hiện, người dân mới chỉ cung cấp biên lai thuế photo, không ghi địa chỉ cụ thể, không xác định vị trí. Theo chỉ đạo của UBND quận, thì UBND phường xin kế hoạch và thông báo cho người dân di chuyển toàn bộ các thứ ra khỏi khu vực, để phường giải tỏa, rào, quản lý, chống lấn chiếm.

Tuy nhiên, về phía người dân cho rằng, họ đã đóng thuế đất nông nghiệp và cây lâu năm từ những năm 1990, tại vị trí khu đất bị cưỡng chế tháo dỡ. Thậm chí, trước đó vào năm 2016, người dân còn nhận được thông báo của UBND phường về việc đề nghị người dân phối hợp với tổ công tác để hỗ trợ đo đạc, cắm mốc giới.

Để trả lời cho câu hỏi của người dân là việc tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ, giải tỏa nhà và hoa màu như trên có đúng quy trình và quy định pháp luật hay không? Đại diện chính quyền địa phương không cung cấp tài liệu, giấy tờ liên quan đến việc xử lý vi phạm, quyết định xử phạt hành chính… trước khi thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ, giải tỏa với lý do “phường không đủ thẩm quyền”.

Để làm rõ nội dung khiếu nại của người dân nêu trên, đề nghị UBND thành phố, UBND quận Tây Hồ và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh và có hướng giải quyết thấu tình, đạt lý, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lợi chính đáng của người dân.

Báo Phụ nữ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

HOÀNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

(PNTĐ) - Ngày 20/4, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận xã Kim Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những ghi nhận cho sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 (đạt chuẩn với 5 lĩnh vực: An ninh trật tự, Văn hóa, Y tế, Du lịch, Chuyển đổi số).
Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.