Quá nhiều quy hoạch trên 1 địa bàn có thể gây lãng phí nguồn lực

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Góp ý vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đại biểu Quốc hội cho rằng, việc triển khai thực hiện quá nhiều quy hoạch trên 1 địa bàn hành chính (quy hoạch xã, quy hoạch huyện trên địa bàn hành chính 01 tỉnh) sẽ làm tăng các khoản mục chi trong cơ cấu chi nhân sách Nhà nước từ Trung ương đến địa phương có thể gây lãng phí nguồn lực ngân sách.

Bổ sung định nghĩa rõ ràng “khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị”

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) tán thành với các nội dung đã được giải trình, tiếp thu của UBTVQH và đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật lần này đã tích hợp, giảm số lượng các loại quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục lập phê duyệt, điều chỉnh các loại quy hoạch cũng như đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong công tác lập và quản lý các loại quy hoạch.

Quá nhiều quy hoạch trên 1 địa bàn có thể gây lãng phí nguồn lực - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Điều 2 giải thích từ ngữ nội dung quy định khái niệm thế nào là “khu vực nội thành, nội thị”. Theo đại biểu, chúng ta cần nhận thức rõ vai trò của nội thành, nội thị, đây không đơn thuần là khu vực nằm bên trong ranh giới của đô thị mà cần được định nghĩa là khu vực trung tâm, lõi của đô thị, có sự tập trung cao về dân cư, dịch vụ, hoạt động kinh tế và hạ tầng đô thị, là không gian có tính liên kết cao. 

Việc xác định khu vực nội thành, nội thị có tính liên kết cao sẽ giúp cho việc quy hoạch được thực hiện một cách toàn diện, thống nhất, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, có sự liên thông đồng bộ, kết nối cao, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tăng cường diện tích cho người dân đô thị.

Đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng phát triển kinh tế của kinh tế đô thị, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập và nhiều tác động tích cực khác.

Tuy nhiên, do hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định một cách chính thức thế nào là khu vực nội thành, nội thị nên dẫn đến cả trong công tác quy hoạch đô thị và thực tiễn phát triển các đơn vị hành chính đô thị đang tồn tại thực trạng là có một số đô thị, chủ yếu là các thị xã và thành phố thuộc tỉnh đang duy trì các khu vực nội thành, nội thị tách biệt, thiếu tính kết nối.

Quá nhiều quy hoạch trên 1 địa bàn có thể gây lãng phí nguồn lực - ảnh 2
Các đại biểu dự kỳ họp.

Do đó, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị trong dự thảo Luật này cần bổ sung định nghĩa rõ ràng về khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị; đồng thời bổ sung một số quy định về yêu cầu và nguyên tắc đối với việc quy hoạch khu vực nội thành, nội thị tại Điều 6, Điều 7 và yêu cầu về các tiêu chí quy hoạch về phân loại đô thị áp dụng đối với khu vực này tại Điều 20, Điều 21.

Điều này sẽ giúp hạn chế các bất cập hiện nay trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị, hạn chế lãng phí trong đầu tư nguồn lực phát triển, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị, và làm cơ sở cho việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Tích hợp quy hoạch cấp xã trong quy hoạch chung cấp tỉnh

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) góp ý quy định về việc bảo đảm của sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 8.

Đại biểu cho rằng, dự thảo luật đang quy định việc phát sinh mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ cùng cấp có thẩm quyền phê duyệt, cùng cấp độ, khác cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện. 

Quá nhiều quy hoạch trên 1 địa bàn có thể gây lãng phí nguồn lực - ảnh 3
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) phát biểu.

Theo đại biểu, quy định như điều này làm thay đổi nguyên tắc trong việc tuân thủ của quy hoạch; quy hoạch cấp cao hơn phải được lập trước làm cơ sở cho quy hoạch cấp thấp hơn. Vấn đề này sẽ làm cho việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đô thị nông thôn trong phạm vi địa bàn thành phố, thị trấn, thị xã, huyện, xã mang tính chất rời rạc, không có sự chia sẻ, trao đổi thông tin kịp thời giữa các cấp thẩm định quy hoạch. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Về việc không lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã mà giao cho UBND tỉnh quyết định xã cần phải lập quy hoạch chung tại khoản 2 Điều 25 , đại biểu cho rằng quy hoạch chung huyện có thể tích hợp các nội dung định hướng phát triển xã trong huyện tại Điều 26, 27, 28.

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đơn vị hành chính được chia thành bốn cấp; mặt khác đơn vị hành chính cấp huyện được giao phụ trách quản lý đơn vị hành chính cấp xã theo địa bàn, lĩnh vực quản lý nhà nước.

Vì vậy, không cần thiết phải lập quy hoạch chung cấp xã mà tích hợp quy hoạch chung cấp xã trong quy hoạch chung cấp tỉnh.

Về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 47), đại biểu cho biết, nội dung cơ bản trong dự thảo Luật quy định phân cấp cho cấp thẩm quyền thấp hơn được tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền cao hơn phê duyệt theo trình tự được cấp cao hơn quy định.

Quá nhiều quy hoạch trên 1 địa bàn có thể gây lãng phí nguồn lực - ảnh 4
Các đại biểu kỳ họp.

Theo đại biểu, nội dung này chưa bảo đảm nguyên tắc tuân thủ trong quản lý hành chính Nhà nước, “cơ quan Nhà nước cấp dưới phải tuân thủ văn bản của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”. Việc cho phép cấp dưới điều chỉnh cục bộ quy hoạch do cấp trên phê duyệt sẽ dẫn tới việc khó theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện quy hoạch của cấp trên. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh để đảm bảo nguyên tắc trên.

Về nguồn lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch, tại khoản 5 Điều 5 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định đối tượng của đầu tư công là các đối tượng theo quy định của pháp luật về quy hoạch (hiện nay là Luật Quy hoạch năm 2017).

Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quy hoạch năm 2017 đang xin ý kiến rộng rãi cũng đã quy định chi tiết việc sử dụng nguồn vốn để thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch, đối tượng điều chỉnh theo Luật Quy hoạch 2017, trong đó quy định chi tiết: đầu tư công được sử dụng để thực hiện 05 quy hoạch gồm: quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng thể đô thị nông thôn; các quy hoạch mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, việc triển khai thực hiện quá nhiều quy hoạch trên 01 địa bàn hành chính (quy hoạch xã, quy hoạch huyện trên địa bàn hành chính 01 tỉnh) sẽ làm tăng các khoản mục chi trong cơ cấu chi nhân sách Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Điều này có thể gây lãng phí nguồn lực ngân sách, chưa đảm bảo mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó có nội dung “từng bước cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng tăng hợp lý tỉ trọng chi đầu tư, giảm dần tỉ trọng trong chi thường xuyên”.

Tin cùng chuyên mục

Hôm nay diễn ra Chương trình “Xuân Quê hương 2025“

Hôm nay diễn ra Chương trình “Xuân Quê hương 2025“

(PNTĐ) - Chương trình Xuân Quê hương 2025 có chủ đề "Việt Nam - Vươn lên trong kỷ nguyên mới," do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức; diễn ra từ ngày 18-20/1/2025 (tức ngày 19-21 tháng Chạp năm Giáp Thìn) tại Hà Nội với nhiều sự kiện phong phú và ý nghĩa.
Cơ quan Hội LHPN TP Hà Nội  tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năm 2025

Cơ quan Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năm 2025

(PNTĐ) - Sáng 17/1, Cơ quan Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năm 2025. Dự Hội nghị có đồng chí Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội và các đồng chí trong Ban Thường vụ Hội LHPN Thành phố.