Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Quyết định các vấn đề quan trọng, mang tính đột phá

Bài và ảnh: Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc vào ngày 20/10 với tổng thời gian làm việc dự kiến 21 ngày. Đúng như phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là kỳ họp cuối năm với nhiều nội dung trọng tâm liên quan đến công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, mang tính đột phá của đất nước.

Quyết định các vấn đề quan trọng, mang tính đột phá - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội 
khóa XV

Tăng trưởng kinh tế vượt kịch bản dự kiến
Ngay trong sáng khai mạc 20/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GDP cả nước tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2021-2022, vượt kịch bản dự kiến. Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã đề ra. Ước thực hiện cả năm có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, nhất là về tăng trưởng kinh tế.

Theo Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính, kinh tế xã hội nước ta cũng đạt được một số thành quả quan trọng như: Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân; tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng cao; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh. 

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Quốc Hội xem xét, cho ý kiến 7 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nước ta cần tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia…

Nhiều vấn đề nóng được mổ xẻ 
Với tinh thần làm việc khẩn trương, chất lượng, trong chương trình kỳ họp, tại các cuộc thảo luận tổ, nhiều vấn đề nóng đã được các ĐBQH đưa ra như tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc hàng loạt, tình trạng thiếu giáo viên mầm non, thiếu trường học trong các khu công nghiệp, bình ổn giá…

Theo đại biểu Siu Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc, đặc biệt ở ngành Y tế và Giáo dục. Theo thống kê, với ngành giáo dục 2,5 năm qua có 16.427 người thôi việc, chiếm 41,53%. Trong ngành Y tế, có 12.198 người xin thôi việc, chiếm tỉ lệ trong tổng số viên chức là 30,84%. Bình luận về tình trạng này, đại biểu Siu Hương cho rằng do người lao động cảm thấy áp lực công việc lớn nhưng tiền lương nhận được lại không tương xứng. 

Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công, để giữ chân người lao động thì việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết. Song, mức tăng dự kiến còn “khiêm tốn” nên mong rằng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng lương theo lộ trình để người dân đảm bảo mức sống. 

ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận lại bày tỏ sự lo ngại về tình trạng thiếu trường học, đặc biệt trường học trong khu công nghiệp cho con em công nhân. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân các hạng mục đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt cho các địa phương để đầu tư cho hệ thống giáo dục. 
Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề cập đến vấn đề thiếu giáo viên môn Tin học, Tiếng Anh ở một số địa phương từ thành phố lớn tới các vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn trong bối cảnh chúng ta đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và đề nghị cần sớm có biện pháp tháo gỡ. 

Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề cập tới tình trạng khan hiếm xăng dầu xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua và đề nghị Chính phủ cần sớm có giải pháp bình ổn giá cả; đặc biệt cần có chiến lược ổn định giá xăng dầu cũng như xem xét kéo dài chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu.

Kỳ họp xem xét thông qua và cho ý kiến nhiều Dự án Luật
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, Quốc hội xem xét, cho ý kiến 7 dự án Luật khác.

Sáng ngày 24/10, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật này. 

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. 

Thảo luận tại Hội trường, ĐBQH Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình quan tâm tới vấn đề cơ chế tài chính trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu đề nghị Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập, trong đó quy định rõ mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Cũng đề cập đến vấn đề tự chủ, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH Hà Nội đã dẫn chứng hai bệnh viện K và Bạch Mai vừa qua đã xin… thôi tự chủ và cho rằng, đây là sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công. 

Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn ĐBQH Quảng Nam, ghi nhận điểm mới của Dự thảo Luật đã phân cấp bệnh viện thành 3 cấp ban đầu, cơ sở và chuyên sâu (Trước đây, bệnh viện chia theo tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, xã). Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, Dự thảo Luật cần làm rõ mối quan hệ của các cấp bệnh viện cũng như chính sách của Nhà nước với từng cấp ra sao. Ông đặt câu hỏi, một bệnh viện có thể có cả 3 cấp không hay chỉ 1 cấp và có dẫn tới tình trạng bệnh nhân ở gần bệnh viện chuyên sâu nhưng vẫn phải đi tới cuối tỉnh để được khám bệnh… ban đầu. 

Tại phiên thảo luận sáng 24/10, nhiều đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm vào Dự thảo Luật này các quy định xử phạt tình trạng người nhà bệnh nhân, bệnh nhân hành hung nhân viên y tế; bổ sung nội dung về quyền của người bệnh như quyền được tiếp cận hồ sơ bệnh án chi tiết, quyền được “than phiền” về chất lượng khám, chữa bệnh, thái độ của y, bác sĩ… 
Trước đó, từ chiều ngày 20-22/10, Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, sau đó các đại biểu cho ý kiến về một số nội dung của Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở; nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự án Luật này. Quốc hội cũng đã nghe trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

Tập trung gỡ khó cho Hoài Đức sớm hoàn thiện các tiêu chí lên quận

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền - Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận dẫn đầu đoàn công tác của UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Hoài Đức về: Rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức thành quận theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố; đánh giá tính khả thi phát triển huyện thành quận của Hoài Đức đến năm 2025.