Sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị địa phương: Tầm nhìn chiến lược của Đảng trong tiến trình đổi mới
(PNTĐ) - Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự là sự tháo gỡ điểm nghẽn, căn cứ vào đó để sửa đổi Điều lệ Đảng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, sửa đổi cơ chế, chính sách, bảo đảm tạo lập môi trường chính trị, pháp lý tương thích. Sự nhất thống một đảng cầm quyền, lãnh đạo là nền tảng chính trị để kết nối sức mạnh quốc gia, dân tộc, vị thế quốc gia, dân tộc được nâng lên, người dân được cống hiến nhiều hơn vào cơ đồ dân tộc.
Kết luận số 127-KL/TƯ ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (gọi tắt là Kết luận 127) đã và đang nhận được sự quan tâm sâu rộng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đây là tầm nhìn chiến lược của Đảng trong tiến trình đổi mới phương thức cầm quyền, lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.

PGS.TS Trần Viết Lưu cho rằng: Nếu nhìn qua các nước, chúng ta thấy các quốc gia phát triển đều có tổ chức bộ máy ít cồng kềnh. Điển hình như Trung Quốc, dân số hơn 1,4 tỷ, diện tích hơn 9,6 triệu m2, song tổ chức bộ máy chính quyền địa phương của họ tinh giản hơn nhiều. Quản trị quốc gia trong bối cảnh hiện nay, nhất là chuyển đổi số, chính quyền điện tử thì lẽ tất nhiên không thể cứ giữ số đơn vị hành chính và các cấp chính quyền như cũ…
Về lý luận, bộ máy tổ chức chính quyền phải mang bản chất phụng sự người dân; không thể để bộ máy tổ chức chính quyền trở thành bộ máy hành chính xơ cứng, áp đặt. Cơ chế quan liêu, bao cấp trước đổi mới từng phát lộ những khiếm khuyết về tổ chức bộ máy...
Trước đây, nước ta từng thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, song do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên lại quay trở về “chia tách”. Nay đã tới lúc, một quốc gia vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ hơn, thì chắc chắn, phải tái cấu trúc tổ chức bộ máy mang tầm nhìn tổng thể, bao trùm. Bỏ tổ chức bộ máy cấp huyện, thì sẽ tăng cường đội ngũ tinh thông, chuyên nghiệp, trình độ cao cho cấp xã, nơi cần có sự quản lý sâu sát, để bảo đảm đường lối, chủ trương của Đảng bám rễ vào đời sống, nơi mà người dân thực hiện thượng tôn pháp luật; còn một bộ phận có trình độ, năng lực đủ tầm thì sẽ được tăng cường cho tổ chức bộ máy cấp tỉnh, được đào tạo, bồi dưỡng kế cận tương lai.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, về mặt tài chính, việc tinh gọn bộ máy hành chính đồng nghĩa với việc giảm bớt biên chế, cắt giảm các khoản chi thường xuyên cho bộ máy cấp huyện, từ đó tiết kiệm đáng kể ngân sách nhà nước. Số tiền này có thể được tái đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng hơn như giáo dục, y tế, hạ tầng hoặc chuyển vào các chương trình an sinh xã hội, trực tiếp phục vụ đời sống người dân.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội cũng nhận định, mô hình chính quyền 3 cấp sẽ giúp mở rộng không gian phát triển cho các địa phương. Khi bỏ cấp trung gian là cấp huyện, chính quyền cấp tỉnh sẽ trực tiếp quản lý cấp xã, từ đó có thể ra quyết định nhanh hơn, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính, giảm bớt tình trạng chồng chéo, trì trệ trong bộ máy. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, việc xóa bỏ cấp huyện cũng giúp loại bỏ một số rào cản trong quản lý nhà nước. Hiện nay, một số chính sách khi triển khai xuống cơ sở thường phải qua nhiều cấp trung gian, gây chậm trễ và làm giảm hiệu quả thực hiện. Nếu cấp tỉnh có thể trực tiếp chỉ đạo cấp xã, việc thực thi chính sách sẽ nhanh hơn, minh bạch hơn và tránh được tình trạng phân tán trách nhiệm giữa các cấp chính quyền”.